Để phòng ngừa dịch Covid – 19, các gia đình mua nước sát khuẩn cho trẻ nhỏ dùng, nhưng trẻ vừa dùng nước sát khuẩn xong đã lấy tay bốc thức ăn. Điều này vô hình gây hại đối với trẻ mà các gia đình không biết đến.
Nước sát khuẩn có chứa cồn, có thể ảnh hưởng đến da trẻ
Thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm: Ethanol (cồn) có khả năng sát trùng phải đạt 60-70 độ trở lên; Deionized Water (nước tinh khiết); Sodium Lactate (chất hút ẩm); Fragrance (hương liệu tạo mùi/tinh dầu làm thơm); Benzalkonium Chloride (chất diệt khuẩn).
Trong đó chất cồn, chất giữ ẩm, tạo mùi, bảo quản, diệt khuẩn… là những chất không được nuốt.
Phản ứng gây hại của các chất này có thể biểu hiện khác nhau tùy vào mức độ dung nạp của mỗi người và tổng liều tích lũy, từ rối loạn tiêu hóa, viêm kết mạc cho đến suy hô hấp, rối loạn nội tiết, tác hại trên hệ sinh sản, gây ung thư…
Riêng cồn còn làm khô da tay, khiến cho da tay có thể bị bong tróc, căng cứng. Ở trẻ, lượng cồn trong nước rửa tay khô có thể làm bàn tay trẻ bị rát, kích ứng, mẩn ngứa và có thể hình thành bệnh dị ứng, viêm da.
Cạnh đó, hầu hết các loại dung dịch rửa tay nhanh đều có các chất hóa học tạo mùi nhân tạo, có thể gây các phản ứng dị ứng, viêm da, suy hô hấp, rối loạn nội tiết và tác động tiêu cực đến hệ sinh sản; ngoài ra còn làm tăng khả năng hấp thụ BPA, một chất hóa học rất nguy hiểm gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết dẫn đến ung thư.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các gia đình nên cho trẻ rửa tay thường xuyên với nước và dung dịch tẩy rửa thích hợp cho da mà trẻ đã quen dùng.
Trường hợp trẻ dùng nước rửa tay khô và bị khô da hoặc viêm da tiếp xúc thì ngưng dùng ngay, chăm sóc dưỡng ẩm da hoặc đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Lưu ý các gia đình không nên chủ quan là trẻ đã dùng nước rửa tay khô thì an toàn, vì thực tế sau khi cồn đã bốc hơi, các chất bám trên da tay có thể là môi trường trung gian hút bám các yếu tố gây hại nếu trẻ vô tình chạm phải các bề mặt bị nhiễm.
Theo Báo phụ nữ sức khỏe