Chiều 06/4/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của Virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra để bàn về công tác phòng, chống dịch. Dự cuộc họp, về phía Bộ Công an có Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Công an về phòng, chống dịch bệnh.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, có tín hiệu tích cực trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ít, số ca ra viện tăng và trong xã hội xuất hiện nhiều tấm gương tương thân, tương ái. Chỉ thị số 15 và số 16 đã làm cho cuộc sống của người dân thay đổi. Ở giai đoạn này, sự chấp hành của người dân là yếu tố quan trọng nhất. Thời gian qua, người dân đã tuân thủ tốt, nhờ đó, công tác chống dịch đạt một số kết quả tích cực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
Đặt vấn đề về việc tiếp tục các Chỉ thị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ nay đến ngày 15/4/2020, cần tiếp tục tập trung thực hiện giải pháp đưa ra, không được chủ quan, không để vấp phải sai lầm do chủ quan, coi thường, nhất là khi xảy ra việc tái nhiễm ở một số nơi trên thế giới…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trên thế giới ghi nhận hơn 1,23 triệu người mắc tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, có gần 70.000 người tử vong. Tại Việt Nam (tính đến 12 giờ ngày 06/4/2020) ghi nhận 241 ca mắc với 150 người từ các ổ dịch nước ngoài (chiếm trên 62% số người mắc) và 91 người lây nhiễm thứ phát; có 91/241 trường hợp đã khỏi bệnh…
Toàn cảnh cuộc họp tại trụ sở Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nêu rõ, thực hiện yêu cầu về việc phát hiện, xử lý, đấu tranh các đối tượng có hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và vi phạm pháp luật, trong thời gian qua, Công an các địa phương đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm. Trong đó, nhiều địa phương đã xử lý hết sức kịp thời, kiên quyết, phục vụ yêu cầu tuyên truyền, giáo dục và răn đe. Không chỉ xử phạt vi phạm hành chính ở lĩnh vực y tế mà cả ở lĩnh vực hình sự; đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật. Một số địa phương như: Công an các tỉnh, Thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Dương… đã vào cuộc hết sức khẩn trương, nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.
Đề cập đến vấn đề các vụ tụ tập đông người, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc cần phải xử lý hành vi này vì đã vi phạm nghiêm trọng quy định về y tế phòng, chống dịch và cụ thể là Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần đặt ra trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 là tụ tập đông người dưới các hình thức cần phải được phát hiện và xử lý…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát quản lý theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” và tiến tới rà soát từng đối tượng…Qua công tác rà soát, vấn đề quản lý người nước ngoài trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới là yêu cầu đặt ra hết sức nghiêm ngặt, có nhiều kẽ hở cần phải khắc phục. Thực tế cho thấy, do nhu cầu, quy luật, số người nước ngoài sau khi nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều hình thức, họ cũng có quan hệ tiếp xúc, gặp gỡ nhau. Vì vậy, chúng ta cần phải tính toán để quản lý tốt người nước ngoài, không để dịch bệnh lây lan…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, trong hai ngày vừa qua, với những kết quả trong công tác phòng, chống dịch, nhân dân và các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ rất vui mừng, phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ là sự cần thiết trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, nhân dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơi lỏng, tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng cho biết, Bộ Công an đang tập trung mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm để bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4)…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các y, bác sỹ, lực lượng Quân đội, Công an, Truyền thông và thông tin… đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; đặc biệt biểu dương việc triển khai Chỉ thị số 16 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất có hiệu quả, nhất là Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước đã có phương án triển khai, hưởng ứng chủ trương thực hiện cách ly toàn xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; biểu dương những tấm lòng nhân ái, gương người tốt, việc tốt, nhường cơm xẻ áo để hỗ trợ cho những người khó khăn, những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch… Có thể khẳng định, kết quả tích cực này chính là sức mạnh của trên dưới một lòng, anh em, đồng chí, đoàn kết, người dân góp công, góp sức cùng với Nhà nước trong cuộc chiến chống đại dịch ở nước ta. Đây là thử thách rất lớn để dân tộc ta, đất nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện được các nhiệm vụ lớn lao hơn trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn quốc phòng – an ninh, đối ngoại của đất nước.
Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không được chủ quan trước kết quả ban đầu, không được say sưa với chiến thắng bước đầu mà bỏ lửng những nhiệm vụ trong thời gian tới. Dịch bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Nhiều quốc gia đang phải hứng chịu sự bùng phát của dịch bệnh giai đoạn 2. Vì vậy, để bảo toàn lực lượng và kết quả chống dịch, ngăn chặn và xử lý từ xa và ngay trong cộng đồng, các ý kiến tại cuộc họp cũng như các tỉnh, thành phố lớn đều thống nhất là cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm, tốt hơn nữa Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, để giữ vững thế chủ động chống dịch.
Chiến lược phòng, chống hiện nay trong giai đoạn 3 là cách ly xã hội, tìm kiếm ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hay nói cách khác là khóa dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, tích cực điều trị cho những người mắc bệnh nhằm hạn chế tối đa tử vong. Vì vậy, từ nay đến ngày 15/4/2020, cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương, ngành Y tế cần bám sát tình hình, chuẩn bị nhanh tất cả các kịch bản, các giải pháp để chuẩn bị cho làn sóng thứ 2 lây nhiễm COVID-19 mà nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản… đang phải đối phó rất vất vả tại nước mình, thậm chí họ phải tuyên bố biện pháp mạnh hơn. Kinh nghiệm từ những nước đó cũng là bài học cho chúng ta không được chủ quan, coi thường đối với làn sóng thứ 2 của dịch bệnh… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị tích cực triển khai mạnh mẽ các giải pháp đến ngày 15/4/2020. Bên cạnh thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý việc chuẩn bị chương trình toàn diện phục hồi kinh tế…/.
Theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an