web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Câu chuyện về người hùng thầm lặng cứu rừng

Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2019 rơi xuống, theo sự giới thiệu của những cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Đậu Văn Tiến – người được nhân dân trong vùng gọi bằng cái tên trìu mến “người hùng cứu rừng”. Cùng với các lực lượng Công an, bộ đội, trong nỗ lực cứu những cánh rừng Hồng Lĩnh thoát khỏi vòng vây của “giặc lửa”, ông đã tạo hàng nghìn mét đường băng cản lửa, góp phần không nhỏ trong vào việc cứu rừng.

 

Câu chuyện “người hùng cứu rừng” Đậu Văn Tiến được viết lên trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 2019, khi những cánh rừng trên núi Hồng Lĩnh không ngừng bị thiêu rụi, tàn phá bởi “giặc lửa” khiến nhân dân cả nước không khỏi xót xa. Trưa ngày 28/6/2019, giữa cái nắng nóng như đổ lửa, gió Lào khô khốc thổi, như những ngày thường nhật, ông Đậu Văn Tiến đang nghỉ trưa sau những giờ lao động vất vả thì bất ngờ nhận được cuộc gọi, một số máy lạ với giọng gấp gáp vang lên nhờ ông mang cưa máy lên giúp huyện cứu rừng Hồng Lĩnh. Chẳng kịp suy nghĩ nhiều, khoác vội lên mình bộ quần áo lính, ông xách cưa máy và túi đựng đồ nghề lên xe nổ máy, chỉ kịp ngoái lại báo vợ là mình đi chữa cháy rừng… Nhớ lại thời điểm đó, ông chia sẻ: “Từ nhà tôi lên đến điểm phát cháy đầu tiên dài hơn 12km, trời trưa vắng, tôi chạy như bay trên đường, trong đầu chỉ có một suy nghĩ làm sao đến được địa điểm cháy thật nhanh để cùng giúp sức với mọi người cứu rừng”. Có lẽ, đối với người cựu chiến binh đã từng tham gia hành quân trên những cánh rừng của đất Lào đầy nắng lửa, việc đi cứu rừng là một lẽ dĩ nhiên, bình thường, giản dị như người lính Cụ Hồ đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khi đất nước, nhân dân cần đến.

 

Vượt qua đoạn đường hơn 12km, đến đầu thị trấn Xuân An, ông Đậu Văn Tiến đã nhìn thấy những cột khói cao ngút trời. Chạy xe nhanh tới khu vực đồi thông gần cây xăng dầu Xuân An, rất đông lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ và bà con nhân dân đang nỗ lực tiếp cận đám cháy. Bỏ xe lại tại một nghĩa trang gần đó, theo anh em bộ đội, dân quân tự vệ, lực lượng Cảnh sát PCCC, ông chạy nhanh lên núi. “Thấy tôi cầm theo cưa máy theo, có một người cán bộ dặn tôi nhiệm vụ chính của bác là cưa đốn cây để mở đường băng cản lửa, việc thu dọn đã có lực lượng đi phía sau. Vượt qua những con đèo dốc ngoằn ngoèo, chúng tôi nhanh chóng tới được vị trí nơi rừng bị cháy. Khi cách hàng rào lửa khoảng chừng 50m, chúng tôi bắt đầu lao vào công việc tạo đường băng cản lửa”. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nghề cưa xẻ và am hiểu về rừng của mình, ông Tiến đã nhanh chóng cưa giải phóng cây, theo sát sát ông, lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ tiến hành thu dọn thực bì, cây cối, một bộ phận dùng máy thổi làm sạch thực bì, đến đâu lực lượng phía sau làm sạch đến đó, không cho đám cháy lan rộng. Tất cả mọi việc đều được diễn ra tuần tự, nhịp nhàng, nhanh chóng. Ông chia sẻ: “Khi cầm cưa cắt những nhát cưa trên gốc thông đã có tuổi đời gần 40 năm, tôi xót xa như cắt vào máu thịt mình vậy. Tôi thương cây nhưng vẫn phải làm vì hy sinh một cây để cứu cả cánh rừng.” Ông và chiếc máy cưa hoạt động không ngừng nghỉ, lúc bên phải, khi bên trái, lúc ở giữa, dần tạo ra một hành lang ngăn cách với ngọn lửa hung dữ đang ào ào phía trước. Những điểm dốc, khó thì ông cùng bộ đội, dân quân mở đường băng rộng 18m, những chỗ bằng phẳng hơn thì mở rộng hơn, tầm 20m. “Dường như lúc đó, có một động lực thôi thúc mãnh liệt phải cứu rừng khiến tôi không có cảm giác gì là sợ và mệt mỏi, chỉ có một mong ước tách được đám cháy khỏi khu rừng. Các chú bộ đội, Công an đã hỗ trợ tôi hết sức để cùng tôi làm đường băng cản lửa. Khi cần xăng, tôi ra hiệu là các chú tiếp tế xăng cho tôi ngay để công việc không bị gián đoạn. Đồng chí chỉ huy của lực lượng bộ đội luôn động viên và nhắc nhở tôi vừa làm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tính mạng”, ông cho biết.

 

Khi tất cả lực lượng cứu rừng thấm mệt thì cũng là lúc trời về tối, ăn vội chiếc bánh mỳ, uống chai nước, ông cùng các lực lượng chữa cháy lại tiếp tục cuộc chiến đấu với giặc lửa. “Do đêm tối, chỉ có ánh đèn trên đầu chiếu ra những ánh sáng leo lét, tôi cùng với đồng chí chỉ huy bộ đội quy định với nhau: lúc nào thấy tôi giơ tay về bên trái, hay bên phải đèn thì cây sẽ đổ về hướng bên đó, để bộ đội phía sau thu dọn an toàn.” Cứ thế, suốt đêm, ông Tiến với chiếc cưa máy cũ của mình không nhớ đã được tiếp thêm xăng bao nhiêu lần, làm xong ở khu vực này ông lại lao sang nơi khác. Ông cho biết: “Khu vực bị cháy rừng ở rất gần khu dân cư, quốc lộ, nên nếu không nhanh, lửa sẽ bén xuống nhà dân và các cây xăng dầu ở gần đó, thiệt hại nghiêm trọng lắm.”

 

Đến gần sáng ngày 29/6, khi đám cháy thứ hai được dập, ông Tiến mới tranh thủ xuống một quán ăn bên đường ăn vội suất cơm hộp với bộ đội và thiếp đi lúc nào không biết. Choàng tỉnh giữa tiếng hô hoán: lửa bùng phát trở lại… Ngọn lửa lại bùng phát tại khu vực rừng thuộc thôn 7, thôn 8, xã Xuân Hồng, đang đe doạ khu dân cư và trạm xăng dầu. Trong bóng tối, có tiếng của người chỉ huy ra lệnh cho các lực lượng cứu hộ: nếu không thể cứu rừng thì chúng ta phải cứu bà con nhân dân trước. “Lần này nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là phải tạo ra một hành lang an toàn để bảo vệ khu dân cư và trạm xăng dầu. Máy cưa của tôi hoạt động hết công suất, nhiên liệu được các đồng chí bộ đội phía sau tiếp ứng. Tôi lại lao vào trận chiến, cắt, cắt và cắt… chưa bao giờ thấy mình khoẻ và kiên cường đến như vậy, có thể vì ngọn lửa hung dữ ở phía trước đe doạ cả cánh rừng, và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ ở phía sau tiếp cho tôi động lực hăng hái. Hành lang an toàn được tôi và anh em bộ đội, dân quân tự vệ nhanh chóng được tạo ra, chẳng có thời gian để nghỉ ngơi.” Đối mặt với cái nắng khốc liệt, lửa táp bỏng rát và có lúc cưa đứt tung xích, làm tay, chân ông bị thương vậy mà ông thậm chí không phát hiện ra. Vết cắt dài khoảng 7 – 8cm, khá sâu làm máu chảy tràn dưới chân nhưng ông cũng chỉ kịp xé vội cái túi áo, sau đó dùng chiếc khăn của một chiến sỹ bộ đội đưa cho băng tạm lại, rồi lại nối xích tiếp tục cưa, chiến đấu với giặc lửa không được chậm trễ giây phút nào. Sau khi vụ cháy kết thúc, bản thân ông Tiến cũng không còn nhớ đôi chân mình đã phải đi bộ bao nhiêu kilomet, lội qua bao nhiêu dốc rừng, chỉ thấy nơi nào còn cháy là ông lại vội đến dùng cưa máy để cùng bộ đội tạo đường băng cản lửa ngăn cách đám cháy, tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH triển khai các lăng phun nước, tạo bức tường ngăn ngọn lửa không để lan rộng, khống chế, ngăn chặn cháy lan các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất, nhà dân; hỗ trợ nhân dân kịp thời di dời tài sản ra nơi an toàn.

 

Suốt 3 ngày, 2 đêm, hàng nghìn con người với nỗ lực và quyết tâm đã chiến đấu với “giặc lửa” cứu rừng. Trong cơn bão lửa, có một người hùng đã thầm lặng đồng hành cùng với hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ Công an, bộ đội tỉnh Hà Tĩnh xuyên đêm chữa cháy để cứu lấy từng hecta rừng từ vòng vây biển lửa. Sau vụ cháy, người hùng cứu rừng Đậu Văn Tiến trở về cuộc sống thường nhật, gắn bó với ruộng đồng. Khi được những người dân gọi là người hùng, ông chỉ cười xòa lắc đầu: “Tôi có là người hùng gì đâu, trước giờ, trong làng, trong xóm có việc gì là tôi đều chạy ngay tới. Giúp đỡ bà con, xóm giềng, cùng nhau bảo vệ làng xóm, là việc nên làm của một người lính Cụ Hồ. Chỉ cần làm được việc là tôi làm, tôi cũng không mong chờ được biểu dương hay cảm ơn gì cả”. Ông Phạm Tiến Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết: “Bác Đậu Văn Tiến là một tấm gương quả cảm trong công tác chữa cháy rừng. Bác đã tiên phong cùng bộ đội tạo hàng nghìn mét đường băng cản lửa, hỗ trợ lực lượng PCCC chữa cháy rừng. Cảm phục công sức của bác, anh em chúng tôi gửi bác chút quà nhưng bác kiên quyết không hề nhận”. Ghi nhận những hành động của ông Đậu Văn Tiến, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có quyết định tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho ông vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng.■

 

Đình Hòa – Hồng Vân