Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Song song với việc tập trung chống dịch thì công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, trong đó có phòng chống cháy, nổ là việc làm hết sức cần thiết. Nếu cháy, nổ xảy ra sẽ khiến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội diễn biến phức tạp hơn nữa.
Mỗi gia đình cần trang bị những dụng cụ chữa cháy cần thiết.
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn dân thực hiện cách ly toàn xã hội phòng, chống dịch bệnh trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 01/4/2020; vì vậy, nhu cầu dùng thiết bị điện tử để để sử dụng các dịch vụ trực tuyến như: học online, video call hay mua sắm online của người dân tăng mạnh. Cùng với điều kiện thời tiết cực đoan: oi bức, nắng nóng ở miền Nam, nhiệt độ giảm lạnh sâu ở miền Bắc, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như: điều hoà, quạt máy, tủ lạnh… tăng đột biến từ 30 – 50%. Đã có nhiều hộ gia đình trang bị thêm các thiết bị điện này mà quên tính toán đến sự an toàn của mạng lưới điện trong gia đình nên dễ dẫn đến hiện tượng quá tải, chập mạch, làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy, nổ. Hơn nữa, ý thức PCCC nói chung và ý thức an toàn PCCC trong sử dụng điện nói riêng của đa số người dân còn chưa cao. Người dân cũng thường có tâm lý chủ quan, thường câu móc, đấu nối điện tùy tiện, cứ cần thêm một ổ cắm là cắt dây ở bất cứ đâu để nối vào dẫn đến nguy cơ đường dây bị quá tải và có khả năng gây chập cháy.
Trên thực tế, tình trạng này khá phổ biến, người sử dụng thiết bị tiêu thụ điện khi có nhu cầu đã tự ý cơi nới, lắp thêm nhiều các thiết bị nhưng không thay thế dây dẫn điện có khả năng truyền tải cao hơn. Hơn nữa, các thiết bị điện lâu năm đã bị lão hóa thường không được kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế kịp thời. Vì các lí do trên, các vụ cháy, nổ do sử dụng điện tại hộ gia đình vào trong tình hình dịch COVID-19 luôn có thể xảy ra và có xu hướng gia tăng nếu như người dân lơ là, mất cảnh giác.
Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy có thể xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục chủ động nắm tình hình điều tra cơ bản về PCCC&CNCH tại các khu dân cư để phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng có phương án phòng, chống cháy hiệu quả; đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân tích cực tham gia PCCC, tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp an toàn PCCC trong sử dụng điện tại hộ gia đình trong đợt dịch COVID-19. Tập trung lực lượng, phương tiện thường trực chiến đấu 24/24 giờ kịp thời ứng phó, xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ; không để xảy ra cháy lớn, góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân.
Từng hộ gia đình, từng người dân phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng cháy, nổ do điện: khi câu mắc, lắp đặt thêm thiết bị điện có công suất lớn, phải nhờ người có chuyên môn thực hiện; rút phích cắm của các thiết bị điện khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng; thường xuyên kiểm tra, thay thế các dây dẫn, thiết bị điện đã cũ. Mỗi hộ dân cũng nên trang bị 1 đến 2 bình chữa cháy xách tay đảm bảo chất lượng. Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số 114 và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa, cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện…/.
VĂN LONG
(Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Kon Tum)