Bỏ lại đằng sau những tháng ngày làm việc căng thẳng, đi qua cổng làng, mùa Xuân như ở ngay trước mắt. Những ngôi làng cổ thanh bình với không gian yên ả vẫn là chốn dừng chân thích hợp nhất cho bạn khi muốn “trốn” khỏi sự náo nhiệt chốn đô thị.
Ít ai biết rằng ở Thủ đô Hà Nội có một ngôi làng hơn 500 tuổi với những biệt thự Việt cổ pha lẫn kiến trúc Pháp rất độc. Đó chính là làng Cựu nằm tại xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía Nam, dọc theo dòng Nhuệ Giang, bất cứ ai vào làng Cựu đều như lạc vào một ngôi làng nào lạ lẫm lắm. Ở đây, những ngôi nhà hiện đại gần như không có, ta chỉ bắt gặp những ngôi nhà nửa tráng lệ nửa bình dân, nửa hào hoa phố xá nửa mộc mạc, thôn quê. Những sự pha trộn ấy hiển hiện rõ rệt nửa lạ nửa quen khiến người ta không khỏi thắc mắc lẫn thán phục. Những cánh cổng nhà xưa cũ quay ra mặt đường với hoa văn, họa tiết cổ. Hỏi ra mới biết, đó là thứ pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ. Có những căn biệt thự lối ngõ thênh thang, lát đá tảng xanh, hai tòa nhà ở hai bên nối với nhau bằng cầu bê tông uốn lượn, cổng được trang trí sơn thủy hữu tình, mang dáng dấp của một doanh nhân thời trước. Một ngôi biệt thự khác lại thấp thóang bóng dáng đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to, nền nhà tôn cao, sân thấp mà rộng, tòa ngang dãy dọc như ở chốn “tam cung lục viện”. Đi từ đầu đến cuối làng, mỗi con ngõ nhỏ sâu hun hút là mỗi bí mật của kiến trúc. Đường trong ngõ là đá hộp xanh bóng nhẵn, phẳng lì. Ngõ nhỏ thôi nhưng không bí như những nơi khác, mà ngược lại rất thoáng và mát bởi những ô văng cửa sổ, nhà bên thò ra đủ cao để che đi cái nắng. Người cao tuổi trong thôn Cựu cho hay, làng Cựu cổ kính đã có cách đây trên 500 năm. Làng vốn thờ một vị tướng nhà Trần chuyên dạy hổ. Sinh nghề, tử nghiệp nên vị tướng ấy cuối cùng bị chính con hổ mà mình đang dạy cắn chết. Chỗ hổ tha xác về là mộ vị tướng xấu số ấy. Có lẽ thế nên nhiều nhà nghiên cứu đã về đây khảo cứu tài liệu.
Cổng làng Cựu đã khiến nhiều chuyên gia đáng kính phải thốt lên rằng đó là cổng làng đẹp nhất Việt Nam. Cổng được quét ve vàng từ xưa, nay đã bạc màu, có chỗ loen đen theo mảng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cổng làng Cựu cổ mà không hẳn cổ, hiện đại mà không hẳn hiện đại. Nó giống như một cổng trường thành không phải để ngăn mà để hút người ta vào bên trong. Cổng xây kiểu tam quan nhà chùa nhưng vít 2 cửa cạnh tạo một cửa giữa rộng rãi mái vòm. Phía trên đôi kỳ lân cùng hai con chó giữ cổng. Phía mặt trong cổng có nậm rượu, nụ hoa điểm xuyết rất lạ cùng những hàng chữ Nho mực đen đã nhạt màu. Ở hữu làng Cựu có cổng và những ngôi nhà biệt thự vì hơn trăm năm trước, một nửa làng bị cháy thành tro. Theo thống kê cả làng Cựu bây giờ còn khoảng 20 ngôi biệt thự cổ. Số còn lại hoặc đã chỉnh trang thành nhà ở hiện đại hoặc bỏ không như nhà hoang. Đi qua thời gian, những ngôi nhà ấy không thể tránh khỏi rêu phong tàn phá, nhưng đường nét kiến trúc tinh tế vẫn gần như nguyên vẹn.
Cách Hà Nội khoảng 44km, làng cổ Đường Lâm được mệnh danh là một trong những ngôi làng cổ nhất miền Bắc. Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan cổ kính và thâm trầm. Bước qua cổng làng, du khách như bị cuốn theo vẻ thanh bình ở nơi đây. Những con đường lát gạch hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm, tạo nên cảm giác ấm cúng và nét đẹp rất riêng mà không nơi đâu có được. Ngôi làng này được gọi là làng đá ong. Đi tới đâu cũng có thể thấy những ngôi nhà được xây dựng bằng loại đá này. Khi xưa, người dân ở đây xây dựng nhà, họ đã đào lên những lớp đá ong dưới lòng đất để xây nên những ngôi nhà cổ như ngày nay.
Ngay giữa làng chính là Đình Làng Mông Phụ. Ngôi đình đã được xây dựng cách đây 380 năm, rộng 1800m2, mang đậm nét kiến trúc Việt – Mường, mô phỏng kiến trúc của nhà sàn với sàn gỗ cách đất. Phía bên trong đình có treo rất nhiều hoành phi câu đối nổi bật. Cụ Phan Văn Tích kể lại rằng những tác phẩm điêu khắc độc đáo, tinh vi trong đình là của cụ Mục Hùng, một người thợ cả tài hoa, có bộ óc sáng tạo và đôi bàn tay vàng, ông đã có công trực tiếp vẽ mẫu và hướng dẫn nhóm thợ mộc làng Mía xây dựng ngôi Đình này. Có thể nói, đình Mông Phụ chính là tinh hoa của kiến trúc Việt, tạo nên một ngôi Đình không giống với bất kỳ ngôi Đình ở nơi nào khác.
Trong làng có nhiều ngôi nhà cổ, tiêu biểu như nhà cổ Bà Điền. Ngay khi vừa bước vào, một lối kiến trúc cổ xưa đã hiện ra ngay trước mắt. Ngôi nhà này đã có tuổi đời 200 năm với nhiều giá trị lịch sử. Cách đó không xa là nhà cổ ông Hùng , ngôi nhà lâu đời nhất làng Mông Phụ. Ngôi nhà này đã được xây dựng từ năm 1649, cho tới nay đã gần 400 năm với 12 đời sinh sống ở đây. Đón du khách là chiếc cổng cổ được xây bằng chất liệu đất đá, bã chấu, bùn để tạo chất kết dính. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 dĩ, 3 gian giữa là nơi để thờ cúng tổ tiên bên cạnh bài trí là bộ trường kỷ dùng để tiếp khách, 2 gian bên cạnh dùng làm phòng để ngủ, hệ thống cửa cánh phố ở chính giữa ngôi nhà. Phía bên ngoài sân là những vườn cây, khóm hoa, chum rượu đặc trưng tạo nên một khung cảnh rất yên bình. Cho tới nay, ngôi nhà vẫn được bảo tồn hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc Việt.
Tọa lạc tại xóm Xui, thôn Mông Phụ, ngôi nhà của ông Thể gồm 7 gian được gắn kết theo lối cổ truyền. Căn nhà được xây dựng hoàn toàn dùng mộng, không sử dụng đinh sắt. Ngôi nhà nay đã trải qua 14 đời sinh sống ở đây và đặc biệt nổi tiếng với nghề làm tương. Ngay khi bước chân vào sân nhà, đã có một mùi tương rất thơm phảng phất, cùng với đó là những chum tương được xếp san sát nhau ở sân. Ở gian nhà ngang phía xa là những dụng cụ để xay ngô cùng với những khóm ngô được treo lên thanh ngang hệt như ngôi nhà trên vùng núi Bắc Bộ. Khi đến đây, khó lòng cưỡng lại được mùi vị đặc trưng của loại tương gạo này và ngoài ra cũng có rất nhiều chum đựng rượu truyền thống với những loại rượu hạ thổ rất lâu đời. Du khách có thể mua tương và rượu về làm quà.
Làng Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, huyện Thanh Oai vốn nổi tiếng với hương vị giò chả ngon trứ danh. Tuy nhiên, nếu có dịp ghé thăm ngôi làng cổ này, thứ khiến người ta choáng ngợp và bị mê hoặc đầu tiên phải kể đến nét kiến trúc mang đậm dấu ấn thời gian.
Nổi tiếng với chiếc cổng làng chứa đựng cả tinh hoa hồn Việt. Đến Ước Lễ, thứ đầu tiên thu vào tầm mắt bạn chính là chiếc cầu cong cong rộng hơn 2m, dài khoảng 10m bắc qua con mương khá rộng dẫn vào làng. Kế đó, du khách sẽ được chào đón bởi chiếc cổng mang đậm dấu ấn Việt với lối vòm truyền thống, có sự gắn kết của những viên gạch đỏ vững chãi cùng vòm mái cong vút như lân. Trên gác cổng làng có treo bức đại tự: “Mỹ Tục Khả Phong” nghĩa là Phong tục đẹp được ban tặng. Tương truyền, danh hiệu cao quý này được vua Tự Đức thứ 33 ban tặng cho ngôi làng Ước Lễ. Không mang dáng vẻ tấp nập, làng nghề hóa như nhiều làng cổ khác, Ước Lễ vẫn giữ cho mình nét thanh bình, vắng vẻ, đậm hồn quê như một thời xa vắng. Có lẽ cũng bởi vậy nên ngôi làng giò chả này không được nhiều người biết đến. Không chỉ cổng làng, những ngôi nhà, khu chợ với kiến trúc cổ xưa vẫn tồn tại hiên ngang như minh chứng rõ nét nhất về lịch sử huy hoàng của vùng đất lịch sử./.
Phương Nhung