Các cách dưới đây có thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc phòng tránh cháy, nổ xe ô tô:
1. Tuân thủ lịch bảo dưỡng định kỳ
Không phải vô cớ mà các nhà sản xuất phải đặt ra chu kỳ kiểm tra xe một cách chi tiết. Trên bất kỳ chiếc xe nào cũng tồn tại một vài bộ phận có “vòng đời” hoạt động được rất ngắn và buộc phải thay thế theo quy định.
Những chi tiết tiếp xúc trực tiếp với khí hậu hoặc vận hành ở khu vực có cường độ nhiệt cao như ống dẫn nhiên liệu, vỏ dây điện,… dễ bị lão hóa sớm, gây ảnh hưởng đến khả năng hoạt động cũng như tiềm ẩn nguy cơ cháy.
Việc kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện chi tiết bị hỏng bất thường và kịp thời thay thế những bộ phận hết niên hạn, từ đó loại bỏ đi những thành phần không cần thiết có thể trở thành mầm họa gây cháy xe.
2. Kiểm tra hệ thống điện
Rò rỉ điện cũng là tác nhân dẫn đến cháy xe ô tô, vì thế bộ phận này cần được sự quan tâm thường xuyên để đảm bảo đường dây luôn được hoạt động ở trạng thái an toàn. Nên chú ý đến vỏ dây điện, luôn chắc chắn chi tiết này không bị hở do chuột cắn hoặc rạn nứt do lão hóa. Ngoài ra, cũng nên để tâm đến dây cao áp của hệ thống đánh lửa bởi bộ phận này rất dễ gặp sự cố do phải chịu tác động của nhiệt độ và điện áp cao.
3. Kiểm tra dầu bôi trơn và nước làm mát
Đây là hai thành phần có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành của động cơ. Chỉ cần lơ đễnh khi vận hành xe ô tô trong điều kiện hao hụt dầu bôi trơn hoặc nước làm mát, có thể sẽ khiến bạn phải ân hận suốt đời, bởi bạn đang bắt động cơ hoạt động ở trạng thái quá nhiệt, gây hiện tượng bó máy, thậm chí dẫn đến cháy xe ô tô.
Do vậy, tuân thủ lịch thay dầu máy định kỳ, đồng thời dành thời gian tìm hiểu, tạo thói quen thăm dầu và bổ sung nước làm mát thường xuyên. Đối với ôtô, đừng quên tìm vị trí đồng hồ báo nhiệt độ máy và hãy lập tức ngừng vận hành xe khi kim đồng hồ chạy qua vạch chỉ 50%.
3. Vệ sinh khoang máy thường xuyên
Trong quá trình vận hành, rác và một số vật liệu dễ cháy có thể bị cuốn và “ẩn cư” bên trong khoang máy, nơi nhiệt độ luôn ở mức rất cao. Khi trời nắng gắt, lượng nhiệt ở khu vực này tiếp tục gia tăng và “những vị khách không mời” sẽ lập tức trở thành “kẻ phá hoại”. Bởi vậy, nên dành thời gian kiểm tra và vệ sinh khoang máy để kịp thời phát hiện và loại bỏ những tác nhân nguy hiểm này một cách thường xuyên.
4. Cẩn trọng với thiết bị lắp thêm
Trang bị thêm “đồ chơi” cho xe trở thành sở thích của nhiều người. Tuy nhiên, việc làm này có thể sẽ mang đến rủi ro nếu thiết bị không đủ tiêu chuẩn chất lượng hoặc lắp đặt sai chỉ số kỹ thuật.
Sẽ là không thừa nếu bạn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định “đầu tư” thêm cho chiếc xe của mình. Lựa chọn các cơ sở thực hiện có uy tín, xem xét kỹ nguồn gốc và đảm bảo các chỉ số kỹ thuật của thiết bị mới nằm trong giới hạn cho phép.
5. Không để các vật dụng gây cháy nổ trong xe
Bật lửa ga, bình ga, bình xịt giảm đau, nước hoa và một số loại hóa chất chứa ga,… là những thứ không nên lưu giữ trong xe, đặc biệt trong những khoảng thời gian nắng nóng của mùa hè. Những vật dụng cá nhân nêu trên tưởng chừng như vô hại, nhưng lại có thể phát nổ bất cứ lúc nào khi bị om lâu ở nhiệt độ cao. Ca-bin xe phơi ngoài trời nắng trở thành tác nhân “lý tưởng” để các vật dụng này tạo nên một đám cháy.
6. Đỗ xe ở nơi râm mát
Không chỉ phòng được cháy mà bạn còn tiết kiệm được một khoản tài chính khi đỗ xe ở nơi râm mát. Khi để lâu dưới ánh nắng mặt trời, không gian bên trong chiếc xe hấp thụ một lượng lớn nhiệt khiến quá trình làm mát khi vận hành trở lại cần lượng nhiên liệu nhiều hơn.
Một số chi tiết chịu tác động trực tiếp từ ánh sáng mặt trời sẽ bị giãn nở và ăn mòn do nhiệt, dẫn đến biến dạng và có thể mất tính liên kết. Ngoài ra, cũng không thể loại trừ khả năng cháy khi để xe ô tô ngoài trời nắng với đường dẫn nhiên liệu bị thủng. Cố gắng tránh đậu xe ở những địa điểm có chất dễ cháy như rơm, cây khô, giấy vụn…
Ngọc Bảo (P9)