Theo các nhà khoa học, có rất nhiều khí độc được sinh ra trong khói của các đám cháy như: Khí Cacbonôxit (CO) là khí không màu, không mùi, nhẹ bằng không khí, rất độc với hệ hô hấp và hệ tuần hoàn. Khi hít phải khí CO, máu trở nên không tiếp nhận được oxy, hệ thần kinh sẽ bị tê liệt. Khí Cacbonic (CO2) là khí không màu, không mùi, nặng hơn không khí, con người hít phải sẽ bị ngạt. Khi nồng độ CO2 từ 3% bắt đầu gây khó thở, từ 8% đến 10% có thể gây mất cảm giác và chết người. Đây là 2 loại khí dễ gây ngạt nhất, là nguyên nhân chính gây tử vong cho hầu hết các nạn nhân ở các đám cháy. Ngoài 2 loại khí trên, các đám cháy còn có thể bao gồm những sản phẩm cháy có chứa clo và hợp chất của clo (như HCl) rất độc với phổi; những sản phẩm cháy có chứa lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh (H2S, SO2…) gây độc đối với niêm mạc, miệng và đường tiêu hóa; amoniac; axit hữu cơ, và nhiều loại khí độc khác…
Để chống hít phải khói độc do các đám cháy sinh ra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn người dân cách thoát nạn trong đám cháy như sau: Khi phát hiện ra cháy và thấy có nhiều khói xâm nhập trong không khí, nhanh chóng lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi. Việc này giúp lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước. Muốn thoát ra khỏi hỏa hoạn, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng mũi, nạn nhân phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
Đối với việc sơ cấp cứu nạn nhân bị nhiễm khói độc, cần nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt và lưu ý đảm bảo an toàn cho người cấp cứu. Nếu nạn nhân thở yếu, ngừng thở thì phải ngay lập tức thực hiện phương pháp thổi ngạt bằng cách hô hấp nhân tạo miệng – miệng hay miệng – mũi. Nếu nạn nhân không còn tỉnh táo thì đặt nằm nghiêng ở tư thế an toàn và nhanh chóng gọi người hỗ trợ, gọi cấp cứu 115.
Hồng Vân