web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

An toàn PCCC tại làng nghề Sơn Đồng ngày Tết

Làng nghề Sơn Đồng thuộc xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội –  cách trung tâm thủ đô khoảng 20km về phía Tây Bắc, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với nghề tạc tượng và làm đồ thờ bằng gỗ. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự phát triển của làng nghề Sơn Đồng cũng ngày càng trở nên lớn mạnh. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển ấy là “bài toán” khó về công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy…

Làng nghề Sơn Đồng đã hình thành và phát triển được hơn 1000 năm, kể từ khi nền văn hoá Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam, đây được ví như là “thiên đường” về đồ thờ cúng hay đồ trạm khắc thủ công mỹ nghệ – một trong những tinh hoa của vùng xứ Đoài. Bằng sự tài hoa và cái tâm với nghề, các nghệ nhân ở làng Sơn Đồng đã chế tác ra những sản phẩm điêu khắc bằng gỗ rất tinh tế, độc đáo. Hiện nay, sản phẩm của Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng chiếm khoảng trên 50% trên toàn thị trường cả nước về tượng, đồ thờ cúng sơn son thếp vàng, thếp bạc phủ màu hoàng kim, phục vụ đời sống văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Không chỉ nổi tiếng trong nước, các sản phẩm của làng nghề còn được rất nhiều khách hàng quốc tế đặt hàng và được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân; đồng thời cũng góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.

Có thể nói, cho đến nay, thương hiệu “Làng nghề Sơn Đồng” ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của huyện Hoài Đức nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung; giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất và kinh doanh ở làng nghề Sơn Đồng còn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt là trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Khi đến tham quan và tìm hiểu về mô hình sản xuất, kinh doanh ở làng nghề Sơn Đồng, có thể thấy các cơ sở ở đây phần lớn duy trì ở quy mô nhỏ lẻ, phát triển kinh tế hộ gia đình; nhà xưởng sản xuất được quy hoạch, xây dựng xen lẫn giữa khu dân cư. Tìm hiểu thực tế về công tác PCCC tại làng nghề truyền thống Sơn Đồng thì được biết, người dân làng nghề chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác PCCC; thậm chí là còn chủ quan trong công tác phòng ngừa. Trên địa bàn làng nghề hiện có 109 hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ đồ thờ; 22 cơ sở nhỏ lẻ, kho bãi nhà xưởng và nhiều cơ sở kinh doanh các dịch vụ khác có nguy cơ cháy nổ cao như: kinh doanh gas, xăng dầu, nhà nghỉ, karaoke…. Trong đó có khá nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tự giác thực hiện tổ chức tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC cho người lao động một cách đầy đủ. Việc chấp hành các quy định của nhà nước về công tác PCCC còn thiếu nghiêm túc, nhiều cơ sở còn chưa trang bị, hoặc trang bị thiếu các phương tiện chữa cháy tại chỗ; nội quy, tiêu lệnh PCCC không được niêm yết theo quy định. Theo kết quả rà soát mới đây của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội, có khoảng 90% các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các làng nghề chưa có hồ sơ theo dõi, quản lý về hoạt động PCCC; 100% các cơ sở sản xuất, nhà xưởng và công trình tạm bợ không đảm bảo giới hạn chịu lửa, khoảng cách giữa các dãy nhà, lán xưởng gần nhau nên khi xảy ra cháy rất dễ gây ra tình trạng cháy lan, cháy rộng. Khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, nhiều chủ cơ sở và người lao động còn lúng túng trong việc xử lý do không được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ. Mặt khác, giao thông tại làng nghề thường chật hẹp, lại có nhiều vật cản như: cổng làng, vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất tràn lấn mặt đường gây cản trở cho công tác chữa cháy; nguồn nước phục vụ cho công tác chữa cháy thiếu, bố trí chưa hợp lý; hầu hết, các cơ sở chưa có hệ thống thoát nạn đảm bảo khi có tình huống cháy, nổ xảy ra…

Trước tình hình thực tế về công tác PCCC của các làng nghề trên địa bàn nói chung và làng nghề Sơn Đồng nói riêng, để thực hiện công tác phòng ngừa cháy nổ, ngay từ đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Hoài Đức đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, đánh giá về tình hình công tác PCCC của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, từ đó, tổ chức hướng dẫn cụ thể về các biện pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến cháy, nổ và các điều kiện phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, phúc tra về PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh làng nghề và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ ngay những cơ sở có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự ý cải tạo, sửa chữa, cơi nới nhà xưởng, lắp đặt các máy móc, thiết bị có phụ tải lớn khi không đảm bảo yêu cầu về đường điện; yêu cầu tuân thủ nghiêm công tác an toàn PCCC. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, trao đổi thông tin liên quan tới công tác PCCC tới người dân nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy, nổ. Nhờ đó, số vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua đã giảm đáng kể. Thượng tá Nguyễn Thành Vinh – Phó trưởng Công an huyện Hoài Đức cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện Hoài Đức xảy ra 18 vụ cháy, thiệt hại tài sản khoảng 2 tỷ đồng và không có thiệt hại về người, so với cùng kỳ năm 2018, số vụ cháy giảm 6 vụ, thiệt hại giảm 500 triệu đồng. Tính riêng trên địa bàn xã Sơn Đồng, trong năm 2019 không xảy ra vụ cháy nổ nào. Thượng tá Nguyễn Thành Vinh khẳng định: “Để đảm bảo an toàn PCCC hơn nữa, trong thời gian tới, Công an huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để đề ra các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC. Tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình đối với những cơ sở thuộc địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ xảy ra”.

Có thể thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an huyện Hoài Đức đã khiến cho công tác PCCC tại địa bàn nói chung và tại làng nghề Sơn Đồng nói riêng đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác PCCC là của toàn dân, để công tác PCCC thật sự đạt hiệu quả tại làng nghề Sơn Đồng cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa người dân địa phương và cơ quan chức năng. Vì vậy, mỗi người dân làng nghề cần nâng cao ý thức trong công tác PCCC để bảo đảm tài sản, tính mạng của chính mình, góp phần phát triển làng nghề, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương. Người đứng đầu các cơ sở cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc giữ an toàn cháy, nổ trong lao động, sản xuất; có biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức, kiến thức về PCCC cho người lao động; trong đó, chú ý quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy; sử dụng an toàn hệ thống, thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là các thiết bị trong dây chuyền công nghệ sản xuất; đầu tư trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp đặc điểm cơ sở; tăng cường công tác tự kiểm tra, khắc phục kịp thời sơ hở, thiếu sót dẫn đến cháy; chuẩn bị lực lượng và các điều kiện để xử lý, dập tắt kịp thời khi có cháy xảy ra. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các sở ban, ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các chủ cơ sở, người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân trong làng nghề; chủ động tính toán việc quy hoạch và có phương án di chuyển khẩn trương những đơn vị cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư.■

HỒNG VÂN