Cháy rừng tại Victoria (Úc) 2009
Cháy rừng thường xuyên xảy ra trong mùa hè ở Úc. Vụ cháy dữ dội nhất tại Úc xảy ra năm 1983 làm 75 người chết và hơn 3.000 ngôi nhà bị thiêu rụi tại các tiểu bang Victoria và South Australia. Ngoài ra, trước đó có 71 người chết và 650 căn nhà bị phá hủy trong vụ cháy năm 1939.
Ngày 07 tháng 02 năm 2009, các vụ cháy rừng đã lan ra khắp tiểu bang Victoria vùng Ðông Nam Úc. Đám cháy này có chiều rộng lên đến 20km và lan nhanh với tốc độ 60km/giờ. Chỉ trong 1 ngày, đã có 298km² bị thiêu rụi. Các nhân chứng thấy các thân cây phát nổ và bầu trời đầy tro than cùng với gió lốc tạo ra tình trạng như trong một lò lửa. Các ngọn lửa cao ngất đã thiêu hủy toàn bộ nhiều thị trấn tại Victoria, khiến dân chúng nơi đây lũ lượt dùng xe hốt hoảng tháo chạy trong khi số người thiệt mạng lên đến 108 người (thống kê ngày 09/02/2009). Đây là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nhân mạng lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này. Đến ngày kế tiếp (10/02/2009), con số thiệt mạng đã tăng lên 173 người và thiêu hủy khoảng 750 căn nhà trong lúc nhiệt độ cao và gió với cường độ rất mạnh đã tạo thành biển lửa khủng khiếp. Hơn 30.000 nhân viên chữa cháy được huy động chữa cháy. Thiệt hại sau vụ cháy ước tính 10.000 người phải lưu lạc vì cháy rừng khi lửa thiêu rụi hơn 2.000 ngôi nhà. Số người chết là 210 người. Vụ cháy rừng này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Úc trong 110 năm.
Cháy rừng ở Nga
Từ ngày 12 đến ngày 16/4/2015, một loạt các vụ cháy rừng đã lan rộng khắp miền Nam Xibia, Nga. Ngày 12/4/2015 tại Khakassia do người dân đốt cỏ nông nghiệp, lửa bị mất kiểm soát khi gặp những cơn gió mạnh. Thời tiết ấm và khô đã làm cho đám cháy nhanh chóng lan rộng vào khu vực rừng. Bộ Các Tình trạng Khẩn cấp của Liên bang Nga đã cho triển khai nhiều máy bay và trực thăng tham gia dập tắt ngọn lửa từ trên không, nhưng đến 6 giờ sáng ngày 13/4/2015 các đám cháy vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Có 86 vụ cháy rừng được báo cáo ở Zabaykalsky vào ngày 13 và ngày 14/4/2015. Các vụ cháy xảy ra gần Thành phố Chita, đe dọa đến kho chứa vũ khí gần đó. Tầm nhìn bị giảm xuống chỉ còn 200 – 300m.Các nhân chứng miêu tả cảnh tượng vụ cháy như “ngày tận thế” với một bầu trời đầy khói vào ban ngày ở Chita. Khoảng 1.850 nhân viên và tình nguyện viên quân sự tham gia dập lửa. Đến ngày 16/4/2015, các đám cháy vẫn chưa được dập tắt. Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông Trung Quốc thì các vụ cháy cũng đã lan đến Nội Mông (Trung Quốc). Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch chữa cháy, cứu dân. Một Ủy ban đặc biệt của Chính phủ Nga đã được thành lập và đã đến hiện trường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương.
Theo Russia Today, ít nhất 23 người chết và hơn 900 người bị thương trong vụ cháy rừng này. Giặc lửa đã phá hủy ba ngôi trường, hai cơ sở y tế, khiến cho 5.000 người mất nhà cửa, trong đó có 1.000 trẻ em. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân chính gây ra thảm họa cháy rừng này là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa.
Cháy rừng ở Hy Lạp
Đám cháy bùng phát tối 23/7/2018 tại thị trấn Rafina, Hy Lạp, sau đó nhanh chóng lan đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Mati, cách Thủ đô Athens 29km về phía Đông Bắc. Ngọn lửa đã khiến nhiều người phải nhảy xuống biển.
Bộ trưởng Nội vụ Hy Lạp Panos Skourletis mô tả là thảm kịch quốc gia và là thảm họa thiên nhiên gây tổn thất về người. Đám cháy bùng phát khiến hàng trăm người, trong đó có khách du lịch chạy ra bãi biển để được sơ tán bằng tàu hải quân, du thuyền và tàu đánh cá. Hơn 600 nhân viên chữa cháy và 300 phương tiện tham gia khống chế đám cháy. Chính phủ Hy Lạp cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực Attica quanh Thủ đô Athens và đề nghị sự giúp đỡ từ các quốc gia châu Âu khác. Nhiều tuyến đường cao tốc chính phải đóng cửa vì khói dày đặc trong khi các chuyến bay phải chuyển hướng do tầm nhìn kém. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân rời khỏi khu vực này.
Ngày 24/7/2018, nhân viên Hội Chữ thập đỏ phát hiện 26 thi thể nằm trên khoảng sân giữa 2 ngôi nhà tại thị trấn ven biển Mati – trung tâm thảm họa. Nhà chức trách cho rằng các nạn nhân này bị mắc kẹt trong đám cháy khi họ cố chạy ra bãi biển.
Giới chức Hy Lạp ngày 24/7/2018 cho biết, số người thiệt mạng do cháy rừng tại nước này đã lên tới 74 người khi các đám cháy rừng đang lan dần tới Thủ đô Athens, 187 người bị thương trong đó có 23 trẻ em, hàng trăm người mất tích. Con số trên đã vượt quá số thương vong kỷ lục năm 2007, khi xảy ra đợt cháy rừng ở vùng Peloponnese, miền Nam Hy Lạp, làm 70 người thiệt mạng. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết, Hy Lạp đang trải qua một “bi kịch không thể nói thành lời” và ông tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng nhớ những người đã chết trong vụ cháy rừng.
Cháy rừng ở California (Mỹ)
Vụ cháy rừng năm 2018 ở California là một trong những sự kiện tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử ở tiểu bang California (Mỹ). Trong năm 2018, tổng số 7.579 vụ cháy đã đốt cháy diện tích 1.667.855 mẫu Anh (6.749.57km²), số lượng lớn nhất diện tích bị đốt cháy được ghi lại trong mùa cháy ở California, theo Bộ Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California và Trung tâm phòng cháy quốc gia, tính đến ngày 11/11/2018. Các vụ cháy đã gây ra thiệt hại hơn 2.975 triệu USD (2018 USD), bao gồm 1366 triệu USD chi phí dập lửa.
Vào giữa tháng 7 đến tháng 8 năm 2018, một loạt các vụ cháy rừng lớn xảy ra khắp California, phần lớn ở phần phía Bắc của tiểu bang, bao gồm cả trận hỏa hoạn Carr tàn phá và trận hỏa hoạn phức hợp Mendocino. Vào ngày 4 tháng 8 năm 2018, một thảm họa quốc gia đã được tuyên bố ở Bắc California, do cháy rừng lớn đang cháy ở đó. Vào tháng 11 năm 2018, gió phơn gây ra một đợt hỏa hoạn lớn, tàn phá khắp bang.
Mặc dù Mỹ đã huy động tới gần 6.000 lính chữa cháy chuyên nghiệp và các phương tiện chữa cháy tối ưu nhưng phải mất hơn 3 tuần mới khống chế được vụ hỏa hoạn. Vụ cháy đã khiến 84 người thiệt mạng, thiêu rụi diện tích 680km² bao gồm 20.000 ngôi nhà, làm hơn 1000 người mất tích.
Thảm kịch cháy rừng California xóa sổ “Thiên đường” khỏi bản đồ. Tổng thống Trump đã tuyên bố đây là “thảm họa nghiêm trọng” và ra lệnh huy động ngân quỹ liên bang để hỗ trợ các nỗ lực khôi phục tại những vùng bị ảnh hưởng.
Cháy rừng ở Trung Quốc
Vào lúc 17 giờ ngày 30/3/2019, một vụ cháy rừng bất ngờ xảy ra tại làng Lập Nhĩ, thị trấn Nhã Lung Giang, huyện Mộc Lý, khu tự trị Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, ngọn lửa cháy cao đến 3,8m, địa hình tại khu vực lại hiểm trở, khắp nơi là dốc đứng và thung lũng sâu, nguyên nhân ban đầu được xác định là do sét đánh.
Ngày hôm sau (31/3/2019), 689 nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng đến giải cứu khu rừng nguyên sinh cao 4.000m. Tuy nhiên, vì lực gió và hướng gió thay đổi đột ngột, khiến đám cháy bùng nổ lan khắp khu rừng, trong nháy mắt tạo thành quả cầu lửa, khiến 30 nhân viên cứu hộ mất tích ngay hiện trường.
Đến lúc 18 giờ 30 phút ngày 01/4/2019, đã tìm thấy được thi thể 30 người lính chữa cháy bị mất tích trong vụ cháy rừng ở huyện Mộc Lý, Khu tự trị Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, trong đó có 27 lính chuyên chữa cháy rừng và 3 lính chữa cháy nghiệp dư hỗ trợ ở địa phương.
Cháy rừng ở Hàn Quốc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 05/4/2019 yêu cầu Chính phủ phải công bố một khu vực thảm họa ở vùng Đông Bắc của nước này, khi một trận cháy rừng dữ dội khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và buộc gần 10.000 người khác phải sơ tán khỏi nhà cửa. Hãng tin Bloomberg dẫn thông tin từ Kiểm lâm Hàn Quốc cho biết, đám cháy đã bao trùm khoảng 525ha rừng vào thời điểm lúc 2 giờ chiều ngày thứ Sáu theo giờ địa phương, ảnh hưởng đến 5 thành phố gần cảng Sokcho.
Khu vực xảy ra trận cháy rừng nằm gần biên giới giữa Hàn Quốc với Triều Tiên, và chỉ cách khu vực tổ chức Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 khoảng 1 giờ lái xe. Đây là khu vực nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, và có nhiều người leo núi và ngắm cảnh thường xuyên lui tới.
Tốc độ gió khoảng 90 km/giờ đã khiến đám cháy lan rộng. Do địa hình đồi núi dốc và có nhiều dừng, Hàn Quốc dễ xảy ra những trận cháy rừng vì lý do tự nhiên. Địa hình như vậy khiến ngọn lửa lan nhanh hơn và khó kiểm soát hơn.
Hơn 800 xe chữa cháy dân sự từ Seoul, 16.500 binh sỹ, 32 trực thăng quân sự, và 26 xe chữa cháy quân sự đã được triển khai đến khu vực cháy nỗ lực dập lửa. Mất nhiều ngày, Hàn Quốc mới khống chế và dập tắt hoàn toàn vụ cháy./.
Thảo Nguyên