Việt Nam được ví như “đất nước của bão”, trong năm 2019 vừa qua, người dân khắp cả ba miền Bắc Trung Nam phải gồng mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ. Hàng nghìn căn nhà, ruộng đồng hoa màu chìm trong biển nước… Trên những vùng lũ dữ quét qua, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an cả nước, trong đó có lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã lên đường vào vùng tâm lũ chung tay sát cánh, đồng hành cùng bà con nhân dân, trở thành điểm tựa giúp nhân dân vượt qua giông bão.
Lâm Đồng những ngày trung tuần tháng 8/2019, mưa như trút nước đổ xuống các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc… Đặc biệt ở huyện Lạc Dương, trận mưa kéo dài từ tối ngày 7/8/2019 đến trưa 8/8/2019 đã khiến cho nhiều khu vực trong huyện bị ngập lụt, sạt lở và gây thiệt hại lớn. Đây là trận mưa lớn nhất trong vòng hơn 10 năm qua với lượng mưa đã vượt quá 1.500mm. Mưa lũ đến nhanh với cường độ mạnh đã làm 65 căn nhà bị ngập lụt, 15 căn nhà bị hư hỏng hoàn toàn, gây ngập khoảng 2.400ha hoa màu của người dân, trong đó có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đường xá hư hại, cây cối, hoa màu chết úng, các ngành dịch vụ, sản xuất, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề… 4 giờ sáng ngày 08/08/2019, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được thông tin từ Công an huyện Lạc Dương thông báo có 41 người đang bị mắc kẹt trong một khu vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát có nguy cơ đe dọa trực tiếp tới tính mạng. Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh nhận nhiệm vụ tới hiện trường giải cứu 41 nạn nhân giữa dòng nước dữ.
Giữa dòng nước dữ cuồn cuộn chảy siết, bất chấp huy hiểm, khó khăn những người lính PCCC&CNCH cùng các phương tiện chuyên dụng đã triển khai nhiều phương án giải cứu nhưng bất thành. Trung tá Đoàn Mạnh Toàn – Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Lâm Đồng nhớ lại: Để đưa hơn bốn mươi con người vượt qua dòng lũ dữ là điều vô cùng khó khăn và không được phép sai sót. Lúc đầu chúng tôi sử dụng phương án dùng xuồng, ca nô, các phao cứu sinh để tiếp cận người dân bị mắc kẹt bên kia sông, tuy nhiên, do dòng nước lũ chảy xiết, ca nô của chúng tôi không thể đi sang được, xuồng cứu sinh đưa xuống cũng bị nước lũ cuốn phăng. Trước tình thế rất cấp bách, nước lũ liên tục dâng cao, nguy cấp, chúng tôi quyết định thực hiện phương án “đu dây vượt suối” để đưa từng người bị cô lập bên kia suối đến nơi an toàn. Sử dụng những vật dụng có sẵn ở trang trại như dây thừng, cáp quang của người dân, cán bộ, chiến sỹ giữ chặt 2 đầu dây cố định và buộc vào gốc cây làm ròng rọc treo và lồng chiếc giỏ sắt là chiếc lồng úp gà giăng qua dòng nước dữ để cứu người. Để đảm bảo an toàn cho người dân, các chiến sỹ đã thử nghiệm trước với bao tải chở đồ, một số vật dụng khác… tương tự trọng lượng người dân đưa sang bờ an toàn, rồi mới đưa người già, phụ nữ, trẻ con vào giỏ sắt để vượt dòng nước lũ đang chảy xiết. Lần lượt từng người, từng người đu dây bằng ròng rọc vượt qua dòng nước lũ trong sự hồi hộp của chính cán bộ, chiến sỹ và người dân chứng kiến. Sau hơn 8 giờ đồng hồ vật lộn với mưa lớn, lũ dữ, tất cả 41 người gặp nạn, trong đó có 7 trẻ em được đưa qua sông an toàn. Lúc này, các cán bộ, chiến sỹ PCCC&CNCH mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng công việc cứu nạn người dân khỏi lũ dữ vừa dứt cũng là lúc các chiến sỹ CNCH Lâm Đồng lại bắt tay ngay vào công tác khắc phục sạt lở đất. Ngay đêm 9/8/2019, trời vẫn tiếp tục mưa lớn và gió thổi mạnh khiến đèo Bảo Lộc bị sạt lở, gây ách tắc giao thông, hàng nghìn phương tiện bị dồn ứ, tê liệt hoàn toàn ở cả hai chiều. Cán bộ, chiến sỹ PCCC lại tiếp tục trắng đêm, dầm mình dưới mưa với quyết tâm khắc phục điểm sạt lở một cách nhanh nhất, đảm bảo giao thông cho tuyến quốc lộ huyết mạch. Khi điểm sạt lở đất này đang được khắc phục thì khu vực lại đổ mưa lớn, đèo Bảo Lộc liên tục xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở mới. Những người lính Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Công an Giao thông, Công an huyện Đạ Huoai, Công an TP Bảo Lộc phải căng mình làm việc suốt ngày đêm trong điều kiện thời tiết hết sức phức tạp, nguy hiểm. Ai nấy đều ướt sũng, bê bết bùn đất, chống đói bằng bánh mỳ và nước lọc với nỗ lực nhanh chóng khắc phục những điểm sạt lở đất đá trên đèo Bảo Lộc. Sau 18 tiếng đồng hồ vật lộn với những điểm sạt lở, mưa gió, hàng nghìn mét khối đất đã được lực lượng dọn dẹp, đèo Bảo Lộc mới được lưu thông trở lại bình thường.
Sau trận mưa lũ lịch sử, các chiến sỹ Cảnh sát lại PCCC&CNCH lại tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả như: dọn dẹp nhà cửa, chở nước sạch phục vụ nhân dân… Hình ảnh những người chiến sỹ Công an, những người lính PCCC cùng đồng đội bê bết trong bùn đất giúp vận chuyển đồ đạc, dựng lại nhà cửa để sớm có nơi ở ổn định sáng ngời hình ảnh người chiến sỹ Công an trong lòng dân, “vì nhân dân phục vụ”.
Cũng trong những ngày tháng 8/2019, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thanh Hóa cũng phải căng mình thường trực 100% quân, bảo vệ nhân dân trước sự tàn phá của cơn bão số 3. Đặc biệt, ngay khi nhận được thông tin địa phận xã Na Mèo, huyện Quan Sơn bị nước lũ cô lập, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động hàng chục lượt cán bộ, chiến sỹ phối hợp với chính quyền địa phương và quân đội triển khai nhiều phương án để có thể tiếp cận được các bản đang chìm trong nước lũ. Sử dụng phương tiện đặc chủng trong CNCH là những chiếc mô tô nước để làm phương tiện di chuyển người dân khỏi vùng lũ, tổ chức tìm kiếm những người mất tích, vận chuyển người bị thương đến nơi an toàn, đưa lương thực, thực phẩm, thuốc men và nước uống vượt sông Luồng đến với nhân dân trong bản Sa Ná và các bản đang bị cô lập. Thiếu tá Lê Trọng Tài – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Thanh Hóa nhớ lại: Trong dòng nước lũ cuồn cuộn như muốn nuốt trọn chiếc mô tô nước nhỏ bé, đã không ít lần các cán bộ, chiến sỹ của đơn vị suýt bị nước lũ nhấn chìm. Nhưng bất chấp hiểm nguy với tinh thần vì nhân dân phục vụ, anh em đã nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn, hy vọng giúp nhân dân hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Nhắc đến mưa lũ, không thể không nhắc đến vũng lũ Quảng Bình. Từ ngày 02/9/2019, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tại Quảng Bình, mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập lụt cục bộ, chia cắt do lũ tại nhiều địa phương huyện Lệ Thủy, Minh Hóa và Tuyên Hóa. Người dân vùng lũ phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn do lũ và thiếu lương thực, thực phẩm sinh hoạt, ôi nhiễm môi trường, dịch bệnh… Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát của Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia công tác CNCH, khắc phục hậu quả do lũ gây ra, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Phòng đã cùng các đơn vị nghiệp vụ khác, thành lập các đoàn công tác về các huyện bị ngập sâu như: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn… để kịp thời ứng cứu và cùng với nhân dân chống lũ, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn. Với sự tăng cường, nỗ lực của toàn lực lượng, hơn 1.000 hộ dân đã được di dời đến nơi tránh trú an toàn, hàng trăm hộp thuốc, hàng nghìn thùng mì tôm, lương khô, nước lọc được đưa đến với người dân vùng lũ để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt…
Ngay sau khi trời hết mưa, nước lũ bắt đầu rút, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã phối với chính quyền địa phương tham gia dọn vệ sinh môi trường, di chuyển tài sản, đặc biệt tại các trụ sở cơ quan nhà nước, y tế, các nhà dân ngập sâu tại vùng rốn lũ xã Tân Hóa, Châu Hóa và một số vùng khác để người dân vào cuộc sống ổn định với phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Đặc biệt là dọn dẹp các trường học đảm bảo cho các em học sinh kịp bước vào năm học mới… Trong bão lũ, cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Quảng Bình đã tô thắm thêm tình quân dân và ngời sáng hình ảnh người chiến sỹ Công an nhân dân không quản ngại gian khổ, khó khăn, cùng dân đi qua hoạn nạn.
Trong năm 2019 vừa qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lũ, bão lụt ở nước ta có nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài Lâm Đồng, Thanh Hóa, Quảng Bình, rất nhiều nơi như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lai Châu, Đồng Nai, Bình Phước…, mưa lũ đã gây biết bao tan thương, mất mát, thiệt hại cho người dân. Trong giông bão, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an các tỉnh, thành phố đã luôn xuất hiện ở những nơi nguy hiểm nhất, đồng hành cùng nhân dân vượt dòng lũ dữ, màu áo người lính Cảnh sát PCCC&CNCH trở thành điểm tựa vững chắc cho nhân dân. Trong những ngày Tết đến, Xuân về, trên những vùng đất lũ, tình quân dân lại tiếp tục được thắp lên bằng những nghĩa cử cao đẹp, những lời thăm hỏi, động viên, sẻ chia cả vật chất và tinh thần, hỗ trợ nhân dân vùng lũ đón Tết sum vầy, đầm ấm của lực lượng Công an nói chúng và những người lính PCCC nói riêng, giúp cho người dân vùng lũ có thêm động lực vươn lên, hướng tới một mùa Xuân mới.■
Hoa Lệ