Ngày 3/2/1930 đánh dấu một sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam cũng như của thế giới, đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. 90 năm trôi qua, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nhân dân ta từ kiếp nô lệ trở thành người tự do, từ kẻ mất nước trở thành người làm chủ, từ đói nghèo lạc hậu đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc..
Đất nước ta đang ngày càng tiến bước mạnh mẽ và vững chắc trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tất cả những vinh quang này có được chính là nhờ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như những hy sinh, đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo tiền bối.
Sự ra đời của Đảng là tất yếu lịch sử
“Thuận chiều với dòng chảy của lịch sử nhân loại, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu, nằm trong quy luật vận động của cách mạng thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu khách quan, thiết yếu và cấp bách của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự do và phát triển”.
Đây là đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Thơ, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khi đề cập đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo đó, trong quá trình hình thành quốc gia dân tộc Việt Nam, các thế hệ người Việt Nam thường xuyên và đồng thời thực hiện hai sự nghiệp là dựng nước đi liền với giữ nước.
Chính trong quá trình tạo lập và phát triển giang sơn, gấm vóc, người Việt Nam đã hình thành chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và Mỗi khi đất nước lâm nguy, người Việt Nam bất kể là thuộc tầng lớp nào, đều dốc sức chống giặc giữ nước, khôi phục nền độc lập. Người Việt Nam, dù là quý tộc hay bình dân, đều có thể trở thành hạt nhân khởi xướng các phong trào yêu nước, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc; có truyền thống hòa hiếu, giao hảo với các nước lân bang.
Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam là một động lực lớn, mang nhiều yếu tố tích cực, xa lạ với chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, rất gần gũi với chủ nghĩa quốc tế. Những đặc điểm kinh tế, xã hội, những tinh hoa văn hóa, những khát vọng của dân tộc Việt Nam rất phù hợp và tương đồng với những giá trị cao đẹp của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Trong lúc các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo các ý thức hệ phong kiến, tư sản bế tắc thì phong trào công nhân xuất hiện. Do tác động của các cuộc khai thác thuộc địa, bộ phận công nhân Việt Nam hình thành và dần trở thành một giai cấp trong xã hội Việt Nam vào năm 1914.
Với đặc điểm tập trung, giàu tinh thần đấu tranh chống áp bức xã hội xã hội, lòng uất hận với bọn xâm lược và ước ao tự giải phóng giai cấp và toàn dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh, sớm hòa nhập và gắn quyện với các phong trào dân tộc.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Trọng Thơ cho rằng, sự thống nhất của ý thức đấu tranh giai cấp với chủ nghĩa yêu nước trong phong trào công nhân, sự thống nhất của phong trào công nhân với phong trào yêu nước trong sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp là một đặc điểm, giá trị nổi bật, là nền tảng xã hội cho phong trào dân tộc theo khuynh hướng vô sản hình thành khi con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được phổ biến và dẫn đến việc ra đời của chính đảng vô sản ở Việt Nam như một tất yếu lịch sử.
Những tấm gương lan tỏa về phẩm chất đạo đức cách mạng
Theo Tiến sỹ Đặng Kim Oanh (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nhìn lại chặng đường 90 năm qua, đặc biệt ở thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của các lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, tiêu biểu như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh… Những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu đã để lại tấm gương sáng về ý chí cách mạng, lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong diễn văn đọc tại Đại hội II của Đảng (tháng 2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết.
Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc.
Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.
Tiến sỹ Đặng Kim Oanh đánh giá, trong hoạt động cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tiền bối đã luôn sống với thực tế đời sống của nhân dân, là tấm gương lan tỏa về phẩm chất đạo đức cách mạng, gắn lời nói với việc làm, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật, kỷ cương của Đảng và tổ chức; nói ít làm nhiều và đã làm là làm tới nơi tới chốn; không ham danh vị, lợi quyền; đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết.
Đây là những tấm gương thể hiện nhân cách cao đẹp, có giá trị lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ tinh thần cách mạng trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Cho rằng một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, Tiến sỹ Đặng Kim Oanh khẳng định: Cuộc đời hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo tiền bối là niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân; là tài sản tinh thần vô giá để mỗi người có quyền tự hào, bày tỏ tình cảm tri ân những cống hiến của các đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ công ơn của các bậc tiền bối. Tháng 4/1999, Thường trực Bộ Chính trị đã có Công văn số 2118-CV/CPTW về: “Sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước”.
Đặc biệt, tháng 4/2014, Bộ Chính trị đã thông báo Kết luận số 88-KL/TƯ về “Tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu”.
Tiến sỹ Đặng Kim Oanh khẳng định: Thực tiễn 90 năm qua cho thấy, trong các dịp lễ, Tết, dịp kỷ niệm các sự kiện lớn của Đảng, đất nước, dân tộc, Đảng luôn chú trọng tôn vinh, tri ân các bậc tiên liệt của dân tộc, các lãnh đạo tiền bối của Đảng, của cách mạng, những người đã không tiếc tuổi thanh xuân, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam, để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước và đạo đức cách mạng của người cộng sản.
Theo Tiến sỹ Đặng Kim Oanh, hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về: “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cũng là lúc cả nước đang tích cực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết XII của Đảng, tích cực chuẩn bị tiến tới tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tri ân, ghi nhận và học tập những tấm gương cộng sản kiên cường của các thế hệ lãnh đạo cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng trong chặng đường 90 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ góp phần tạo xung lực mới để mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người đứng đầu, có trách nhiệm nêu gương, ra sức học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lãnh đạo tiền bối tiêu biểu.
Đồng thời, nêu cao tính gương mẫu trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với thế hệ trẻ; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Phương Thanh (TTXVN)