Đến dự với lớp học có đồng chí Đại tá,TS. Phạm Văn Năm – Phó Hiệu trưởng và toàn thể lãnh đạo, giáo viên Khoa Cứu nạn, cứu hộ.
Trong nội dung bài giảng, giáo viên đã đưa ra tình huống giả định: đám cháy xảy ra vào khoảng 5 giờ 30’ ngày X tháng Y năm Z tại tầng 1 khách sạn cao 5 tầng. Tại thời điểm xảy ra cháy, cửa ra vào của tòa nhà tại tầng 1 đã bị khóa; trong tòa nhà có khoảng 10 người bị nạn tại các tầng.
Sau khi đưa ra tình huống giả định, giáo viên đã tiến hành cho lớp tự thảo luận phương án giải quyết tình huống và lựa chọn 01 phương án có tính khả thi nhất để tiến hành làm mẫu. Sau đó đưa ra những đánh giá, nhận xét những việc học viên đã làm được và chưa làm được trong tình huống đó.
Qua bài giảng tình huống nghiệp vụ, học viên sẽ được làm quen với các tình huống sát với thực tế trong công tác cứu nạn, cứu hộ và đưa ra cách giải quyết tình huống một cách cơ bản nhất, đúng với quy trình xử lý tình huống cứu nạn cứu hộ đối với sự cố cháy nhà cao tầng, đồng thời rèn luyện khả năng phối hợp giữa các chiến sỹ khi triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.
Kết thúc buổi học, đồng chí Đại tá, TS. Phạm Văn Năm – Phó Hiệu trưởng đã tiến hành họp rút kinh nghiệm đối với giáo viên giảng dạy và các giáo viên trong Khoa. Đồng chí Phó Hiệu trưởng đánh giá cao về cách triển khai giảng dạy theo tình huống nghiệp vụ của giáo viên và chỉ đạo việc giảng dạy theo tình huống nghiệp vụ cần phải thực hiện thường xuyên đối với các môn học chuyên ngành nhằm giúp học viên có thêm kiến thức và kinh nghiệm thực tế, qua giảng dạy theo tình huống nghiệp vụ cũng có thể nâng cao khả năng đánh giá, tổng quát, bao quát của giáo viên nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và chất lượng giảng dạy và đào tạo của nhà trường.
Giáo viên giảng dạy thực hiện báo cáo nội dung giảng dạy với đồng chí Đại tá, TS. Phạm Văn Năm – Phó Hiệu trưởng.
Học viên thực tập, diễn tập giải quyết tình huống.
Đức Đông – Xuân Hải (K4)