Ngày 09/04/2020 tại một kho chứa hạt điều của Công ty Cổ phần Thành Chí thuộc KCN Phú Mỹ I, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xảy ra một vụ cháy nghiêm trọng khiến cho hơn 30 cán bộ, chiến sĩ bị thương trong quá trình chữa cháy. Theo các đồng chí lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm trong công tác PCCC&CNCH thì đây là tình huống đầu tiên lực lượng PCCC&CNCH của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu gặp phải khi chữa cháy kho hàng chứa toàn hạt điều. Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh cũng đã xảy ra một vụ cháy tại cơ sở sản xuất và chế biến hạt điều khiến hàng chục cán bộ, chiến sỹ bị thương trong quá trình chữa cháy. Qua những vụ cháy này, lực lượng chữa cháy đã rút ra những bài học kinh nghiệm và một số vấn đề cần lưu ý khi chữa cháy tại cơ sở này.
Vụ cháy xảy ra tại một kho chứa hạt điều của Công ty Cổ phần Thành Chí thuộc KCN Phú Mỹ I.
Điều hay còn gọi là Đào lộn hột, tên tiếng Anh là Cashew là một loại cây công nghiệp dài ngày thuộc họ xoài. Ở Việt Nam đây là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được trồng phổ biến tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, những tỉnh trồng với diện tích lớn là Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Định, Bình Thuận. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có sản lượng điều nhân xuất khẩu ra thị trường thế giới nhiều nhất với sản lượng hơn 450.000 tấn phân bố tại các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một vài tỉnh miền Tây với hơn 450 doanh nghiệp lớn và hơn 1.000 cơ sở, doanh nghiệp nhỏ lẻ sản xuất, chế biến hạt điều.
Dầu vỏ hạt điều thô chứa hỗn hợp các alkyl phenol tự nhiên với thành phần hóa học chính được xác định gồm anacacdic acid (70%), cardol (18%), 2metylcacdol, cacdanol (5%) và các polyme của chúng.
Trong thành phần của dầu điều đáng chú ý là Anacardic acid. Acid anacardic là những hợp chất phenolic dạng lỏng màu vàng, là một hỗn hợp của một số chất hữu cơ liên quan chặt chẽ, bao gồm một salicylic acid thay thế bằng một chuỗi ankyl có 15 hoặc 17 nguyên tử carbon. Nhóm hidrocacbon có thể bão hòa hoặc không bão hòa. Anacardic acid được sử dụng trong ngành hóa chất sản xuất cardanol dùng điều chế nhựa, sơn và vật liệu ma sát.
Vỏ hạt điều là chất dễ cháy, khi cháy có nhiệt lượng cao lên đến 4800 Kcal thường được sử dụng làm chất đốt thay thế các loại chất đốt khác như than đá, củi, trấu… do trong vỏ hạt điều có chứa một lượng lớn dầu thô (chiếm 30–35% trọng lượng vỏ). Dầu vỏ hạt điều (Cashew nut shell liquid – CNSL) là sản phẩm được chiết suất, ép từ vỏ hạt điều. Dầu vỏ hạt điều (CNSL) là một chất lỏng nhớt màu nâu đỏ, gây bỏng, rát da khi tiếp xúc, pH vào khoảng 5,5-6,5.
Khi cháy ở nhiệt độ từ 2000C – 3000C thì các hợp chất có bên trong vỏ hạt điều sẽ chuyển hoá thành các hợp chất phenolic có màu nâu sẫm, có tính độc, gây ngứa, rộp da. Cardanol là một phenol tự nhiên thu được từ axit anacardic, thành phần chính của dầu vỏ hạt điều. Dầu Cardanol có hiệu quả cao chống ăn mòn cho kim loại và được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp.
Axit anacardic có trong vỏ hạt điều là chất có thể gây bỏng và ăn mòn da. Khi tiếp xúc với các bộ phận trên cơ thể như da, móng tay, tóc nhanh chóng làm vón đông các protein trên da và hút nước của tế bào, khiến da bị bỏng, gây những tổn thương nặng nề. Những vùng da bị ảnh hưởng có thể nhỏ hoặc lớn tùy theo diện tích tiếp xúc, thời gian tiếp xúc và nồng độ axit. Trong các trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, vỏ hạt điều cháy sản sinh ra nhiều khói khí độc như CO, Cx Hy (các hydrocarbon) gây nguy hại cho sức khỏe của con người và môi trường khiến không khí và nguồn nước xung quanh đám cháy bị ô nhiễm bởi các hơi khí độc. Chất fenol có trong dầu vỏ hạt điều, là một chất độc trong môi trường nước và cả trong môi trường không khí, nó có mặt trong khói khi đốt vỏ hạt điều có khả năng gây ung thư.
Để đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ PCCC khi tham gia chữa cháy đối với những loại hình cơ sở sản xuất, bảo quản và chế biến hạt điều, chúng ta cần lưu ý một số nội dung như sau:
Khi tham gia chữa cháy loại hình cơ sở này, cán bộ, chiến sỹ cần được trang bị quần áo chữa cháy chống thấm nước, đi ủng chữa cháy hoặc giày chữa cháy cao cổ và mặt nạ phòng độc nhằm hạn chế tối đa dầu điều, axit có trong vỏ hạt điều bắn vào người gây bỏng; khói khí độc trong đám cháy ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp.
Ngoài ra, do nhiệt độ đám cháy của dầu điều có trong vỏ hạt điều thô rất cao, tiệm cận với nhiệt độ đám cháy xăng dầu nên phải sử dụng những bộ quần áo chữa cháy cách nhiệt tốt.
Đối với đám cháy cơ sở chế biến và sản xuất hạt điều có tạo ra dầu và axit ở nhiệt độ rất cao, khi phun nước trực tiếp vào đám cháy dẫn tới dầu cháy theo nước chảy loang dẫn tới nguy cơ cháy lan cao. Quá trình này còn khiến dầu và axit có trong vỏ hạt điều bị cháy văng ra xung quanh gây nguy hiểm cho cán bộ chiến sỹ khi làm nhiệm vụ và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Vì vậy cần cần kết hợp sử dụng chất chữa cháy là bọt có bội số nở trung bình hoặc thấp và nước chữa cháy làm mát và chống cháy lan. Đồng thời, lực lượng chữa cháy cần lựa chọn hướng tấn công phù hợp và khoanh vùng hiện trường để có biện pháp thu gom nước sau khi phun vào đám cháy chảy ra ngoài có mang theo axit sinh ra trong quá trình vỏ hạt điều bị nung nóng và cháy.
Khi chữa cháy cần tổ chức triển khai các lăng phun mưa làm mát cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy để kịp thời rửa trôi axit bắn vào người gây nguy hiểm cho cán bộ, chiến sĩ. Các chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong khu vực nhà xưởng cần chú ý đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển tránh bị rơi, ngã vào những khu vực đang có axit chảy loang hoặc hạt điều đang cháy.
Khi cán bộ, chiến sĩ tiếp xúc với axit trong quá trình chữa cháy, cần loại bỏ nguyên nhân gây bỏng bằng cách rửa sạch hóa chất ra khỏi bề mặt da dưới vòi nước lạnh trong 15 đến 30 phút. Nếu axit mới chỉ dính nhẹ vào quần áo và giầy dép, cần nhẹ nhàng cởi giày dép hoặc cắt bỏ vùng quần áo đó. Nếu bị bỏng nặng hơn hoặc nạn nhân cảm thấy quần áo, giày dép bị dính chặt vào da thì không nên cố gỡ ra mà hãy xối thẳng nước vào cả khu vực này.
Lưu ý các trường hợp bỏng nặng không được cố cởi quần áo vì rất dễ gây lột da khiến vết bỏng nhiễm trùng và trở nên nghiêm trọng hơn. Trong quá trình sơ cứu cho người bị bỏng axit cần sử dụng các phương tiện bảo hộ đảm bảo an toàn cho người sơ cứu và người bị thương. Sau đó, nhanh chóng đưa người bị thương đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị.
Kết thúc quá trình chữa cháy, cần có khuyến cáo với cơ sở, cơ quan có trách nhiệm liên quan của tỉnh, thành phố tiến hành xử lý môi trường nhằm hạn chế sự tác động của các chất độc hại hình thành sau đám cháy. Bên cạnh đó, cần tổ chức khám sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ tham gia chữa cháy để kịp thời phát hiện những tổn thương do tác động từ khói, khí độc, nhiệt độ cao hay tiếp xúc với axit để có biện pháp khắc phục kịp thời./.
Văn Khả (Khoa 4)