Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc. Là thế nên có nhà văn đã viết một cách rất khái quát và đầy hình tượng: “…Từ trong đêm mờ xa xôi của lịch sử, hình ảnh cha ông ta, hình ảnh con người Việt Nam suốt hàng trăm thế hệ nối tiếp bao giờ cũng là hình ảnh một con người cầm vũ khí đứng lên trong cuộc chiến đấu trường kỳ và dữ dội để giành và giữ lấy quyền sống của mình…” Thực tế đã chứng minh qua những trang sử hào hùng của cha ông, mà mở đầu chính là hình ảnh của hai nữ vương Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Năm 40 (Canh Tý): Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Trưng Trắc, con quan Lạc tướng Mê Linh là vợ của Thi Sách, con quan Lạc tướng Chu Diên. Thái thú quận Giao chỉ do Nhà Hán cử sang là Tô Định đã giết chết Thi Sách. Để trả “thù chồng nợ nước”, Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị dấy binh đánh đuổi Tô Định chạy về nước. Các quận Cửu Chân (Thanh Hoá), Nhật Nam (Nghệ Tĩnh) và Hợp Phố (thuộc Quảng Đông, Trung Quốc) cũng nổi lên theo về với Hai Bà Trưng. Trưng Trắc lên ngôi và xưng danh Trưng Nữ vương, đóng đô ở Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã chấm dứt thời kỳ Phương Bắc đô hộ lần thứ nhất (năm 207 trước Công nguyên, năm 39).
Năm 544 (Giáp Tý): Nước Vạn Xuân ra đời. Trong thời kỳ phương Bắc đô hộ lần thứ hai (năm 430 – năm 543) có cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (tức Lý Bôn) chống lại ách thống trị của Nhà Lương vào tháng 1 năm 542 khiến Thứ sử Tiêu Tư phải bỏ chạy về nước. Tiếp đó Lý Bí lại 2 lần đánh thắng những cuộc phản công lớn của quân địch vào giữa năm 542 và đầu năm 543. Tháng 2 năm 544, đúng vào những ngày xuân Giáp Tý, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên, lập nên triều Tiền Lý.
Năm 1288 (Mậu Tý): Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3. Sau những thất bại nặng nề ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết, Vạn Kiếp vào năm 1285, Nguyên Thế Tổ (Hốt Tất Liệt) lại huy động trên 30 vạn quân mang theo 70 vạn thạch lương thực do Thái tử Thoát Hoan thống lĩnh ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta vào mùa đông năm 1287. Sau những trận chiến ở Vũ Cao, Đa Mỗ và Vân Đồn (với chiến tích cướp thuyền lương giặc của danh tướng Trần Khánh Dư để đoái công chuộc tội), cuộc quyết chiến chiến lược xảy ra trên sông Bạch Đằng vào tháng 3 năm 1288. Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã sai Nguyễn Khoái bí mật đóng cọc bịt sắt dưới lòng sông ở khu vực Bến Đò Rừng (Yên Hưng, Quảng Ninh). Dụ cho thuyền địch đuổi theo và sa vào trận địa cọc khi triều xuống, quân ta đã đánh tan quân địch, bắt sống Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc… Thoát Hoan khiếp đảm từ Vạn Kiếp theo đường bộ trốn chạy về nước. Cuộc kháng chiến đã thắng lợi hoàn toàn sau không đầy nửa năm. Trở về kinh thành, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần hành lễ bái yết tại Chiêu Lăng (Lăng vua Trần Thái Tông). Nhìn thấy vết bùn dưới chân ngựa đá, Trần Nhân Tông đã xúc cảm viết những câu thơ nổi tiếng:
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu
(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng).
Năm 1300 (Canh Tý): Hưng Đạo Đại vương từ trần. Danh tướng Trần Quốc Tuấn sinh ngày 10/12/1228 (Mậu Tý) là con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu. Ngài đã vượt lên mâu thuẫn trong hoàng tộc (bị ép phải nhường vợ là Thuận Thiên công chúa cho em là Trần Cảnh tức Trần Thái Tông, Trần Liễu đã nổi loạn và chút nữa bị Trần Thủ Độ chém chết), đặt lợi ích của tổ quốc và dân tộc lên trên hết. Ngài đóng vai trò rất quan trọng trong ba cuộc kháng chiến chống xâm lược, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và 3. Ngài mất ngày 20/8/1300 được truy tặng tước Thái sư Thượng phụ Quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương. Cùng với những chiến tích lẫy lừng, Hưng Đạo Đại Vương còn được lịch sử ghi nhận với động thái hoà giải, vừa chân tình vừa khéo léo (tự tay tắm gội cho Thái sư Trần Quang Khải, rút gươm kể tội con thứ là Trần Quốc Tảng), với lời nói khẳng khái trả lời Trần Nhân Tông vào những thời điểm nguy nan năm 1285 “Bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã”, với lời trăng trối tâm huyết khi Trần Anh Tông vào thăm (“Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc; đó là thượng sách giữ nước”). Ngài là tác giả của Hịch tướng sĩ văn, một áng hùng văn nổi tiếng; Binh thư yếu lược, tác phẩm đầu tiên về quân sự của Việt Nam và Vạn Kiếp bí truyền.
Năm 1408 (Mậu Tý): Chiến thắng Bồ Cô. Năm 1407 lấy cớ trừng phạt nhà Hồ tiếm ngôi Nhà Trần, đại quân Nhà Minh đã tiến vào xâm lược nước ta. Sau khi đánh bại, cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, nhà Minh thiết lập chế độ cai trị, chia nước ta thành 17 phủ. Con thứ Trần Nghệ Tông là Trần Quỹ xưng là Giản Định Đế, lập nên Nhà Hậu Trần, khởi binh chống xâm lược. Tháng chạp năm 1408, Giản Định Đế trực tiếp chỉ huy quân sĩ đánh tan quân Minh do Mộc Thạch chỉ huy tại bến Bồ Cô. Tuy vậy do mâu thuẫn nội bộ mà Nhà Hậu Trần không hoàn thành được sự nghiệp giải phóng đất nước và bị diệt vào năm 1413. Sự nghiệp này đạt được nhờ vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Bình Định Vương Lê Lợi lãnh đạo (1418 – 1427).
Năm 1792 (Nhâm Tý): Hoàng đế Quang Trung băng hà. Người anh hùng áo vải Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào cuối năm 1788, trước khi tiến hành đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh. Đáng tiếc là bị bạo bệnh nên Ngài đã băng hà vào ngày 29/7 năm Nhâm Tý, hưởng thọ 41 tuổi, để lại một sự nghiệp kỳ vĩ với bao dự kiến còn dang dở.
Năm 1948 (Mậu Tý): Chiến dịch Việt Bắc thắng lợi. Năm 1948, thực dân Pháp huy động một lực lượng lớn thuỷ bộ binh đánh lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Quân dân ta đã mưu trí dũng cảm phá tan âm mưu này với những chiến công lừng lẫy ở Sông Lô, Đoan Hùng.
Năm Canh Tý (1960): Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động tết trồng cây. Mùa Xuân năm 1960, Bác Hồ đã khởi xướng Tết trồng cây với hai câu thơ sau: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Để cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Năm 1972 (Nhâm Tý): Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”. Sau 4 năm đàm phán tại Hội nghị Pari về Việt Nam, Dự thảo Hiệp định hoà bình đã hoàn thành vào ngày 20/10/1972 và dự định ký tắt sau đó một tuần. Nhưng trong một nỗ lực tuyệt vọng, phía Mỹ yêu cầu đàm phán lại và ngày 18/12/1972 Mỹ cho máy bay chiến lược B52 ồ ạt ném bom rải thảm Miền Bắc, tập trung vào Hà Nội và Hải Phòng. Cuộc tập kích này đã thất bại nặng nề sau 12 ngày đêm. Mỹ phải ngừng ném bom và buộc phải trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được chính thức ký kết.
Chiến tranh là một thử thách to lớn đối với một dân tộc, nhưng chiến tranh cũng là những ngọn “lửa thử vàng” để tinh thần khí phách của dân tộc đó “đứng dậy và cất tiếng nói”. Với dân tộc Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một đúc kết rất chính xác: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh, “Báo cáo chính trị” tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam ngày 11/2/1951)./.
Phương Nhung (Tổng hợp)