Tầng hầm của tòa nhà chung cư, tòa nhà cao tầng thường được sử dụng làm bãi đỗ xe, trông giữ xe cho cư dân chung cư và khách hàng. Mỗi tầng hầm có thể là nơi trông giữ hàng nghìn chiếc xe máy và ô tô đủ chủng loại. Bình xăng của những xe này vốn đã là ẩn họa. Nếu thiết kế lắp đặt các trạm điện tại cùng tầng hầm với bãi đỗ xe, khi có sự cố xảy ra, chắc hẳn hậu quả là không thể lường trước được. Có thể nói, bình xăng của các xe trong bãi đỗ xe là những quả bom nguy hiểm chỉ chờ được các trạm điện kích nổ. Với các tòa nhà chung cư, tòa nhà cao tầng, các trạm điện thường được lắp đặt với công suất lớn. Không những vậy, đây đều là những máy có nhiều loại như trạm biến thế, máy phát điện,… để phục vụ cho cả tòa nhà. Tầng hầm của tòa nhà CT8 khu chung cư Đại Thanh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội không chỉ là bãi đỗ xe luôn chật kín xe, mà còn là nơi đặt 3 trạm điện và 3 máy phát điện công suất lớn.
Những chiếc máy này phục vụ cho hệ thống điện công cộng, thang máy khi mất điện. Thậm chí cả hệ thống bơm đẩy nước từ hầm chứa nước lên tầng thượng. Với mật độ dày đặc các trạm điện công suất lớn như vậy, một khi xảy ra sự cố, tất cả các trạm điện trong cùng tầng hầm sẽ cùng phát nổ, gây ra vụ nổ lớn. Chính vì vậy ban quản lý chung cư cần lưu ý các biện pháp đảm bảo an toàn cho mọi người. Đã có hàng chục vụ cháy, nổ trạm biến áp xảy ra trong thời gian qua, song chỉ làm cho người dân thêm hoảng loạn còn động thái kiềm chế của chủ đầu tư và ban quản lý thì dường như vẫn lơ là.
Trước đó, vào khoảng 9h sáng ngày 29-3, người dân sinh sống tại khu chung cư bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai gặp phen hốt hoảng khi nghe tiếng nổ giữa ban ngày từ trạm biến áp, lửa bùng cháy, khói đen và mùi khét bao trùm khu vực này trong nhiều giờ. Vụ nổ này được phát hiện là nổ tụ điện của máy biến áp, phát ra từ phía sau tòa nhà HH4A, sau sự cố nổ tụ điện, khiến toàn bộ khu nhà HH4A xảy ra mất điện cục bộ. Nguyên nhân mỗi vụ cháy, nổ đã được cơ quan chức năng chỉ ra tồn tại cần khắc phục như việc bảo dưỡng, bảo trì chưa chuẩn theo kỹ thuật, các bể xây chống tràn dầu còn nhiều trạm biến áp chưa có, đặc biệt là khoảng cách giữa trạm biến áp và nơi để phương tiện còn vi phạm…
Năm 2016, đã có hàng chục xe máy cháy trơ khung khi để gần trạm biến áp tại tầng hầm chung cư Xa La, Hà Đông sau khi bị phát nổ. Không chỉ cháy phương tiện, mà hàng trăm người dân mắc kẹt, hoảng loạn trong luồng khói đen kịt. Khi xảy ra vụ cháy, hàng trăm chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH – CATP Hà Nội và CBCS Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng dân quân tự vệ có mặt, kịp thời điều hàng chục xe cứu hỏa, xe thang và cứu thương đã đến chữa cháy, cứu người nên rất may không có thiệt hại về người.
Cư dân sống tại các chung cư, tòa nhà cao tầng thường xuyên ra vào tầng hầm của tòa nhà hàng ngày, nhưng một số thì không để ý đến các trạm điện, một số thì có lo lắng nhưng lại tự an ủi mình rằng “khi điện lực lắp đặt như vậy thì chắc hẳn phải đảm bảo nhưng chỉ số an toàn thì họ mới thi công”. Tuy nhiên, tại nhiều tòa nhà, cư dân đã kiến nghị với ban quản lý chung cư để đưa các trạm điện này ra khỏi tầng hầm. Nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện, khiến nhiều người dân vẫn phải sống trong hoang mang, lo sợ.
Theo quy định về “bố trí mặt bằng” tại mục 7 TCVN 6160:1996, tiêu chuẩn an toàn về PCCC đối với loại hình công trình nhà cao tầng: Các lò đốt bằng dầu, khí, các máy biến thế, các thiết bị điện cao thế không được đặt trong nhà cao tầng và phải bố trí ở phòng riêng bên ngoài. Trường hợp đặc biệt phải bố trí trong nhà cao tầng thì: lò đốt, máy biến thế phải bố trí ở tầng 1 và có cửa trực tiếp ra bên ngoài; Thiết bị có sử dụng dầu phải có kết cấu phòng dầu tràn. Trong trạm biến áp có thành phần dầu, đối với loại trạm biến áp nhỏ thì có bình dầu, còn loại trạm biến áp lớn có bể dầu. Trong quá trình hoạt động, nếu công tác bảo dưỡng, bảo trì kém dẫn đến rò rỉ và gây cháy, nổ. Tuy nhiên, thực tế còn có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ trạm biến áp tại các khu chung cư cao tầng đó là sự quá tải trong sử dụng điện sinh hoạt và sự thiếu tính toán của chủ đầu tư khi lắp đặt máy biến áp. Trong việc lắp đặt máy biến áp chỉ bị mo ve một điểm đấu nối dẫn điện là dẫn đến chập cháy, nổ hoặc chuột cắn dây điện trong bản điều khiển của trạm biến áp cũng có thể dẫn đến cháy nổ
Theo quy định hiện hành, không cấm việc lắp đặt trạm điện tại tầng hầm của tòa nhà chung cư, tòa nhà cao tầng, tuy nhiên việc lắp đặt phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn về an toàn PCCC, nhằm đảm bảo an toàn hoặc hỗ trợ công tác cứu hộ khi có sự cố chập, cháy thiết bị điện gây cháy nổ, hỏa hoạn tại chung cư, tòa nhà cao tầng.
Do vậy, để tránh trường hợp sự cố về điện dẫn đến hỏa hoạn tại các tòa nhà chung cư, toàn nhà cao tầng, các chủ đầu tư và ban quản lý tòa nhà chung cư, tòa nhà cao tầng cần xem xét kỹ lưỡng việc lắp đặt các trạm điện, máy biến thế, máy phát điện bên ngoài tòa nhà. Hạn chế tối đa việc lắp đặt trong tầng hầm để giảm thiểu rủi ro.
Bùi Bảo (P9)