Ngọn lửa vĩnh cửu
Thác Eternal Flame nằm ở phía Đông Nam của Công viên Chestnut Ridge thuộc khu bảo tồn Shale Creek, bang New York, Hoa Kỳ. Trong hang nhỏ phía dưới thác có khí gas tự nhiên và bốc cháy tạo ra một ngọn lửa trông tựa như lửa “ma trơi”. Người dân địa phương truyền tai nhau rằng ngọn lửa này vẫn cháy như vậy hàng ngàn năm qua, kể từ khi những người Mỹ bản địa đến sinh sống ở khu vực này. Trên thực tế, đôi khi ngọn lửa bị tắt và được thắp sáng lại.
Về phương diện khoa học, để thắp sáng và duy trì ngọn lửa thiên nhiên dạng này cần một lượng lớn khí đốt “rò rỉ”, nhưng khi lượng khí này thoát ra nó sẽ tan biến rất nhanh, bởi vậy nó không thể duy trì ngọn lửa cháy trong thời gian dài. Nhưng với “ngọn lửa vĩnh cửu” ở New York, có một lượng lớn khí đốt thoát ra từ một hố rỗng và bằng cách nào đó khí đốt vẫn được lưu trữ trên mặt đất để giữ cho ngọn lửa cháy mãi không ngừng.
Vậy nguồn khí này đến từ đâu?
Cho đến nay, đã có rất nhiều chuyên gia nghiên cứu và đưa ra giả định để giải thích về sự hình thành và ‘trường tồn’ của ngọn lửa này .
Năm 2013, các nhà địa chất học của Đại học Indiana Bloomington cùng Viện Nghiên cứu Địa cầu và Núi lửa của Italy đã làm nghiên cứu về “ngọn lửa vĩnh cửu”. Họ phát hiện rằng tại thác Enternal Flame, nơi lượng khí thoát ra có nồng độ etan và prôpan (khoảng 35%) nhiều hơn so với sự rò rỉ khí tự nhiên thông thường khác (vốn chứa nhiều mêtan hơn). Ước tính lượng khí mêtan thoát ra mỗi ngày ở thác nước khoảng 1 kg.
Một nhà địa chất học cùng tham gia vào cuộc nghiên cứu năm 2013 cho hay, nguồn khí cung cấp cho ngọn lửa này là một loại khí tự nhiên được hình thành từ đá phiến sét có nhiệt độ cao (khoảng 100oC). Ở nhiệt độ cao như vậy, các cấu trúc các-bon bị phá vỡ hình thành nên các phân tử khí tự nhiên có kích thước nhỏ hơn, và đây chính là nhiên liệu giúp duy trì “ngọn lửa vĩnh cửu”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Arndt Schimmelmann cùng cộng sự tại Đại học Indiana nhận định rằng sức nóng trong phiến đá không đủ để gây ra phản ứng nói trên. Các tảng đá chỉ ấm, có nhiệt độ ngang một “tách trà nóng”. Họ phỏng đoán rằng có thể vị trí này là nơi quy tụ của nhiều nguồn khí đốt. Hơn nữa, chúng là những phiến đá không lâu đời và không dày bằng đá phiến sét tiêu biểu. Và họ đặt ra giả thiết rằng có thể có một đường dẫn khí nào đó nằm xung quanh các phiến đá.
Cũng có giả định rằng có thể tồn tại một chất xúc tác nào đó có khả năng phá vỡ bề mặt của phiến đất sét mà không cần đến nhiệt độ cao như vậy.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng họ cũng không rõ khí gas giúp duy trì ngọn lửa vĩnh cửu của thác Eternal Flame được sản sinh từ đâu. Bởi vậy, cho đến nay quá trình hình thành và bổ sung khí để duy trì ngọn lửa vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, tất cả vẫn đang là ẩn số.