Tại Mỹ, Cục Kiểm lâm nước này đã thiết lập hàng chục nghìn vụ cháy ảo với nhiều yếu tố khác nhau, từ thời tiết, địa hình đến thảm thực vật trong các mô hình trên máy tính.
Song song đó, các chuyên gia còn triển khai các vệ tinh thời tiết, có khả năng chụp lại những cơn giông bão từ trên cao khi chúng bắt đầu hình thành, đưa ra dự đoán hướng đi của gió. Ngoài ra, các loại máy bay không người lái (UAV), có khả năng bay qua một đám cháy trong nhiều giờ, cũng được vận dụng để chụp ảnh hồng ngoại về đám cháy. Những hình ảnh này được chuyển đến các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành Android của các nhân viên chữa cháy, giúp họ tìm phương án dập lửa hiệu quả.
Hiện Cục Kiểm lâm Mỹ đang kết hợp sử dụng các phần mềm và ứng dụng thiết kế theo yêu cầu để phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy. Theo bà Laura L.Hill, chuyên viên công nghệ thông tin của Cục Kiểm lâm, đơn vị này hy vọng có thể tận dụng mô hình dịch vụ điện toán đám mây nhằm tối ưu hóa các mô hình trên máy tính và cơ sở dữ liệu.
Tuy nhiên, tại các khu rừng bị cháy thường không có các tháp phát sóng điện thoại để có thể kết nối Internet mỗi khi xảy ra cháy. Do đó, Cục Kiểm lâm Mỹ đang lắp đặt nhiều tháp phát sóng điện thoại hoặc liên kết với công ty điện thoại địa phương cho phép nhân viên chữa cháy sử dụng các ăng-ten nhỏ để liên lạc với nhau. Bà Hill cho biết một công nghệ khác có ích trong ngăn chặn cháy rừng là “mạng mắc lưới” – một mạng máy tính không dây cho phép nhân viên chữa cháy chia sẻ thông tin nội bộ. Công nghệ này đã được quân đội, Bộ An ninh nội địa và Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ sử dụng.
Diệp Chi (CTV)