Lửa là yếu tố tâm linh, được thần thánh hóa – đại diện cho lực lượng siêu nhiên trong tín ngưỡng nguyên thủy của nhiều dân tộc trên thế giới. Những lễ hội lửa là nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của các quốc gia. Mỗi một quốc gia, lễ hội lửa mang một ý nghĩa khác nhau nhưngngọn lửa đều tượng trưng cho sức sống, sự ấm áp của ánh mặt trời, xua đuổi quỷ dữ và xóa bỏ những điều xui rủi của năm cũ.
Scotland: Lễ hội đốt lửa truyền thống của người Viking
Up Helly Aa là lễ hội đốt lửa truyền thống giữa mùa Đông, được tổ chức hàng năm trên quần đảo Shetland của Scotland tôn vinh nền văn hóa Viking. Lễ hội gồm nhiều sự kiện hấp dẫn diễn ra hàng năm vào ngày thứ ba cuối cùng của tháng 1. Những người dân địa phương, gọi là guizer, tổ chức lễ hội để gợi lại những di sản truyền thống của người Na Uy. Họ mặc đồ cướp biển Viking và đi diễu hành quanh thị trấn với chiếc rìu chiến đấu cùng những ngọn đuốc, trong khi kéo theo một chiếc thuyền dài của cướp biển Viking. Sự kiện truyền thống này được tổ chức ở đảo Shetland với hàng loạt hoạt động hoành tráng như diễu hành, ca hát, nhảy múa, rước đuốc và tiệc tùng. Lễ hội nhằm tưởng nhớ và tôn vinh nền văn hóa Viking từng tồn tại lâu dài và để lại ảnh hưởng lớn ở khu vực Bắc Âu.
Các nhóm Viking này gọi là Jarl, được dẫn dắt bởi một Guizer đứng đầu. Họ dành cả ngày diễu hành qua Lerwick, thủ phủ của quần đảo Shetland, Scotland. Điểm đến cuối cùng là bờ sông để cùng nhau đốt một con tàu Viking.Con tàu dài 9,2m, mô phỏng kiểu thuyền của người Viking trước đây do các tình nguyện viên làm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Để sự kiện đốt thuyền thêm ấn tượng, đèn đường trong thành phố tắt từ rất sớm. Mỗi khi đốt thuyền, cả thành phố như rực lên trong ngọn lửa. Sau khi ngọn lửa tắt, các guizer hát vang bài hát truyền thống “The Norseman’s Home” trước khi bắt đầu bữa tiệc đêm linh đình.
Các đội Jarl Squad dành cả ngày để diễu hành quanh Lerwick, thủ phủ của tỉnh Shetland. Cuối cùng, họ tiến về bờ sông và đốt cháy một chiếc tàu chiến với khoảng 1.000 ngọn đuốc. Khi tàu đã cháy rụi, họ quay về khu trung tâm và uống bia đến sáng hôm sau.
Tây Ban Nha: Valencia rực sáng trong lễ hội lửa
Diễn ra từ 15 – 19/3 hàng năm, lễ hội này khiến cả TP Valencia (Tây Ban Nha) rực lửa, mịt mù trong những đám khói.Những hình nộm biếm họa khổng lồ được trưng bày khắp các con phố mô phỏng các nhân vật thần thoại, lịch sử, nghệ sỹ nổi tiếng và cả các nhân vật trong phim hoạt hình với những thiết kế cầu kỳ, tỉ mẩn, thu hút khách du lịch. Để tạo ra các hình nộm này, những người thợ ở đây phải mất rất nhiều thời gian cho việc thiết kế và trang trí, phun màu. Tại lễ hội, những hình nộm này sẽ được đốt cháy trong những ngọn lửa đầy nghệ thuật, đẹp mắt. Khoảng 700 tuyến phố sẽ bị cấm qua lại để nhường chỗ cho những người tham dự lễ hội và cả lính chữa cháy.
Khi các hình nộm được chất đầy pháo hoa, đèn đường bắt đầu tắt cũng là lúc những người lính chữa cháy vào vị trí để đảm bảo an toàn cho người tham dự trong suốt lễ hội. Đặc biệt, những phụ nữ mang thai sẽ không được phép tham dự lễ hội.
Anh:Rực rỡ lễ hội đốt lửa Bonfire Night
Lễ hội lửa Bonfire Night là một lễ hội truyền thống ở Anh, tại Lewes, người ta đốt lửa theo đúng nghi thức từ nhiều thế kỷ trước và điều này đã khiến lễ hội lửa tại Lewes trở nên đặc biệt hơn với người dân và du khách tại đây.
Hàng năm, cứ đến đầu tháng 11, người dân Thị trấn Lewes, Anh lại đổ ra đường diễu hành với những đuốc lửa rực rỡ. Đây cũng là dịp thu hút nhiều du khách quốc tế tới Anh để trải nghiệm những nét đặc sắc của lễ hội đốt lửa truyền thống Bonfire. Đêm hội kỳ bí với nhiều trang phục hóa trang đặc sắc truyền thống, và lửa.
Lễ hội lửa Bonfire Night ở Anh có nguồn gốc từ sự kiện “Âm mưu thuốc súng” – một sự kiện lịch sử có thật năm 1605 nhắm vào Hoàng gia Anh và tòa nhà Quốc hội. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất và lâu đời nhất ở Anh, được duy trì từ thế kỷ 17 đến nay. Truyền thống đốt lửa vào những ngày đầu tháng 11 này tiếp diễn tới tận ngày nay trên khắp nước Anh, tưng bừng nhất tại Thành phố Lewes với rất nhiều pháo hoa và lửa cháy sáng suốt ngày đêm.
Nhật Bản: Lễ hội Oniyo – Fukuok
Lễ hội lửa Oniyo là một trong ba lễ hội lớn nhất ở Nhật Bản, đây là một nghi lễ Shinto được thực hiện để xua đuổi linh hồn ma quỷ. Lễ hội có truyền thống rất lâu đời, cách đây 1.600 năm, được tổ chức thường niên vào tháng 1 tại ngôi đền Daizenji Tamataregu huyền thoại với mong muốn xua đi những linh hồn xấu xa. Nghi lễ của lễ hội bắt đầu bằng đốt cháy một ngọn đuốc to trong sân đền vào 9 giờ tối ngày 7/1 sau đó sẽ được chia ra làm 6 ngọn đuốc nhỏ hơn. Mỗi một ngọn đuốc dài 13m và nặng 1200kg. Những người đàn ông mặc khố sẽ ôm những ngọn đuốc này đi vòng quanh đền. Mỗi một bụi tro, than rơi xuống từ các ngọn đuốc đều được cho là mang lại may mắn.
Hàn Quốc: Ân tượng với lễ hội lửa Jeju Daeboreum
Lễ hội lửa Jeju Jeongwol Daeboreum là một lễ hội vui nhộn và hoành tráng của người nông dân và ngư dân trên đảo Jeju. Hàng năm, họ tổ chức lễ hội này với mong muốn cầu mùa màng bội thu và một năm bình an, may mắn.
Lễ hội lửa Jeju Jeongwol Daeboreum diễn ra tại khu vực Saebyeol Oreum vào ngày trăng tròn, rơi vào ngày 15 của tháng đầu tiên trong năm. Khi lễ hội diễn ra, người nông dân và cư dân sẽ cầu mong mùa màng bội thu, tránh mọi điều rủi ro và làm ăn phát đạt hơn năm trước bằng cách chuẩn bị các món ăn có trong mùa đó, các loại hoa quả…, và có cả kim chi để dâng lên thần linh.
Đặc biệt, lễ hội ngày trước có tục đốt lửa trên cánh đồng để đuổi sâu bọ phá hoại mùa màng, sau đó cho bò ăn cỏ. Ngày nay, lễ hội cũng dàn dựng lại sự việc đốt lửa trên đồng, cùng nhiều chương trình hấp dẫn khác như tham quan đám cưới truyền thống…
El Salvador: Độc đáo lễ hội ném cầu lửa
Cứ vào dịp cuối tháng 8 hàng năm, cư dân Thị trấn Nejapa ở quốc gia vùng Trung Mỹ El Salvador lại háo hức tổ chức lễ hội ném cầu lửa vào nhau, chứa đựng nhiều câu chuyện ý nghĩa ẩn sau.
Truyền thuyết kể lại rằng, sự kiện tái hiện cuộc chiến giữa vị thánh đỡ đầu của dân làng và quỷ dữ. Dòng nham thạch chảy từ miệng núi lửa thực chất là những quả cầu lửa mà vị thánh đỡ đầu của dân làng dùng để chiến đấu với thế lực đen tối. Do đó, lễ hội có ý nghĩa tưởng nhớ tới thị trấn cổ bị tàn phá trong trận chiến năm xưa.Còn trên phương diện lịch sử, lễ hội tưởng nhớ tới sự kiện phun trào núi lửa cách đây gần 400 năm khiến toàn bộ dân làng phải sơ tán.
Mỹ : Lễ hội lửa Out of the Darkness tại Bang Florida
Không biết lễ hội này bắt đầu từ bao giờ nhưng cứ từ ngày 31/10 tới 04/11 hàng năm, hàng trăm người theo chủ nghĩa vô thần lại tập trung về Bang Florida để dự lễ hội Out of the Darkness (thoát ra khỏi bóng tối).
Một trong những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội này chính là nghi lễ đốt phù thủy. Những người tham gia vào buổi lễ sẽ đem đốt toàn bộ những đồ vật, hình nhân có liên quan đến phù thủy, hiện thân của bóng tối, sự xấu xa, tất cả bị đem ném vào lửa, thiêu cháy. Sau đó, mỗi ngày đều diễn ra vô vàn hoạt động hấp dẫn khác như nhảy múa, biểu diễn trống, diễn kịch và ca nhạc ngoài trời.
Ấn Độ: Lễ hội Diwali
Diwali là một trong những lễ hội Hindu nổi tiếng nhất đất nước Ấn Độ. Trong thời gian lễ hội diễn ra, tất cả các thành phố đều được thắp sáng bằng ánh sáng của đèn lồng và đèn dầu lấp lánh. Người dân háo hức trong những bộ quần áo đẹp nhất, đợi chờ những màn pháo hoa rộn rã thắp sáng cả bầu trời. Năm nay, lễ hội được tổ chức từ ngày 13 đến 17/10 không chỉ tại Ấn Độ mà tại tất cả các cộng đồng người Ấn trên thế giới.
Iran: Lễ hội Sadeh
Sadeh là một lễ hội cổ xưa diễn ra trước dịp năm mới 100 ngày (năm mới của người Iran rơi vào tháng 3 hàng năm). Người dân Iran tin rằng ngọn lửa được thắp lên vào dịp này sẽ xua đi bóng tối và cái lạnh lẽo của mùa Đông, đón mùa Xuân tới.
Theo truyền thống, lễ hội diễn ra trong 3 ngày và người dân Iran sẽ mang những món quà và thức ăn cho người nghèo. Ở khắp nơi, người ta đốt đèn, đuốc và nền cũng như bắn pháo hoa rộn rã.
Lan Trịnh