Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề hàng đầu là Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân. Phải lãnh đạo quần chúng và học hỏi quần chúng. “Nghĩa là: người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình”(1). Không kiêu ngạo, biết lắng nghe, học hỏi là yêu cầu đầu tiên trong phong cách lãnh đạo.
Năm 1945, vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh, trong đó có bệnh kiêu ngạo, vác mặt “quan cách mạng”, coi khinh dân chúng, coi thường dư luận. Đi vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, công việc của toàn dân càng phải coi trọng mối liên hệ với dân chúng.
“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội,
cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. – Trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
“Phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng””, không “ngồi trong phòng giấy mà viết kế hoạch, ra mệnh lệnh”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, lãnh đạo là công việc lớn lao của Đảng, quyết định đến thành bại của cách mạng. Lãnh đạo như vai trò cầm lái, dẫn đường.
Đó là sự hội tụ của trình độ lý luận, trí tuệ, của sự thấu hiểu thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước và cuộc sống, lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân. Lãnh đạo đúng đòi hỏi xử lý các mối quan hệ, nhất là quan hệ giữa chiến lược và sách lược phù hợp với hoàn cảnh cụ thể “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh 3 điều bảo đảm sự lãnh đạo đúng: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng.
(Tiếp theo trang 1) Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(3). Gắn bó với quần chúng, phát huy vai trò của nhân dân và hướng tới mục đích vì dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trong nội dung và phong cách lãnh đạo của Đảng, của từng cán bộ lãnh đạo.
Trong phong cách lãnh đạo, vấn đề nổi lên hàng đầu vẫn là cách làm việc với dân chúng, bởi “Dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ có hai cách làm việc với nhân dân: “1. Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo… 2. Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc chỉ rõ tình trạng: “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(6). Người đề ra các nguyên tắc, trong đó nhấn mạnh: “Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng”(7), “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(8). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải chú trọng bàn bạc, học hỏi quần chúng, nhưng tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. “Trong dân chúng có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu”.
Cần phải biết lắng nghe, so sánh, tổng kết để tìm ra ý kiến đúng đắn, đầy đủ và nâng cao sự giác ngộ của dân chúng. Những chỉ dẫn trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc về thực tiễn và lý luận xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền và vẫn nguyên giá trị thời sự cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng hiện nay.
Một trong những nguy cơ lớn của Đảng cầm quyền là tình trạng quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Tình trạng đó xuất phát từ nhận thức không đúng bản chất cách mạng, mục tiêu vì nước, vì dân và trách nhiệm của Đảng và cũng vì phong cách lãnh đạo không đúng của người lãnh đạo, quản lý. Phong cách là hoạt động, hành động mang tính đặc trưng, điển hình của mỗi người.
Đối với người bình thường có phong cách sống, phong cách làm việc, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý còn là phong cách lãnh đạo. Trong lãnh đạo, việc phát hiện, xử lý đúng các mối quan hệ có vai trò rất quan trọng. Quan hệ giữa chiến lược và sách lược, đường lối, chủ trương, chính sách và phương pháp.
Quan hệ giữa giữ vững nguyên tắc với hiệu quả cụ thể. Quan hệ giữa tổng thể và cụ thể, giữa mục tiêu nhiệm vụ lâu dài và mục tiêu cụ thể trước mắt. Quan hệ giữa các nội dung cần xử lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng. Quan hệ giữa chủ thể lãnh đạo là Đảng (tổ chức Đảng và cán bộ lãnh đạo) với đối tượng lãnh đạo là chính quyền nhà nước, cả hệ thống chính trị.
Quan hệ đặc biệt quan trọng là Đảng lãnh đạo với quyền làm chủ của nhân dân, ứng xử giữa người lãnh đạo ở tất cả các cấp với quần chúng nhân dân. Nói lãnh đạo, quản lý là khoa học và nghệ thuật thì phong cách lãnh đạo có vai trò rất quan trọng trong đó. Phong cách, phương pháp lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh, hành chính, xa rời thực tế, xa rời dân chúng cản trở rất lớn, thậm chí làm suy giảm năng lực lãnh đạo, xa rời bản chất cách mạng của Đảng, vì thế Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê phán.
Thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng sửa chữa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định đường lối đổi mới, đã nhấn mạnh đổi mới phong cách làm việc, trong đó chú trọng giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, củng cố kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị của cấp trên, nói đi đôi với làm.
Một trong những nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới, được Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989) đề ra là: “Dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo để phát huy dân chủ đúng hướng; mặt khác phải lãnh đạo bằng phương pháp dân chủ trên cơ sở phát huy dân chủ”(9). Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5- 2016, của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn liền với tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhằm tạo nên sự chuyển biến căn bản về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong đó có đổi mới phong cách lãnh đạo của từng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp, các lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu…
PGS.TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC