Nhiều trạm phát sóng mạng 5G tại Anh đã bị người dân đốt phá sau khi xuất hiện thuyết âm mưu trên mạng xã hội rằng đây là nguồn phát tán và lây lan Virus Covid-19 tại Anh.
Ít nhất 3 trạm phát sóng mạng 5G tại vùng Merseyside (Tây Bắc nước Anh) đã bị đốt phá vào tuần trước buộc lực lượng chữa cháy phải có mặt để dập lửa. Nhà mạng Vodafone UK của Anh cũng xác nhận rằng 4 trạm phát sóng di động của hãng cũng đã trở thành mục tiêu nhắm đến của những kẻ phá hoại, trong đó một trạm phát sóng của nhà mạng EE cũng đã bị đốt phá.
Cảnh sát Anh hiện đã mở một cuộc điều tra về hành vi phá hoại và đốt phát nhằm vào các trạm phát sóng 5G tại Anh.
Một trạm phát sóng mạng 5G tại thành phố Birmingham (Anh) bị đốt phá.
Nguyên do của hành vi phá hoại này được cho là bắt nguồn từ những tin đồn và thuyết âm mưu được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Nextdoor và Facebook tại Anh, khi nhiều người cho rằng có sự liên quan giữa mạng 5G và sự lây lan nhanh chóng của Virus Covid-19 tại Anh. Các thông trên mạng xã hội cũng khẳng định rằng mạng 5G là có hại cho người dùng.
Một giả thuyết được nhiều người dùng mạng xã hội tại Anh tin tưởng đó là Virus Corona mới được bắt nguồn tử Vũ Hán vì thành phố của Trung Quốc mới triển khai mạng 5G trong thời gian gần đây và sau đó đã lây lan sang các thành phố khác cũng sử dụng mạng 5G. Tuy nhiên, thuyết âm mưu này lại không nhắc đến việc Virus Covid-19 cũng đang lây lan nhanh chóng ở những quốc gia chưa triển khai mạng 5G như Iran hay Nhật Bản…
Dĩ nhiên, không có bằng chứng khoa học nào về sự liên quan giữa đại dịch do Covid-19 gây ra và mạng 5G cũng như không có sự ảnh hưởng tiêu cực nào của mạng 5G đối với sức khỏe của con người. Mạng 5G sử dụng tần số sóng vô tuyến cao hơn so với mạng 4G và 3G, nhưng các cơ quan quản lý tại Anh đã xác nhận mức bức xạ điện từ do mạng 5G gây ra thấp hơn mức cho phép về tiêu chuẩn an toàn của người tiếp xúc, nghĩa là hoàn toàn không ảnh hưởng đến người tiếp xúc.
Tuy nhiên, thực tế này không đủ để ngăn chặn những thuyết âm mưu và tin tức giả mạo gây hoang mang về mạng 5G được lan rộng trên mạng xã hội tại Anh. Một số người thậm chí còn ngăn chặn các công nhân lắp đặt cáp quang để cài đặt mạng 5G và tuyên bố rằng khi mạng 5G phát sóng sẽ “giết chết tất cả mọi người”.
Các nhà mạng tại Anh khẳng định rằng những cuộc tấn công nhằm vào các trạm phát sóng mạng 5G là một hành vi làm suy yếu an ninh quốc gia. Những cuộc tấn công này cũng đã làm ảnh hưởng đến dịch vụ mạng di động và các dịch vụ khẩn cấp của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, trong bối cảnh nước Anh đang phải “gồng mình” để chống lại sự lây lan của Virus Corona gây ra trên toàn quốc.
“Những người phá hoại đã thực hiện một loạt vụ tấn công tàn phá nhằm vào các trạm phát sóng mạng di động trong thời gian quốc gia đang bị khủng hoảng như hiện nay. Đây là một vấn đề an ninh quốc gia. Lực lượng Cảnh sát và chống khủng bố đang điều tra vụ việc”, CEO Nick Jeffery của hãng Viễn thông Vodafone UK cho biết.
Bộ Kỹ thuật số, văn hoá, truyền thông và thể thao (DCMS) của Chính phủ Anh đã phải lên tiếng bác bỏ các tin tức giả mạo và thuyết âm mưu gắn dịch bệnh do Virus Corona gây ra với mạng 5G, đồng thời kêu gọi các mạng xã hội phải kiểm soát hơn nữa sự lan truyền của các thông tin sai lệch.
Được biết nguồn gốc của tin tức giả mạo và thuyết âm mưu sai lệch này được bắt nguồn từ một nhóm Facebook, với lời kêu gọi mọi người đốt trạm phát sóng Facebook. Cơ quan chức năng Anh sau đó đã yêu cầu Facebook xóa bỏ nhóm này, nhưng trước khi nhóm bị xóa khỏi Facebook, những tin tức giả mạo do nhóm này phát tán đã được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội tại Anh, gây nên những vụ đốt phá trạm phát sóng mạng 5G và cả những trạm phát sóng mạng di động thông thường khác.
Sự việc một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng và nguy hiểm của những tin tức giả mạo và không được kiểm chứng khi phát tán trên mạng xã hội và được một bộ phận người dùng mạng xã hội nhẹ dạ cả tin nghe theo và thực hiện theo những lời xúi giục. Do vậy, người sử dụng mạng xã hội phải luôn thực sự tỉnh táo, không chia sẻ những nội dung chưa được kiểm chứng để tránh tiếp tay cho việc phát tán các tin tức giả mạo trên môi trường mạng xã hội./.
THU HÀ
(Theo The Verge/RT)