Những đổi mới sáng tạo về phương pháp “dạy và học” đó đang tạo một sức sống mới trong các trường CAND.
Trong bức tranh đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện của các trường CAND, Học viện Chính trị CAND dù mới thành lập được 5 năm nhưng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên nhiều mặt công tác, trong đó có những bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ với những “cải tiến, sáng tạo” trong phương pháp giảng dạy. Hầu hết đội ngũ giảng viên các khoa, bộ môn đã có thể đảm nhiệm được các học phần được phân công đối với việc giảng dạy hệ đào tạo đại học chính quy; số các đồng chí có chức danh giảng viên trở lên đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy đối với hệ đào tạo văn bằng 2 và các hệ bồi dưỡng chức danh.
Một bước tiến nữa về xây dựng đội ngũ của Học viện, đó là nhà trường đã phát động phong trào thi đua dạy tốt học tốt và đã đạt được kết quả vô cùng quan trọng, trở thành động lực phấn đấu, thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở Học viện. Năm 2018 – 2019 có 59 lượt giảng viên đăng ký thực hành dạy giỏi dưới nhiều hình thức. Chất lượng các bài dạy giỏi được đánh giá cao cả về hồ sơ bài giảng và khả năng thực hành của giảng viên.
Sự trưởng thành của đội ngũ giảng viên có được còn do thời gian qua, Ban Giám đốc Học viện đã khích lệ, động viên giảng viên tham gia các diễn đàn, các tọa đàm khoa học; giao cho họ tham gia viết bài, viết các bài tham luận khoa học, khích lệ các giảng viên bày tỏ chính kiến. Phong trào này đã cuốn hút đông đảo các cán bộ, giảng viên tham gia, giúp họ nâng cao nhận thức, ý thức chính trị và hoàn thiện trình độ chuyên môn.
Thượng tá, Tiến sĩ Tống Văn Khuông, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Học viện Chính trị CAND) cho chúng tôi hay, thời gian vừa qua, Học viện còn quyết liệt tổ chức bổ sung các chuyên đề ngoại khóa cho học viên hệ chính quy, với sự tham gia của các báo cáo viên là các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực.
Những chuyên đề về công tác vận động quần chúng, những vấn đề pháp luật mới liên quan đến công tác công an, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đến các chuyên đề về kỹ năng ứng xử của cán bộ chiến sĩ CAND, kỹ năng lập biên bản vụ việc…, là vô cùng cần thiết, thiết thực, giúp bổ sung kiến thức thực tế cho học viên chính quy trước khi ra trường, giúp các học viên dù được đào tạo chuyên sâu về chính trị, tham mưu chỉ huy CAND, nhưng nắm vững những kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của cán bộ Công an cấp cơ sở, nắm vững nghiệp vụ công tác công an.
Giờ thực hành và các tình huống diễn tập nghiệp vụ của học viên Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang. |
Xuất phát từ thực tiễn chiến đấu, lực lượng CAND luôn phải đối diện các đối tượng côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí “nóng”, gây khó khăn cho người chiến sĩ khi làm nhiệm vụ, thậm chí có thể tước đi mạng sống của họ, chính vì vậy, trong chương trình đào tạo tại Học viện ANND, bên cạnh việc học văn hóa, học kiến thức nghiệp vụ, các học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật CAND, biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong từng hoàn cảnh, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, đồng đội và nhân dân.
Thượng tá Lê Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Quân sự, Võ Thuật, Thể dục Thể thao, Học viện ANND cho biết: Tại Học viện ANND, võ thuật là nội dung có thời lượng học nhiều nhất với 190 tiết, trong đó, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác chiến đấu của lực lượng CAND…
Bên cạnh những giờ học thực hành chính khóa, hơn 20 năm qua, Học viện ANND luôn duy trì các CLB Võ thuật, bắn súng, thể dục thể thao nhằm giúp cho các học viên có sân chơi để rèn luyện các kỹ năng và thực hiện niềm đam mê của mình. Từ các “lò” võ thuật, bắn súng này, hàng nghìn học viên đã được đào tạo bài bản, trở thành cán bộ nòng cốt, có thành tích cao tại Công an các đơn vị, địa phương.
Không chỉ tăng cường rèn luyện các kỹ năng chiến đấu, trong vài năm trở lại đây, Học viện ANND cũng đã chú trọng đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, gắn lý luận với hoạt động thực tế tại địa phương thông qua việc tổ chức cho học viên các khóa đi thực tế công tác chính trị, xã hội. Qua các đợt “ba cùng” này, học viên được tìm hiểu các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự ở địa phương cũng như thực hành công tác dân vận. Đây là môi trường thuận lợi để các em rèn luyện, củng cố bản lĩnh chính trị, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng sống để có thể phục vụ tốt cho quá trình công tác sau này.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ cũng tạo điều kiện cho việc giảng dạy thực hành, nhất là ở một số bộ môn như Tin học, Ngoại ngữ tại Học viện có những bước đột phá về chất.
Trung tá Phan Anh Tuấn, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Học viện ANND cho biết: Để chuẩn bị sẵn sàng cho học viên có thể gia nhập đội ngũ cán bộ chiến sĩ CAND, đáp ứng yêu cầu cao về phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế, Học viện ANND đã hợp tác với tổ chức khảo thí hàng đầu của Hoa Kỳ áp dụng chuẩn đầu ra về tiếng Anh bằng bài thi TOEIC, chuẩn đầu ra về trình độ sử dụng Tin học văn phòng bằng bài thi MOS cho sinh viên Học viện, bắt đầu từ khóa D45. Khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học của học viên được nâng cao cả về chất lượng đại trà lẫn mũi nhọn khi tham gia các sân chơi trí tuệ, và sinh viên Học viện ANND luôn giành thứ hạng cao.
Lựa chọn phần giảng dạy thực hành là khâu đột phá, trong thời gian qua, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã xây dựng nhiều phòng thực hành với nguồn kinh phí khác nhau. Đặc biệt, năm 2017, nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm huấn luyện thực hành nghiệp vụ với diện tích hơn 16.000m2, gồm 20 phòng thực hành nghiệp vụ gắn với từng chuyên ngành đào tạo, trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, mô hình hóa các môi trường công tác thực tiễn để giáo viên có điều kiện giảng dạy trực quan, sinh động, còn học viên được sớm thực hành kỹ năng.
Là một trong số 20 phòng thực hành nghiệp vụ tại Trung tâm huấn luyện thực hành, Phòng thực hành điều tra trinh sát Khoa Cảnh sát hình sự (CSHS) có đầy đủ các hồ sơ, biểu mẫu nghiệp vụ trinh sát; có hàng trăm vụ án hình sự ngoài thực tiễn. Đặc biệt, tại đây còn được trang bị rất nhiều phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ trinh sát hiện đại như máy phá sóng, xe đi xuyên tường, ống nhòm hồng ngoại, camera ngụy trang, chíp điện tử định vị và điều khiển ô tô, xe máy… vốn là những phương tiện vô cùng hữu ích cho sinh viên chuyên ngành CSHS thực hành, làm chủ được các phương tiện nghiệp vụ.
Thượng tá, Tiến sĩ Trần Thế Hưởng, Trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện CSND cho biết: Việc trang bị tốt các phòng thực hành đã hạn chế được tình trạng học lý thuyết chay, thay vào đó, học viên có cơ hội được tiếp cận, làm quen với tính năng của các loại công cụ hỗ trợ.
Huyền Thanh (CTV)