Đặc thù của nghề này là luôn chủ động phòng chống giặc lửa. Trong khói bụi mịt mù, hay ồn ào lũ dữ… sừng sững hiện lên chân dung của những người lính quả cảm với khuôn mặt sạm đen vì khói bụi. Họ được người dân quý trọng và gọi bằng cái tên thân thương “lính 114”.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Lào Cai được chia thành 5 đội, trong đó có 2 đội Chữa cháy và 1 đội CHCN. Thượng tá Lương Ngọc Cương, Phó trưởng phòng chia sẻ: “Đừng nghĩ chữa cháy chỉ đơn giản là phun nước, xả bọt để dập tắt đám cháy, đó là nghề thực sự nguy hiểm. Nếu không đánh giá được chi tiết, toàn diện về đám cháy, chỉ cần sơ sảy một chút, tòa nhà có thể đổ sập, hay cây xăng có thể nổ tung, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân và chính những người lính chữa cháy đang làm nhiệm vụ”.
Thượng tá Lương Ngọc Cương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lào Cai. |
Hơn 30 năm gắn bó với công việc phòng cháy, với bao kỷ niệm vui buồn và trực tiếp chữa biết bao vụ cháy, nhưng 2 vụ cháy rừng quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) khiến Thượng tá Lương Ngọc Cương không thể nào quên.
12 giờ trưa ngày mùng 3 Tết 2016, do trời nắng nóng, gió núi thổi mạnh nên một đám cháy đã bùng phát tại khu vực Tiểu khu 208 Rừng Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) nằm trên độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, ở địa bàn giáp ranh giữa thôn Tả Van Giáy và thôn Séo Mí Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa (Lào Cai), là phần đệm của Rừng Quốc gia Hoàng Liên đã bị khô héo sau trận mưa tuyết, băng giá phủ trắng trước đó.
Thượng tá Cương nhớ lại: “Hôm đó, đơn vị báo nhà bếp làm mâm cơm tươm tất để làm lễ “tiễn chân các cụ hỏa”, khi đồ ăn và nước uống đã bày trên bàn, anh em chiến sỹ đông đủ, người lon nước ngọt, người chén rượu vang chạm cốc chúc mừng năm mới thì kẻng báo động vang lên! Thế là anh em bỏ luôn bát, mâm mà chạy ra xe nhận lệnh lên đường.
Tới hiện trường vụ cháy chúng tôi kết hợp cùng lực lượng cứu chữa tại chỗ của xã Tả Van, lực lượng Kiểm lâm và Ban chỉ huy Quân sự huyện Sa Pa, Công an huyện Sa Pa lập tức làm đường băng cản lửa không để đám cháy lan rộng vào vùng lõi Rừng Quốc gia Hoàng Liên, nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm; đồng thời là Vườn Di sản ASEAN. Tôi trực tiếp chỉ đạo và cùng một mũi tiến công vào sâu trong vùng cháy lớn.
Trong khói bụi mù mịt, chúng tôi vừa cầm lăng phun nước vừa phải né tránh những hòn đá lớn lăn xuống từ bên trên. Bởi khi cháy các rễ cây và dây rợ bị đứt, các viên đá và khối đất vướng ở đó rơi xuống. Mặc dù rất cẩn thận nhưng nhiều chiến sĩ vẫn bị thương và bầm tím khi không tránh kịp.
Sau khoảng 14 giờ chiến đấu với “giặc lửa” trong điều kiện địa hình phức tạp, gió núi thổi mạnh, lửa rừng cháy lớn, chúng tôi cùng với lực lượng chữa cháy của huyện Sa Pa và xã Tả Van đã khống chế thành công đám cháy vào 3 giờ sáng ngày hôm sau.
Về tới đơn vị, thấy các chị cấp dưỡng vẫn để phần thức ăn cho anh em. Mở những chiếc lồng bàn đang đậy thức ăn ra, chúng tôi mỗi người bốc nhón vài miếng rồi lên phòng ngủ, nhiều anh em còn không kịp thay bộ quần áo ướt nhép, nhiễm khói khét lẹt đã lăn ra đất ngủ!”.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng cháy nổ như: Chập điện, hàn xì, thắp hương…thì thời gian gần đây xảy ra một hiện tượng nữa là do nổ bình ắc quy xe đạp điện trong khi sạc. Đây là một nguyên nhân gây cháy rất nguy hiểm mà các gia đình cần lưu ý, bởi khi sạc xe đạp điện thường là vào ban đêm.
Cho tới bây giờ, anh em ở Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Lào Cai vẫn không quên vụ cháy xảy ra tại gia đình anh Nguyễn Ngọc Hiên và vợ là Nông Thị Thuỷ.
Lúc xảy ra cháy, có tất cả 8 người đang ngủ trong nhà thì có đến 5 người bị chết tại chỗ, gồm 2 cháu con anh chị Hiên – Thủy; chị Nông Thị Thảo (em gái chị Thủy) và 2 con của chị Thảo. 3 người còn lại bị thương nặng là anh Hiên, chị Thủy và mẹ của chị Thủy – bà Lương Thị Liên. Tài sản của gia đình bị thiêu trụi trong hỏa hoạn mà nguyên nhân là do nổ bình ắc quy xe đạp điện khi đang sạc trong đêm.
Mặc dù vụ cháy đã xảy ra vài năm, nhưng khi kể lại cho chúng tôi nghe, đôi mắt của Trung tá Phạm Công Trà, Đội trưởng Đội PCCC số 1 vẫn đượm buồn. Anh tâm sự: “Mình rất buồn và luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh đó! Do nhận được thông tin báo cháy quá trễ, nên khi chúng tôi đến đám cháy đã bao trùm và cháy lan sang cả nhà bên. Đến nơi, nghe mọi người gào khóc chỉ tay vào đám cháy bảo còn 5 người trong đó. Chúng tôi lao vào cứu thì đã không kịp”.
Từ những vụ việc đau lòng này mà nhiều năm nay, một trong những mặt công tác được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tập trung là đẩy mạnh công tác phòng ngừa, sẽ ngăn chặn từ gốc những nguyên nhân phát sinh hỏa hoạn. Công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC được đơn vị hết sức coi trọng.
Thời gian qua đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành đoàn thể, báo chí… đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức tuyên truyền về công tác PCCC, đặc biệt là tổ chức chiến dịch tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn tại 28 trường PTTH và 10 khu dân cư với 15.068 người tham gia. Vì thế, những năm gần đây, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH là đơn vị luôn nằm trong “top đầu” phong trào thi đua của Công an tỉnh Lào Cai.
Từ khi chức năng CNCH được giao về lực lượng Cảnh sát PCCC, đơn vị đã nhiều lần huy động lực lượng ứng cứu người dân trong các tình huống nguy hiểm như sạt lở đất, lũ quét và tai nạn giao thông…
Khoảng 7h40 sáng 14-4-2018, một vụ sạt lở đất xảy ra tại số nhà 083, đường Điện Biên Phủ, tổ 26B, phường Duyên Hải, Lào Cai. Nhận được tin báo, Trung tá Trà cùng các chiến sĩ Đội CHCN đến hiện trường, do đường vào nơi vị trí sạt lở hẹp nên xe cứu hộ không vào được. Vì thế, các chiến sỹ phải dùng cuốc xẻng đào bới để cứu người đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát, vừa đào vừa chống sạt lở tiếp.
Cứu nạn nhân trong vụ sạt lở đất tại phường Duyên Hải, Lào Cai. |
Khoảng 30 phút thì cứu được người đầu tiên an toàn, đến nạn nhân tiếp theo các chiến sĩ đã bới đất để hở mồm, mũi rồi lắp bình khí thở cho nạn nhân. Nhưng khi đào đến đoạn cuối thì chân nạn nhân lại bị dầm bê tông đè lên. Bằng sự khéo léo các chiến sĩ đã dùng khoan cắt bê tông và đưa nạn nhân lên thành công trong niềm thán phục của bao người dân chứng kiến.
Trung tá Trà cho biết thêm, trong 23 năm công tác anh cùng đồng đội đã CNCH rất nhiều vụ, đặc biệt là những vụ tai nạn giao thông, có những vụ lái xe bị kẹt, bị cắt nửa người. Khi các anh đến hiện trường vừa làm công tác tư tưởng vừa dùng dụng cụ banh cắt chuyên dụng để cứu người, có những nạn nhân bị kẹt đứt cả 2 chân trên cabin xe mà các anh vẫn cứu sống.
Tôi hỏi Trung tá Trà, trong vụ tai nạn xe khách giường nằm của Hãng Sao Việt khiến 14 người chết và hàng chục người bị thương, anh có tham gia cứu nạn cứu hộ không?
Trung tá Trà đượm buồn: “Hôm đó, đơn vị mình có mặt tại hiện trường 100% quân số. Thảm khốc và thương tâm lắm, bọn mình vừa vịn dây, khênh xác nạn nhân lên vừa khóc…! Mình mong rằng các lái xe chú ý, chấp hành nghiêm các quy định về luật lệ an toàn giao thông. Đừng để những chuyện đáng tiếc và thảm khốc như thế xảy ra”.
Đặc thù của lính phòng cháy là luôn trong tư thế bị động, bởi không ai có thể biết trước ngày nào, giờ nào, địa điểm nào sẽ xảy ra cháy. Nhiều khi có một cuộc gọi vào số 114, nếu mình không bốc máy kịp thời người dân có thể ngay lập tức sẽ điện thoại phản ánh lên cơ quan cấp trên. Đó là tâm lý rất bình thường của những người khi phải chứng kiến đám cháy bốc lên dữ dội mà chưa thấy lực lượng PCCC tới. Khi nghe điện thoại báo cháy, các chiến sĩ thường phải xử lý thông tin như hỏi lại người báo là cháy ở đâu, cháy cái gì, chất cháy là gì… để chuẩn bị thiết bị chữa cháy.
“Lính 114” phải trực 24/24h nên nhiều lúc họ cũng gặp phải những tình huống khó xử. Có những chiến sĩ chưa vợ, nhiều khi hẹn hò với người yêu cũng phải chớp nhoáng ở một quán trà đá cạnh cổng đơn vị để nếu có “kẻng” là lao về ngay lập tức. Với những người có gia đình sự khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội. Việc nhà cửa, đưa đón con cái đều phó thác cho vợ và ông bà nội, ngoại hai bên. Nhiều anh em nhà ngay cạnh đơn vị, nhưng vào ngày trực vẫn phải ở lại sẵn sàng chiến đấu.
Nhưng, như người ta vẫn nói “đã mang lấy nghiệp vào thân” nên họ vẫn vượt qua mọi khó khăn, để mỗi khi điện thoại 114 đổ chuông, họ lại nhanh chóng lên đường.
Tuấn Trình