Nguy cơ lớn, nhận thức đơn giản

Làng nghề giấy Phong Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hiện có 210 cơ sở sản xuất giấy, trong đó, Cụm công nghiệp Phong Khê 1 có 60 doanh nghiệp, Cụm công nghiệp Phong Khê 2 có 18 doanh nghiệp, còn lại 132 doanh nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Hiện nay sản phẩm của Phong Khê rất đa dạng: Giấy gió, giấy vệ sinh, giấy ăn, giấy vàng mã, giấy bao bì… chủ yếu được làm từ giấy phế liệu và nguy cơ cháy nổ ở cơ sở sản xuất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo số liệu thống kê, trong 6 năm trở lại đây (2010-2016), trên địa bàn phường Phong Khê xảy ra gần 20 vụ cháy, gây thiệt hại gần 103,9 tỷ đồng. Trong đó có 3 vụ cháy trong cụm công nghiệp gây thiệt hại 100,1 tỷ đồng; 12 vụ cháy ngoài cụm công nghiệp gây thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng. Trong số những vụ cháy nói trên, gây hậu quả nghiêm trọng nhất là vụ cháy ở Công ty cổ phần giấy Thành Đạt vào ngày 4-5-2014 (Cụm công nghiệp Phong Khê 2) gây thiệt hại lên tới 100 tỷ đồng. Theo các cơ quan chức năng, tại thời điểm xảy ra vụ cháy, Công ty cổ phần giấy Thành Đạt không có hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy vách tường và những hạng mục kỹ thuật phục vụ cho công tác chữa cháy.

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Xí nghiệp giấy Minh Quân tại làng nghề giấy Phong Khê cho biết: Nguyên nhân dẫn đến cháy nổ chủ yếu là do chập điện, nổ nồi hơi, hút thuốc lá tại nơi sản xuất… Hiện nay công tác kiểm tra, giám sát của các sở, ngành về phòng, chống cháy nổ cũng còn hạn chế; nhiều công nhân cũng như chủ cơ sở sản xuất chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống cháy nổ.

Làng nghề lơ là phòng cháy
 Một cơ sở sản xuất mây tre đan ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên,
TP Hà Nội có nguy cơ cháy cao.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Tấn, Phó chủ tịch UBND phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện nay, làng nghề giấy Phong Khê có 210 cơ sở sản xuất giấy. Mặc dù cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tuy nhiên với chức năng của mình, địa phương chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở sản xuất nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy. Còn việc tập huấn và kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ do cơ quan chức năng cấp trên.

Tại làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên chúng tôi thấy rác thải nhựa có mặt ở khắp mọi nơi, có những chỗ chất cao như “núi”. Có thể nói chỉ cần một nguồn nhiệt nhỏ như tàn thuốc lá, tàn hương hay tia lửa điện cũng có thể tạo nên một đám cháy lớn. Không những vậy, tại nhiều cơ sở sản xuất, đường dây điện chằng chịt khiến nguy cơ cháy, nổ do chập điện cũng có thể xảy ra. Mấy năm qua, năm nào tại làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai cũng xảy ra một vài vụ cháy nhỏ, tuy các vụ cháy này được dập tắt kịp thời, không gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến làng nghề mây tre đan xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội chúng tôi thấy công tác phòng, chống cháy nổ của các cơ sở sản xuất nơi đây cũng không có gì sáng sủa hơn các làng nghề trên. Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương cho biết: Từ năm 2011 trở lại đây, năm nào công ty chúng tôi cũng xảy ra cháy. Nguyên nhân do xưởng sản xuất nhỏ hẹp, trong công đoạn sấy nóng sản phẩm để nhiệt quá cao nên dẫn đến cháy nổ…

Giải pháp “chắp vá”

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lương cũng cho biết thêm, trước thực trạng xưởng sản xuất nhỏ hẹp năm nào cũng xảy ra cháy nổ nên năm 2009 tôi làm đơn xin được chuyển xưởng ra địa điểm rộng hơn. Ngày 2-2-2010, UBND huyện Phú Xuyên có thông báo đồng ý cho tôi thuê đất làm xưởng sản xuất, nhưng không hiểu sao đến khi dồn điền đổi thửa, địa điểm mà tôi đã thuê lại được mang chia cho người khác”.

Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hoàn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Bắc Ninh thì: Xảy ra cháy nổ ở các làng nghề chủ yếu do nhận thức của người dân và chủ các cơ sở sản xuất còn hạn chế, không quan tâm đến các biện pháp phòng, chống cháy nổ. Nhiều doanh nghiệp trốn tránh không phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tập huấn phòng, chống cháy nổ cho người lao động. Hơn nữa, việc xử lý vi phạm cũng còn nhiều khó khăn do không có chế tài xử phạt riêng cho các làng nghề.

Để các làng nghề phát triển bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, việc đầu tiên phải làm là thay đổi tư duy của chính quyền địa phương về quy hoạch làng nghề. Tiếp đó, người dân cần quan tâm hơn đến việc chấp hành những quy định về phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao ý thức chấp hành các quy định phòng, chống cháy nổ cho các gia đình, doanh nghiệp làng nghề. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có những hướng dẫn cụ thể đưa ra các phương án phòng cháy, chữa cháy tại các làng nghề. Bên cạnh đó cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể phối hợp tuyên truyền, kiểm tra các hộ sản xuất, doanh nghiệp để kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm.

ĐỨC THỊNH – HUYỀN TRANG