web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Nghề làm hương xạ ở Cao Thôn

Mùi hương ngày Tết luôn là thứ in đậm trong tâm khảm người Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về. Dù đang làm gì, ở đâu chỉ cần thoảng qua trong gió Đông chút hương thơm cũng khiến con người ta nao nao cảm giác nhớ nhà, khắc khoải mong được trở về bên gia đình, bố mẹ. Nói đến nghề làm hương nức tiếng trên khắp dải đất hình chữ S có lẽ chúng ta không thể không nhắc đến làng làm hương Cao Thôn thuộc xã Bảo Khê, TP Hưng Yên – một trong những làng làm hương có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam.

Cao Thôn nằm sát tả đê Sông Hồng, chỉ cách trung tâm TP Hưng Yên chừng 3km. Rất dễ nhận ra lối đi vào làng bởi những cửa hiệu bán hương đủ loại và cũng bởi hương thơm rất đặc trưng lan tỏa trong không khí, trong từng nếp nhà từ những bước đầu tiên đặt chân đến ngôi làng. Đến với Cao Thôn, bạn sẽ bắt gặp khắp mọi nẻo đường đều trải dài các tấm phên hương với đủ loại hương từ hương vòng, hương nén đến hương sào. Màu vàng nâu của hương, màu đỏ tươi của bó tăm hương xòe ra như những đóa hoa đang phơi mình đón nắng kết hợp với màu xanh của cây lá tạo nên một bức tranh làng quê yên bình sống động, khiến ai được chiêm ngưỡng cũng phải ngẩn ngơ. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm hương của thôn có từ cuối thế kỷ 18. Tích xưa truyền lại rằng bà Đào Thị Khương, người con gái của làng có tài sắc vẹn toàn, bôn ba buôn bán khắp nơi, sau đó lấy chồng bên Trung Quốc, bà học được nghề làm hương xạ ở đó. Sau khi bà trở về thăm quê hương đã truyền dạy nghề cho người làng Cao Thôn. Bà được tôn vinh là tổ nghề hương của vùng và hiện được thờ tại nhà thờ tổ họ Đào, làng Cao Thôn. Để nhớ ơn bà, người dân nơi đây đã lấy ngày bà mất là ngày giỗ Tổ nghề 22/08 Âm lịch. Vào ngày này hàng năm, cả làng lại tập trung về nhà thờ để thắp hương tưởng nhớ đến người đã có công mang nghề truyền thống cho quê hương, mang lại công ăn việc làm cho bao thế hệ. Có thể nói, từ ngày ấy đến nay, trải qua gần 300 năm thăng trầm của lịch sử, người dân Cao Thôn cứ đời nọ truyền đời kia gắn bó với nghề làm hương.

Nhìn những nén hương đơn sơ, mộc mạc nhưng tất cả các công đoạn từ pha chế, se hương, nhúng hương, đến phơi và đảo hương đều được thực hiện hết sức tỉ mỉ, chi tiết, chứa đựng tâm huyết và cái tâm của những người con làng hương. Hương Thôn Cao có mùi thơm đặc biệt mà không làng hương nào trên cả nước có được, mùi hương tự nhiên, thanh mát, phảng phất và lâu tan đem lại cho con người cảm giác thư thái, thoải mái. Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề hương Cao Thôn: Hương của làng đều được làm từ 100% các thảo mộc, thuốc Bắc như: cây tùng, cây hoa ngâu, quế, hồi, thảo quả, lá hương, củ địa liền, đinh hương… Có thể nói, người Cao Thôn luôn tâm niệm rằng 36 vị thuốc Bắc này giống như là những tinh hoa của đất trời hội tụ lại trong mùi hương thơm làng Cao Thôn. Mỗi dòng họ hay mỗi gia đình làm hương ở Cao Thôn đều truyền bốn đến năm đời nay và mỗi nhà lại có một bài thuốc thảo mộc riêng, làm nên mùi hương đặc trưng riêng, làm nên “hồn cốt” của mỗi thương hiệu hương. Chính vì vậy, những bài thuốc không được phép truyền cho người ngoài dòng họ, con gái, con rể cũng không cho được mà chỉ truyền lại cho con trai, con dâu và con dâu ít nhất cũng phải ở tuổi 50 trở lên mới được cầm đơn, bốc vị.

Sau khi các vị thảo mộc đã được lựa chọn kỹ càng, cân đong để đảm bảo mùi vị cân bằng, tất cả các nguyên liệu trên sẽ được xay thành bột mịn, trộn với dây keo hay còn được gọi là đời bời để gắn kết bột hương lại với nhau. Từ bột hương, muốn se thành nén hương cần có tăm hương. Theo kinh nghiệm của những người thợ làm hương lâu năm, tăm hương phải được tuyển chọn từ những cây nứa bánh tẻ, để chân hương đảm bảo độ dẻo dai, tạo độ cong cho cây hương. Chiều dài của mỗi tăm hương từ 35 đến 40cm tùy theo nhu cầu sử dụng. Tăm hương được chẻ nhỏ, ngâm, phơi rồi được nhuộm màu đỏ ở chân. Việc nhuộm màu đỏ không chỉ làm tăng vẻ đẹp của nén hương, mà còn là điểm để đánh dấu phần bột hương được sử dụng trên nén hương. Tất cả các công đoạn từ pha chế thuốc, se hương, nén hương đa số đều làm bằng tay.

Thậm chí việc phơi hương cũng phải đổ nhiều tâm sức của những người thợ làm nghề bởi nghề làm hương phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vì vậy, khi tiếng gà mới văng vẳng đâu đó, người dân trong làng đã bắt tay vào việc để khi mặt trời lên là có hương mang ra phơi cho kịp nắng. Nếu trời nắng to như mùa hè, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều sẽ được hương, hương màu sắc vừa đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Còn vào những ngày nồm trời khiến hương ẩm mốc, người làm hương càng vất vả trong việc phơi khô bởi không thể đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng nên để hoàn thành một mẻ hương phải mất tới 4 ngày. Và người làm hương sẽ phải chủ động quan sát tỉ mẩn để biết chắc thời điểm nào hương đã khô và giữ trọn vẹn được mùi thơm.

Hương Cao Thôn chủ yếu có ba loại là hương vòng, hương nén và hương sào. Ngoài ra còn có hương quế, hương đen… Ngày xưa se hương bằng tay, người ta lấy bột hương vê vào tăm tre, lăn tròn bằng một chiếc bay gỗ. Một người thợ lành nghề một ngày có thể se từ 7000 – 8000 que hương. Giờ đây máy móc giúp con người đỡ vất vả và lao động năng suất hơn, một ngày có thể làm được từ 18.000 đến 20.000 que hương. Cao Thôn có khoảng trên 200 hộ gia đình, trong đó có tới 160 – 170 hộ vẫn duy trì nghề làm hương truyền thống. Hiện nay, để đám ứng nhu ngày càng cao của người tiêu dùng, thế hệ trẻ trong làng không chỉ tiếp nối truyền thống của cha ông mà còn không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá sản phẩm ngày càng rộng rãi. Nhờ có chất lượng tốt, hình thức đẹp, hương thơm và đặc biệt cháy rất đều nên hương xạ Cao Thôn được người tiêu dùng ưa chuộng, hoạt động sản xuất diễn ra quanh năm. Khách hàng không chỉ ở trong tỉnh, ngoài tỉnh mà đã có hộ tìm được mối hàng xuất đi nước ngoài như: Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia, Đức, Pháp…

Bên cạnh đó, những năm gần đây, Cao Thôn còn trở thành một trong địa chỉ đỏ trong hành trình du lịch tỉnh Hưng Yên của du khách gần xa. Đến Cao Thôn, du khách sẽ được đắm mình trong màu sắc của những “bó hoa” hương, của hương thuốc Bắc thoang thoảng trong gió giữa khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả và được trải nghiệm nhiều hoạt động hấp dẫn như: xem quá trình sản xuất, được tự tay làm những nén hương cổ truyền và mang sản phẩm về…

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề, chính quyền địa phương và người dân Cao Thôn cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến công tác đảm bảo an toàn PCCC, bởi sản xuất hương tiềm ẩn nhiều nguy gây cháy lớn. Để bảo đảm an toàn PCCC tại các làng nghề không chỉ tại Cao Thôn mà trên địa bàn toàn thành phố, Phòng cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các lớp tập huấn công tác PCCC&CNCH cho lãnh đạo UBND xã phường, xã, Công an cấp xã, trưởng thôn, tổ dân phố, cán bộ đội viên Đội Dân. Qua các lớp tập huấn, người đân đã được truyền đạt những kiến thức cơ bản về công tác PCCC&CNCH, như: vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác PCCC; một số quy định pháp luật về PCCC; tổ chức, hoạt động của lực lượng Dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở; một số kiến thức cơ bản về PCCC; một số kỹ năng PCCC và thoát nạn. Ngoài ra còn được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng một số dụng cụ, phương tiện chữa cháy ban đầu và thực hành kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hưng Yên hy vọng, với những biện pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa đảm bảo an toàn PCCC, không chỉ làng Cao Thôn mà tất cả các làng nghề trên địa bàn tỉnh sẽ nâng cao nhận thức trong công tác PCCC góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Thời điểm giáp Tết, làng Cao Thôn bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất năm. Khắp các con đường, ngõ xóm, sân nhà, hàng loạt các phên phơi hương được bày ra thành từng khoảng rộng, tràn ngập một màu vàng, màu đỏ của nhang hương, thoang thoảng mùi hương thơm mát của thảo mộc, đó là mùi thơm riêng có của nén hương làng Cao Thôn. Mỗi một nén hương nhỏ bé không chỉ thấm đẫm mồ hôi, tâm sức mà còn chứa đựng cả cái thần, cái tâm của người thợ. Có lẽ vì thế mà nghề làm nhang truyền thống ở Cao Thôn dù trải qua biết bao thăng trầm của thời gian vẫn còn tồn tại và có sức sống mãnh liệt cho đến ngày hôm nay. Cùng với hương sắc của các loại hoa, hương vị của các loại bánh mứt truyền thống, hương xạ Cao Thôn đã và đang góp hương thơm cho ngày Xuân thêm ấm áp.■

Lệ Hoa