Các cơ sở trường học trên địa bàn các huyện, quận ở các tỉnh có đường giao thông ra vào thuận tiện; còn lại các cơ sở trường học trên địa bàn các quận nội thành các thành phố lớn có hệ thống giao thông bên ngoài chật hẹp, khó khăn cho việc xe chữa cháy tiếp cận cơ sở cũng như việc thoát nạn. Nhiều trường không có bể nước phục vụ chữa cháy, hoặc có bể nhưng xe chữa cháy không hút được nước. Có trường học, các dãy nhà từ 2 – 3 tầng chỉ có duy nhất 01 cầu thang thoát nạn, các phòng học đa số chỉ có 01 cửa thoát nạn. Số lượng học sinh của đại đa số các trường thuộc các quận nội thành đều quá tải so với quy định về diện tích, nên khi có sự cố hoặc cháy sẽ dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy gây tai nạn thương tích. Hệ thống điện chủ yếu được lắp đặt không theo quy định; hệ thống đường dây dẫn điện đi nổi, lắp đặt nhiều thiết bị tiêu thu điện dẫn đến nguy cơ quá tải, gây chập cháy.
Các trường trang bị phương tiện chữa cháy sơ sài, thiếu hoặc không đúng về chủng loại, số lượng. Đặc biệt, tại các trường mầm non và bán trú sử dụng gas phục vụ đun nấu cơm cho học sinh, việc bảo quản, bảo dưỡng, kiểm tra không thường xuyên, số lượng gas tồn chứa không đảm bảo an toàn về PCCC.
Các cơ sở cũng chưa quan tâm tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và huấn luyện nghiệp vụ về PCCC hàng năm chưa được tổ chức thường xuyên, mới chỉ dừng ở mức độ tuyên truyền, nhắc nhở. Ý thức và kiến thức về PCCC của các thầy trò trong các cơ sở giáo dục còn nhiều hạn chế.
Để đảm bảo an toàn PCCC, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ xảy ra tại các cơ sở trường học, các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra tại các cơ sở trường học. Chỉ đạo đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống các Trường theo đúng Quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước. Các cơ quan chức năng trước khi cấp phép hoạt động của cơ sở nuôi dạy trẻ, trường mẫu giáo phải xem xét điều kiện đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, đặc biệt chú ý đến điều kiện thoát nạn, việc đấu mắc sử dụng điện, việc tồn chứa và sử dụng khí gas hóa lỏng. Bên cạnh đó, các trường thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC phải được cơ quan PCCC thẩm duyệt thì cơ quan có thẩm quyền mới thực hiện việc cấp phép xây dựng.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC trong tất các cơ sở trường học, làm cho lãnh đạo, hiệu trưởng các cơ sở trường học nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được quy định trong Luật PCCC và các văn bản pháp luật. Các trường cần đẩy mạnh công tác tự kiểm tra và khắc phục tại chỗ các tồn tại thiếu sót nhằm chủ động phòng ngừa tại chỗ. Rà soát, bổ sung đầy đủ, kịp thời phương án đảm bảo an toàn PCCC. Thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện cho lực lượng PCCC cơ sở, cán bộ giáo viên và học sinh, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy khi có sự cố, từng bước đưa kiến thức an toàn PCCC vào chương trình học. Các trường cần trang bị cho học sinh kỹ năng sống phòng ngừa tại nạn trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là ý thức phòng ngừa đối với tai nạn cháy nổ. Phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các yêu cầu thiết kế về PCCC đối với các công trình được cải tạo, mở rộng và xây mới, trong đó, đặc biệt chú ý vấn đề giải pháp về nối thoát nạn, hệ thống điện, hệ thống chống sét và các hệ thống trang thiết bị PCCC. Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, các dạng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt và đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC. Bố trí, sắp xếp các chất dễ cháy, các đồ dùng dụng cụ … gọn gàng, cách xa các nguồn lửa, nguồn nhiệt…
Lực lượng Cảnh sát PCCC đã tăng cường kiểm tra toàn diện các mặt công tác PCCC theo định kỳ, đồng thời phúc tra việc thực hiện quy định của pháp luật về PCCC. Nâng cao ý thức, nhận thức và yêu cầu chủ sở hữu, chủ quản lý, hiệu trưởng khắc phục ngay những tồn tại thiếu sót. Kiên quyết xử lý những cơ sở thiếu trách nhiệm trong công tác PCCC, để các tồn tại thiếu sót kéo dài.
Thu Thủy (TT1)