Trong đại dịch Covid-19, trên thế giới, những sự cố cháy, nổ và tai nạn đã xảy ra phức tạp, khó lường.
Người biểu tình Hồng Kông đốt phá khu cách ly
Ngày 26/01/2020, một nhóm người biểu tình phóng hỏa tại một tòa nhà chung cư mới ở Hồng Kông, nơi chính quyền đặc khu dự định dùng làm cơ sở cách ly người nghi nhiễm Virus gây bệnh viêm phổi.
Một số người biểu tình mặc đồ đen, đeo khẩu trang xông vào tòa nhà ở khu Phấn Lĩnh, giáp với đại lục, châm lửa quả bom xăng rồi chạy ra ngoài. Khói đen tràn khỏi tòa nhà, chuông báo cháy vang lên và một số cửa kính đã bị đập vỡ. Hàng trăm người dân Hồng Kông đã dùng gạch và vật dụng khác để chặn con đường hướng đến tòa nhà. Họ phản đối kế hoạch chuyển đổi tòa nhà thành cơ sở cách ly vì nó nằm rất gần khu dân cư và trường tiểu học giữa lúc có 6 trường hợp được xác nhận nhiễm gây bệnh viêm phổi cấp ở Hồng Kông.
Lực lượng chữa cháy dập tắt đám cháy và vụ việc chỉ gây thiệt hại ở khu vực sảnh của tòa nhà. Cảnh sát chống bạo động được điều động đến để đảm bảo an ninh và bắt giữ một số người. Sau cuộc biểu tình, chính quyền Hồng Kông tuyên bố ngừng công tác chuẩn bị chuyển đổi mục đích sử dụng đối với tòa nhà ở khu Phấn Lĩnh.
Ngày 26/1/2020, người dân tập trung trước tòa nhà ở khu Phấn Lĩnh phản đối chính quyền Hồng Kông chuyển đổi nơi này thành cơ sở cách ly dịch bệnh.
70 người mắc kẹt trong vụ sập khách sạn cách ly Covid-19 ở Trung Quốc
Một khách sạn năm tầng được trưng dụng để cách ly người nhiễm ở TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc đã bị sập vào khoảng 7 giờ 30 phút ngày 07/3/2020. Khách sạn bị sập có tên là Hân Giai mới được huy động trở thành địa điểm cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19. Quan chức địa phương đã huy động 36 phương tiện cứu hộ, 67 xe chữa cháy, 15 xe cứu thương và hơn 700 lính chữa cháy, nhân viên y tế và cứu hộ đến hiện trường cứu nạn.
Hiện trường sập khách sạn Hân Giai.
Khách sạn bao gồm 80 phòng. Tại thời điểm vụ sập có 70 người đang trong tòa nhà này. Theo thông tin từ đơn vị cứu hộ tỉnh Phúc Kiến, tính đến sáng sớm 08/3/2020, có 45 người mắc kẹt đã được đưa ra ngoài, trong đó có 1 trẻ em 3 tuổi.
Cháy lớn tại bệnh viện dã chiến chống Covid-19 ở Nga
Một vụ hoả hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại công trường xây dựng bệnh viện dã chiến chống dịch Covid-19 gần Thủ đô Moscow của Nga, làm ít nhất một người chết.
Bộ Các tình trạng khẩn cấp Nga cho biết sự việc xảy ra tại công trường xây dựng bệnh viện dã chiến tại vùng Babenki gần trung tâm Moscow hôm 05/4/2020. Ngọn lửa được xác định bắt nguồn từ khu vực bếp ăn của các công nhân đang làm việc tại công trường và nhanh chóng lan rộng.
Ít nhất một người đã thiệt mạng. Thiệt hại về vật chất hiện chưa được thống kê. Diện tích khu vực bị cháy khoảng 90m². Giới chức Nga đã dập tắt ngọn lửa sau vài chục phút. Một cuộc điều tra đang được tiến hành để làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Truyền thông Nga cho hay, bệnh viện dã chiến đang xây dựng trong khu đất rộng trên dưới 40ha, có sức chứa 500 giường bệnh phục vụ người nhiễm Covid-19, trong đó 250 giường đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt.
Người dân Anh đốt trạm phát sóng 5G vì lo sợ phát tán Virus Corona
Nhiều trạm phát sóng mạng 5G tại Anh đã bị người dân đốt phá sau khi xuất hiện thuyết âm mưu trên mạng xã hội rằng đây là nguồn phát tán và lây lan Virus Covid-19 tại Anh.
Ít nhất 3 trạm phát sóng mạng 5G tại vùng Merseyside (Tây Bắc nước Anh) đã bị đốt phá buộc lực lượng chữa cháy phải có mặt để dập lửa. Nhà mạng Vodafone UK của Anh cũng xác nhận rằng 4 trạm phát sóng di động của hãng cũng đã trở thành mục tiêu nhắm đến của những kẻ phá hoại, trong đó một trạm phát sóng của nhà mạng EE cũng đã bị đốt phá.
Cảnh sát Anh hiện đã mở một cuộc điều tra về hành vi phá hoại và đốt phá nhằm vào các trạm phát sóng 5G tại Anh.
Nguyên do của hành vi phá hoại này được cho là bắt nguồn từ những tin đồn và thuyết âm mưu được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Nextdoor và Facebook tại Anh, khi nhiều người cho rằng có sự liên quan giữa mạng 5G và sự lây lan nhanh chóng của Virus Covid-19 tại Anh. Các thông trên mạng xã hội cũng khẳng định rằng mạng 5G là có hại cho người dùng.
Một trạm phát sóng mạng 5G tại Thành phố Birmingham (Anh) bị đốt phá.
Một giả thuyết được nhiều người dùng mạng xã hội tại Anh tin tưởng đó là Virus Corona mới được bắt nguồn tử Vũ Hán vì thành phố của Trung Quốc mới triển khai mạng 5G trong thời gian gần đây và sau đó đã lây lan sang các thành phố khác cũng sử dụng mạng 5G. Tuy nhiên, thuyết âm mưu này lại không nhắc đến việc Virus Covid-19 cũng đang lây lan nhanh chóng ở những quốc gia chưa triển khai mạng 5G như Iran hay Nhật Bản…
Dĩ nhiên, không có bằng chứng khoa học nào về sự liên quan giữa đại dịch do Covid-19 gây ra và mạng 5G cũng như không có sự ảnh hưởng tiêu cực nào của mạng 5G đối với sức khỏe của con người. Mạng 5G sử dụng tần số sóng vô tuyến cao hơn so với mạng 4G và 3G, nhưng các cơ quan quản lý tại Anh đã xác nhận mức bức xạ điện từ do mạng 5G gây ra thấp hơn mức cho phép về tiêu chuẩn an toàn của người tiếp xúc, nghĩa là hoàn toàn không ảnh hưởng đến người tiếp xúc.
Tuy nhiên, thực tế này không đủ để ngăn chặn những thuyết âm mưu và tin tức giả mạo gây hoang mang về mạng 5G được lan rộng trên mạng xã hội tại Anh. Một số người thậm chí còn ngăn chặn các công nhân lắp đặt cáp quang để cài đặt mạng 5G và tuyên bố rằng khi mạng 5G phát sóng sẽ “giết chết tất cả mọi người”.
Các nhà mạng tại Anh khẳng định rằng những cuộc tấn công nhằm vào các trạm phát sóng mạng 5G là một hành vi làm suy yếu an ninh quốc gia. Những cuộc tấn công này cũng đã làm ảnh hưởng đến dịch vụ mạng di động và các dịch vụ khẩn cấp của Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, trong bối cảnh nước Anh đang phải “gồng mình” để chống lại sự lây lan của Virus Corona gây ra trên toàn quốc.
Bộ Kỹ thuật số, văn hoá, truyền thông và thể thao (DCMS) của Chính phủ Anh đã phải lên tiếng bác bỏ các tin tức giả mạo và thuyết âm mưu gắn dịch bệnh do Virus Corona gây ra với mạng 5G, đồng thời kêu gọi các mạng xã hội phải kiểm soát hơn nữa sự lan truyền của các thông tin sai lệch./.
Thu Hà (Tổng hợp)