Với gần 3 triệu dân thành phố lớn Cleveland (500000 dân) và vùng phụ cận là đại đô thị lớn nhất Ohio nằm ở trên bờ hồ Erie và ở hai bờ con sông Cuyahoga. Khởi đầu Cleveland phát triển mạnh nhờ công nghiệp luyện thép, hóa chất và cơ khí vì nằm ở giữa vùng sản xuất than đá phía Đông và các mỏ sắt từ phía Bắc Minnesota đem xuống, có hải cảng làm xưởng lọc dầu. Nhà tỷ phú Rockefeller nhận thấy địa thế thuận lợi của Cleveland nên ông đã bỏ tiền ra xây cất nhiều nhà máy lọc dàu chế biến dàu thô nhập từ Nam Mỹ và Texas và ông đã gây dựng nên công nghiệp hóa chất và phân bón hóa học lớn nhất nước Mỹ cung cấp cho nhu cầu to lớn của nông nghiệp Trung Tây đang trở thành vựa lúa của cả thế giới. Chính nhờ sự cơ giới hóa và hóa học hóa cao độ nên năng xuất của nông nghiệp vùng Trung Tây được coi là cao nhất thế giới khiến hiện nay, một người nông dân Mỹ có khả năng sản xuất đủ lương thực nuôi 100 người và còn dư thừa để xuất khẩu.
Nhưng vì công nghiệp phát triển quá mau và quá mạnh nên các chất phế thải ở các nhà máy trên sông Cuyahoga đổ vào hồ Erie quá nhiều khiến hồ này được coi là bị ô nhiễm nhất nước Mỹ (người dân ở Ohio thường gọi là “Hồ chết”). Nước uống bị nhiễm độc và chính quyền tiểu bang phải tốn rất nhiều công sức mới phục hồi trở lại. Hậu quả tồi tệ nhất của sự ô nhiễm công nghiệp tại đây là vụ cháy sông Cuyahoga xảy ra vào ngày 22 tháng 6 năm 1969.
Buổi trưa hôm đó, ngọn lửa bùng lên khi các chất thải công nghiệp (đặc biệt là các váng dầu bị tràn ra do một sự cố tràn dầu trên tuyến đường sắt gần đấy chảy vào) nổi trên mặt sông Cuyahoga bị bắt cháy bởi nguồn nhiệt phát ra từ một con tàu vận tải trên sông. Ngọn lửa bùng lên dữ dội trên khắp mặt sông Cuyahoga.
Đám cháy chỉ kéo dài 30 phút nhưng đã thiêu rụi mọi thứ trên mặt sông và các công trình hai bên bờ sông.
Mặc dù sự kiện cháy sông Cuyahoga chưa bao giờ được nhắc đến trên các kênh truyền hình cả nước nhưng ảnh hưởng của nó đối với toàn nước Mỹ là rất lớn. Chính người đứng đầu Ủy ban bảo vệ môi trường Mỹ khi đó là Carol Browner đã từng nói: “Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được bức ảnh ngọn lửa bùng lên dữ dội trên mặt nước ngay trong trung tâm thành phố Cleveland”. Thành viên hội đồng bảo vệ thiên nhiên (Natural Resources Defense Council) Drew Caputo cũng nói rằng: “Khi dòng sông mà cháy, chúng ta biết rằng mọi thứ đã trở nên thật tồi tệ không thể ngờ tới”
Vụ cháy đã gây tác động lớn đến toàn bộ dân chúng và làm cho nước Mỹ phải thức tỉnh trước tai họa của nạn công nghiệp hóa quá mức sẽ đưa đến sự hủy diệt môi trường sống. Một loạt các cuộc vận động đã diễn ra nhằm cải tạo và làm sạch môi trường trong khu vực, nhất là trên mặt nước sông Cuyahoga và hồ Erie.
Sau sự kiện này, chính quyền tiểu bang Ohio đã gây sức ép buộc Quốc hội Mỹ phải ban hành Đạo luật nước sạch (Clean Water Act) nhằm bảo vệ các con sông và hồ nước trước thảm hỏa ô nhiễm công nghiệp.
Hồ Erie hiện nay đã trở nên trong sạch như trước và làm gương cho các sông hồ khác trên cả nước Mỹ nhưng nạn ô nhiễm đã quá lâu nên tôm cá vẫn chưa có thể ăn được một cách an toàn vì các chất độc được tụ lại ở dưới mặt hồ khó có thể tẩy sạch được.
Bài học của sự ô nhiễm tại Ohio đã là một tiếng chuông cảnh tỉnh cả nước Mỹ và thế giới về sự phát triển công nghiệp bừa bãi, coi thường môi sinh để lại những tai họa to lớn cho thiên nhiên và thế hệ mai sau. Cleveland nhờ sự lãnh đạo của thị trưởng Dennis Kucinich đang có một kế hoạch làm sống lại khu vực ô nhiễm, làm đẹp thành phố với các công viên, nơi nghỉ mát, trung tâm du lịch tại vùng bờ hồ Erie. Khu vực hai bên sông Cuyahoga trước đây nhơ bẩn và ô nhiễm được biến đổi lại thành một khu vực du lịch giải trí gọi là The Flats. Cả một khu vực rộng lớn xung quanh thành phố được biến thành một chuỗi công viên với nhiều cây xanh to lớn giống như một chuỗi ngọc hòng đem lại danh hiệu trước đây của Cleveland là The Forest City. Nguyên cả một vùng rộng 33000 dặm vuông chạy dài từ Akron tới Cleveland được biến thành một công viên to lớn dài 22 dặm gọi là Cuyahoga Valley National Recreation Area để cho du khách tới thăm và tìm hiểu về phong cảnh Ohio trước khi bị công nghiệp làm thay đổi và hư hoại.
Huy Quang (K2)