Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC đã trưởng thành cả về số lượng, chất lượng và trang bị kỹ thuật. Trong những năm tháng khó quên ấy, nhiều cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC đã dũng cảm, mưu trí chống “giặc lửa” trong mưa bom bão đạn của quân thù và không ít đồng chí đã anh dũng hy sinh để bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Nhiều đơn vị Cảnh sát PCCC đã kiên cường, dũng cảm lập nên kỳ tích anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô chữa cháy kho xăng Đức Giang năm 1966.
Từ năm 1962, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đối với miền Bắc nước ta. Cuối năm 1963, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia đề xuất Chính phủ ra Nghị định 112/CP quy định việc phòng không sơ tán và tổ chức công tác chữa cháy khi máy bay địch đánh phá. Bộ trưởng Bộ Công an có mệnh lệnh phòng không sơ tán và tổ chức bảo vệ an ninh, trật tự khi có địch đánh phá cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng Công an nhân dân, cán bộ đơn vị bảo vệ dân phố và lực lượng dân phòng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng, Cục Cảnh sát PCCC đã hướng dẫn các cơ sở quản lý chặt chẽ các chất và vật liệu dễ cháy, nổ, phân tán nhỏ hàng hóa, để xa nơi dân cư, có biện pháp che chắn, ngụy trang tránh máy bay địch phát hiện, bố trí lực lượng tự vệ dân phòng và trang thiết bị chữa cháy tại chỗ để sẵn sàng cứu chữa kịp thời, vì vậy đã hạn chế được rất nhiều thiệt hại về người và tài sản ngay từ những loạt bắn phá đầu tiên của máy bay Mỹ xuống miền Bắc nước ta vào ngày 05/8/1964.
Tháng 01/1964, Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 18 tại Hà Nội của Bộ Công an về giữ gìn trật tự xã hội nêu rõ: “Tăng cường các mặt công tác công an, PCCC tốt các cuộc vận động lớn của Đảng, Chính phủ nhất là PCCC trong việc quản lý kinh tế, chống tham ô, đầu cơ, buôn lậu…Cần chú trọng làm giảm bớt nạn cháy và phải chú ý tổ chức thực tập cho các lực lượng PCCC, nhất là các xí nghiệp, kho tàng quan trọng, các khu vực đông dân…Chuẩn bị kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt kế hoạch phòng không nhân dân trong việc giữ gìn trật tự trị an, trật tự giao thông khi nhân dân sơ tán, lập kế hoạch chữa cháy các khu vực có thể địch đánh phá.” Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 18, lực lượng Cảnh sát PCCC đã củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng để nắm vững các địa bàn trọng điểm, xây dựng và thực tập các phương án, tình huống chữa cháy khi bị máy bay địch đánh phá, đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an, phát động phong trào quần chúng rộng khắp tham gia công tác PCCC, qua đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn được nhiều vụ cháy do máy bay địch đánh phá miền Bắc.
Vào cuối năm 1964 và đầu năm 1965, đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt bắn phá miền Bắc bằng không quân, cuộc chiến ngày càng ác liệt hơn. Để tăng cường việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, ngày 24/02/1965, Bộ Công an đã ra Chỉ thị về tăng cường công tác phòng không nhân dân trong toàn lực lượng Công an. Chỉ thị nhấn mạnh đến việc giữ gìn trật tự trị an khi máy bay đánh phá, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, PCCC, sơ tán nhân dân,… điều chuyển 100% chất nổ, chất cháy ra khỏi thành phố, thị xã.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị số 38/TM ngày 26/5/1965 giao nhiệm vụ cho các Quân khu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố phải tổ chức dân quân, tự vệ thực hiện nhiệm vụ PCCC dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy địa phương và sự hướng dẫn nghiệp vụ PCCC của công an cấp tương đương để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân với miền Bắc. Từ đây, công tác PCCC được coi là nhiệm vụ quan trọng của dân quân tự vệ trong chiến tranh phá hoại, phối hợp kịp thời và chặt chẽ hơn giữa dân quân tự vệ với lực lượng PCCC chuyên nghiệp để cứu chữa các vụ cháy do địch đánh phá. Nhiều đơn vị, chiến sỹ dân quân tự vệ đã dũng cảm tham gia chữa cháy, có nhiều người hy sinh hoặc bị thương trong lúc tham gia chữa cháy, cứu người, bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân.
Ngày 20/6/1965, máy bay Mỹ đánh trúng Ga Gôi thuộc tỉnh Hà Nam làm một đoàn tàu chở thuốc trừ sâu trúng bom bị bốc cháy. Đơn vị PCCC Nam Hà điều 3 xe chữa cháy và 18 cán bộ, chiến sỹ tiến hành cứu chữa, đã cứu được 10 toa hàng và 01 toa chở thuốc trừ sâu. Ba đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Kiểm, Trần Văn Tiến là cán bộ của đơn vị PCCC Nam Hà đã anh dũng hy sinh và đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Tham gia chữa cháy còn có khoảng 200 người của đơn vị thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ ở đây, có 15 người bị ngộ độc trong chiến đấu dập tắt đám cháy và đã hy sinh.
Trong những năm tháng đó, cuộc đấu tranh cách mạng của đồng bào miền Nam ngày càng thu được thắng lợi, đế quốc Mỹ ra sức can thiệp trắng trợn vào miền Nam và ráo riết tăng cường các hoạt động chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đảng và Nhà nước ta đã ra một số chỉ thị, nghị quyết để đối phó với âm mưu của đế quốc và tay sai. Từ ngày 26 đến ngày 28/5/1965, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 20 đã bàn chương trình hành động của toàn ngành, tổ chức nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 11 của Trung ương và Nghị quyết 116-NQ/TW ngày 28/4/1965 của Bộ Chính trị.
Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 20 nêu rõ: “Việc PCCC, cứu người bị nạn do máy bay địch ném bom bắn phá cần phải chuẩn bị tốt. Muốn vậy phải nghiên cứu rút kinh nghiệm nơi đã xảy ra những tai nạn do máy bay địch bắn phá”. Thực hiện nghị quyết này, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức học tập và quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, chiến sỹ của từng đơn vị. Đặc biệt quán triệt để chuyển hướng về tư tưởng, tổ chức và hành động của toàn lực lượng phù hợp với tình hình chiến tranh do đế quốc Mỹ và tay sai gây ra ở cả 2 miền Nam, Bắc, xây dựng và thực tập nhiều phương án chữa cháy với các tình huống khác nhau khi bị máy bay địch đánh phá, chuẩn bị sẵn sàng để bước vào giai đoạn chống chiến tranh phá hoại quyết liệt hơn của đế quốc Mỹ.
Ngày 08/6/1965, máy bay Mỹ đánh phá trận địa tên lửa và pháo phòng không tại Đồng Giao thuộc tỉnh Ninh Bình. Đơn vị Cảnh sát PCCC Ninh Bình đã điều 01 xe và 10 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Mai Huy Bổng chỉ huy, dùng sức mạnh của nước phun từ lăng A cắt luồng lửa cháy xung quanh quả nhiên liệu tên lửa, cùng bộ đội di chuyển tên lửa và đạn pháo chưa cháy ra khỏi nơi đang cháy, bảo vệ các tên lửa không bị nổ để tiếp tục đưa vào chiến đấu. Phương pháp chữa cháy tên lửa của Cảnh sát PCCC Ninh Bình đã mở ra chiến thuật về chữa cháy tên lửa, sau này một số đơn vị Cảnh sát PCCC áp dụng chiến thuật trên đều có hiệu quả tốt. Với thành tích đạt được, ngày 01/01/1967, đơn vị PCCC Hoa Lư – Ninh Bình được nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày 24/6/1966, không quân Mỹ tập trung đánh phá Hà Nội, mục tiêu đánh phá là Tổng kho Xăng dầu Đức Giang. Đây là trung tâm bảo quản và cung cấp xăng dầu lớn nhất cho nền kinh tế quốc dân nước ta lúc bấy giờ và dự trữ để phục vụ tiền tuyến. Máy bay Mỹ đã ném bom và bắn tên lửa vào các cụm bể chứa xăng dầu, một số bể bị vỡ, một số bể bị xuyên thủng, xăng dầu tràn ra xung quanh gây ra đám cháy lớn, khói đen bao phủ dày đặc bầu trời. Thành ủy, Ủy ban hành chính Hà Nội đã ra chỉ thị cho lực lượng Công an Thủ đô bằng mọi biện pháp phải dập tắt đám cháy trong đêm. Cục Cảnh sát PCCC – Bộ Công an đã tập trung cán bộ đầu ngành, những chuyên gia có kinh nghiệm cùng Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội tổ chức chữa cháy. Lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội đã huy động 12 xe chữa cháy, 87 cán bộ, chiến sỹ; Cục Cảnh sát PCCC đã điều động thêm lực lượng và phương tiện của tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng và Trường Cảnh sát PCCC mỗi nơi 2 xe tham gia chữa cháy. Cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC, Tổng kho Xăng dầu Đức Giang cũng đã huy động hàng trăm cán bộ, công nhân viên tham gia chữa cháy. Để chữa cháy xăng dầu có hiệu quả nhất là phải dùng thuốc bọt, nhưng khi đó ta chưa có. Không thể bó tay đứng nhìn ngọn lửa thiêu nguồn nhiên liệu quý như máu đó, các chiến sỹ chữa cháy tập trung dùng lăng A phun nước với áp suất mạnh cắt các ngọn lửa cháy từ trong bể phun ra, tổ chức phun nước làm lạnh các bể bên cạnh không để cho cháy lan…Trong điều kiện nóng rát do nhiệt độ của đám cháy tỏa ra, khói đen mù mịt, một số chiến sỹ đã dũng cảm lao vào dùng giẻ nhét vào các lỗ phun ở thành bể xăng dầu bị thủng. Lực lượng dân phòng tập trung sơ tán những phuy xăng dầu ra xa khu vực cháy. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC Hà Nội, Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng, Trường Cảnh sát PCCC và lực lượng dân phòng tự vệ, đến 5 giờ 15 phút sáng hôm sau, đám cháy được dập tắt, cứu được 20 triệu lít xăng dầu không bị cháy để dự trữ phục vụ tiền tuyến và xây dựng đất nước.
Với những chiến công trong công tác cứu chữa các đám cháy do máy bay địch bắn phá, cứu được nhiều tài sản của nhà nước và nhân dân, ngày 03/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư khen ngợi lực lượng Cảnh sát PCCC Thủ đô, đó cũng là thư khen ngợi chung lực lượng Cảnh sát PCCC trong cả nước. Trong thư đó, sau khi biểu dương những thành tích xuất sắc của lực lượng Cảnh sát PCCC, Bác đã căn dặn 4 điều:
“- Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.
– Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của nhà nước và nhân dân.
– Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.
– Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.
Thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với lực lượng Cảnh sát PCCC. Sau khi nhận được Thư khen của Bác, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tổ chức học tập, quán triệt và nghiêm túc thực hiện, biến 4 lời dạy của Bác trở thành hiện thực trong chiến đấu, công tác hàng ngày. Từ đó đến nay, 4 lời dạy của Bác luôn là phương châm hành động của toàn lực lượng Cảnh sát PCCC.
Ngày 01/8/1966, máy bay Mỹ đánh phá Hòn Gai – Quảng Ninh. Bốn chiếc xà lan chở xăng dầu của Công ty 202 – Hải Phòng đang đậu tại Cảng Dứa trên Vịnh Hạ Long bị trúng đạn rocket bốc cháy. Đội Cảnh sát PCCC Hồng Gai được lệnh của Ủy ban hành chính và Công an thị xã đã lên đường ra biển để chữa cháy trong điều kiện và phương tiện cứu chữa thô sơ, thiếu thốn. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm và sáng tạo, sau một đêm đã dập tắt được đám cháy. Ngày hôm sau, máy bay địch lại tiếp tục đánh phá, làm 2 xà lan xăng dầu bị bốc cháy. Đội Cảnh sát PCCC Hồng Gai – Quảng Ninh lại được lệnh lên đường ra biển chiến đấu trong lúc máy bay Mỹ vẫn tiếp tục gầm thét, đánh phá. Một khoang xà lan xăng bị nổ làm khói lửa lan dữ dội trên mặt nước và chiếc lăng chữa cháy bị rơi xuống biển. Các chiến sỹ chữa cháy đã dùng sào, gậy khuấy mặt nước cho lửa dãn ra, cho người lặn xuống đáy biển mò cho được chiếc lăng rồi tiếp tục chiến đấu dập tắt lửa. Cuộc chiến đấu dập tắt đám cháy kết thúc thắng lợi dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Nguyễn Bá Nao và cán bộ tiểu đội Phạm Dũng, Đoàn Văn Vinh. Với chiến công xuất sắc ấy, ngày 01/01/1967, Đảng và nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Cảnh sát PCCC Hồng Gai – Quảng Ninh, 01 chiến sỹ được phong hàm vượt cấp, 03 chiến sỹ được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, 03 chiến sỹ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chi đoàn Thanh niên lao động được tặng cờ Nguyễn Văn Trỗi.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy của các chiến sỹ và đồng bào miền Nam Tết Mậu Thân năm 1968, tháng 4/1968, đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, đây là thời cơ tốt để củng cố và xây dựng lực lượng chuẩn bị chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lúc này, nhiều chuyến hàng được tập trung ở các tỉnh Khu 4 cũ để chuyển vào các tỉnh miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Tháng 10/1968, đế quốc Mỹ lại tập trung đánh phá vĩ tuyến 20 trở vào. Hà Tĩnh và Quảng Bình là những địa bàn trọng điểm địch tập trung đánh phá. Để tăng cường PCCC cho các chuyến hàng và các đơn vị bộ đội chi viện cho chiến trường miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh phục vụ cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, Bộ Công an quyết định thành lập đơn vị Cảnh sát PCCC Hà Tĩnh gồm 28 đồng chí, được trang bị 2 xe chữa cháy và 01 máy bơm chữa cháy BJ23. Cục Cảnh sát PCCC đã cử cán bộ vào Hà Tĩnh huấn luyện cho đơn vị mới thành lập. Sau 29 ngày huấn luyện, đơn vị tổ chức lễ ra mắt Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính và Công an Hà Tĩnh. Tháng 7/1969, Cục Cảnh sát PCCC tiếp tục tăng cường chi viện cho Cảnh sát PCCC Quảng Bình 3 xe chữa cháy và 28 cán bộ, chiến sỹ. Tổ cán bộ, chiến sỹ PCCC chi viện cho Quảng Bình được điều động từ các đơn vị Cảnh sát PCCC các địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Nam Hà, Thanh Hóa, Vĩnh Phú. Cũng trong thời gian này, Công an Quảng Bình thành lập phân đội ở Bắc Sông Gianh đóng ở Bố Trạch. Kể từ khi thành lập và sau đó nhiều năm, đơn vị Cảnh sát PCCC Hà Tĩnh và Quảng Bình đã lập nhiều chiến công, dập tắt nhiều vụ cháy do máy bay địch gây nên, góp phần bảo vệ an toàn hàng nghìn chuyến hàng chi viện cho tiền tuyến qua đường mòn Hồ Chí Minh.
Ngày 14/4/1972, máy bay Mỹ đánh phá ồ ạt vào trung tâm và xung quanh thị xã Đồng Hới – Quảng Bình. Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát PCCC Quảng Bình lên đường làm nhiệm vụ, chữa cháy Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba và Trường Y tế của tỉnh. Trên đường đến đám cháy phải vượt qua nhiều hố bom, nhiều đoạn đường bị bom đạn cày xới, rất khó khăn mới tiếp cận được đám cháy. Dưới làn bom đạn của địch, cán bộ, chiến sỹ PCCC không quản hy sinh gian khổ đã nhanh chóng dập tắt đám cháy cứu được 02 tòa nhà của bệnh viện và 01 tòa nhà của Trường Y tế. Sau đó ít phút, Phòng Cảnh sát PCCC Quảng Bình lại nhận được lệnh của lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình đi chữa cháy trạm trung chuyển Nam Long bên kia Phà Long Đại. Ở đây, đường đi đến nguồn nước chữa cháy bị bom địch bắn phá thành nhiều hố lớn, xe chữa cháy không thể đến lấy nước được, Cảnh sát PCCC Quảng Bình đã triển khai đội hình truyền nước, dùng 2 lăng B để chữa cháy và huy động 50 đội viên dân phòng cùng tham gia cứu chữa. Sau 4 tiếng đồng hồ, ngọn lửa được dập tắt, trực tiếp cứu được 500 tấn gạo và bảo vệ cho hàng nghìn tấn hàng chiến lược gồm lương thực, thực phẩm, thuốc men cùng đạn dược không bị cháy, nổ. Qua nhiều đêm chiến đấu, lực lượng PCCC trên tuyến lửa đã bảo vệ được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, máy móc phương tiện quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 02/9/1973, Phòng Cảnh sát PCCC Quảng Bình được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tấm gương dũng cảm hết lòng tận tụy phục vụ nhân dân và được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Đầu năm 1972, đế quốc Mỹ lại tập trung đánh phá miền Bắc, nhất là Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã khác, nơi tập trung dân cư, kinh tế, văn hóa, chính trị. Hồi 15 giờ ngày 16/4/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đến đánh phá lần thứ 2 Kho xăng Đức Giang – Hà Nội và kho kim khí, hóa chất bên cạnh. Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội lại tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đinh Mười – Trưởng phòng và Đại úy Bùi Văn Hoàn – Phó phòng, tham gia chữa cháy còn có 02 xe chữa cháy của Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát PCCC do Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thành Lâm làm chỉ huy, các đơn vị PCCC Hà Bắc, Hải Hưng, Hà Tây mỗi đơn vị 01 xe chữa cháy và 01 Tiểu đội Chữa cháy tham gia cứu chữa. 120 học viên Khóa K12 Trường Cảnh sát Nhân dân mới về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC – Công an Hà Nội được điều động đến tham gia chữa cháy. Bom phá, bom bi của địch đánh trúng kho xăng làm nhiều bể đựng xăng dầu bị thủng, xăng phun ra bắt cháy tạo thành vòi lửa dài. Với kinh nghiệm lần trước, lực lượng Cảnh sát PCCC đã dùng lăng A cắt đứt ngọn lửa đang cháy, nhiều chiến sỹ PCCC đã dùng giẻ ướt nút bịt kín chỗ bị thủng, không để xăng chảy ra và có biện pháp sơ tán xăng dầu đi nơi khác. Cứ như vậy, từng bể xăng dầu được dập tắt, cho đến 5 giờ sáng hôm sau, toàn bộ đám cháy các bể xăng dầu và kho hóa chất Đức Giang cơ bản được dập tắt trong điều kiện phương tiện và vật chất thiếu thốn.
2 giờ sáng ngày 10/4/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đánh phá Kho Xăng dầu Thượng Lý – Hải Phòng. Phòng Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã điều 03 xe chữa cháy và được chi viện 01 xe chữa cháy cùng 08 cán bộ, chiến sỹ của Phòng Cảnh sát PCCC Hải Hưng. Các mũi tiến công đã sử dụng bọt, nước, chăn dập lửa cứu chữa từng bể một, dưới làn bom đạn của máy bay Mỹ, sau hai giờ vật lộn với khói, lửa, đạn bom, lực lượng PCCC đã dập tắt được toàn bộ đám cháy bảo vệ an toàn kho xăng dầu Thượng Lý – Hải Phòng. Cùng với thành tích khác trong công tác PCCC và vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác PCCC, phòng không sơ tán, Phòng Cảnh sát PCCC Hải Phòng đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 02/9/1973.
16 giờ ngày 09/5/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đánh phá khu vực lắp ráp tên lửa của quân đội ở Đồi Nhơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa. Phòng Cảnh sát PCCC Thanh Hóa đã điều 03 xe đến Đồi Nhơn cách đơn vị hơn 10km để chữa cháy trong tình trạng tên lửa đang lắp ráp hoàn chỉnh, bị máy bay địch đánh phá bốc cháy, khói đen và khí độc bốc lên mù mịt; có nhiều nguy cơ gây nổ, trong khi đó, máy bay địch vẫn đang tiếp tục đánh phá khu vực này. Xe chữa cháy đến nơi, đồng chí Lê Như Hựu chỉ huy cứu chữa quyết định cử tổ trinh sát 03 người tiến hành trinh sát đám cháy và quyết định hướng tấn công 03 mũi bằng lăng A. Sau 4 giờ chiến đấu liên tục, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, cứu được nhiều quả tên lửa đã lắp ráp hoàn chỉnh, hàng trăm tấn chi tiết, phụ tùng tên lửa, nhiên liệu tên lửa không bị cháy. Đồng chí Lê Văn Hạnh là cán bộ kiểm tra và 02 chiến sỹ dân phòng cùng tham gia chữa cháy đã hy sinh. Cùng với các thành tích khác trong cứu chữa các vụ cháy và vận động quần chúng nhân dân làm công tác PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC – Công an Thanh Hóa đã được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 02/9/1973.
Để ép ta phải ký Hiệp định Paris theo ý đồ của đế quốc Mỹ, hòng khuất phục ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ của nhân dân ta, Mỹ đánh trở lại miền Bắc nước ta ác liệt hơn, trong đó Thủ đô Hà Nội là mục tiêu số một của máy bay Mỹ ném bom, bắn phá. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 83/CP ngày 29/4/1972 về công tác phòng không sơ tán, chống địch đánh phá trở lại ác liệt hơn. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 18CT/UB ra lệnh sơ tán khẩn trương người già, trẻ em, tài sản, vật tư, hàng hóa ra khỏi thành phố, giao cho lực lượng Công an thủ đô mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát nhân dân thực hiện công tác trên. Cảnh sát PCCC Hà Nội đã cử cán bộ kiểm tra an toàn PCCC xuống các khu phố, các xí nghiệp, kho tàng, củng cố lại lực lượng quần chúng làm công tác PCCC, phân công trách nhiệm đối với các tổ chữa cháy, cứu sập, cứu thương, di chuyển và bảo vệ đồ đạc, hàng hóa khi có máy bay địch đánh phá, xây dựng các phương án chữa cháy, cứu tài sản đảm bảo khi có máy bay địch đánh phá có đủ lực lượng, phương tiện ứng cứu, khắc phục hậu quả được ngay.
20 giờ ngày 18/12/1972 đến hết ngày 29/12/1972, Mỹ đã huy động 1.046 lần máy bay B52, 17 lần máy bay F111, 586 lần máy bay cường kích các loại đánh phá dữ dội, ác liệt ngày và đêm vào Thủ đô Hà Nội, ném và bắn hơn 10.000 tấn bom, tên lửa xuống Thủ đô Hà Nội làm chế 2.289 người, trong đó có 38 gia đình bị chết cả nhà. Suốt trong những ngày địch tập trung đánh phá các liệt, 100% cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC luôn có mặt ở các vị trí thường trực chiến đấu. Các khu vực trọng điểm địch tập trung đánh phá như: nhà kho, khu nhà máy xí nghiệp ở Đông Anh, kho và nhà ga Yên Viên…Đội Cảnh sát PCCC Lộc Hà đã ngày đêm chữa cháy liên tục không quản hy sinh gian khổ. Trong lúc đang chữa cháy, máy bay địch đánh trúng đội hình làm hỏng 01 xe chữa cháy, nhiều đồng chí bị thương nhưng Đội Cảnh sát PCCC Lộc Hà vẫn bám trận địa dũng cảm chiến đấu dập tắt hết các đám cháy này đến đám cháy khác, cứu được nhiều hàng hóa, xăng dầu, vật tư ở các kho tàng, nhà máy thuộc khu vực Đông Anh và Yên Viên. Cũng trong thời gian này, máy bay Mỹ đánh trúng kho vải và kho hóa chất của Nhà máy dệt 8/3. Đội Cảnh sát PCCC Trung tâm Phan Chu Trinh đã cùng dân phòng và Đội Chữa cháy Nhà máy dệt 8/3 liên tục cứu chữa 03 ngày đêm liền mới dập tắt được dám cháy. Máy bay địch ném bom trúng trận địa tên lửa phòng không ở Chèm, Đội Cảnh sát PCCC trung tâm đã dũng cảm, mưu trí, dập tắt được quả tên lửa đang cháy, bảo đảm được an toàn trận địa, được cán bộ, chiến sỹ đơn vị tên lửa khen ngợi. Với thành tích chiến đấu xuất sắc của Phòng Cảnh sát PCCC Hà Nội, cuối năm 1972, Chủ tịch nước tặng lẵng hoa Hồ Chủ tịch cho lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội và ngày 02/9/1973, Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội Cảnh sát PCCC Lộc Hà.
Ngày 26/12/1972, máy bay B52 Mỹ đánh phá trực tiếp vào xã Nhân Chính – nơi đóng quân của Phân hiệu Cảnh sát PCCC. Phân hiệu đã triển khai thành nhiều mũi để chữa cháy, cứu sập cho đơn vị, cũng như các đơn vị khác và nhà dân xung quanh. Một mũi do đồng chí Nguyễn Thành Lâm chỉ huy, chữa cháy cho đơn vị thông tin ở Cống Mọc, một mũi do đồng chí Lê Cừ chỉ huy chữa cháy và cứu sập hầm ở Nhân Chính. Một số học viên đã hy sinh như Đỗ Quang Hải, Vũ Hồng Mên, Vũ Đức Mến là cán bộ của Công an Hải Phòng cử đi học. Bị thương trong trận chiến này có đồng chí Nguyễn Văn Khiêm cán bộ của Công an Hà Nội cử đi học, đồng chí Khiêm được nhanh chóng đưa đi bệnh viện cấp cứu do vết thương quá nặng đã hy sinh.
Ngày 05/8/1968, tàu Alexanggrin mang quốc tịch Liên Xô có trọng tải 12.000 tấn, chở 2.000 tấn phân đạm đang đậu tại Cảng Hải Phòng để giao hàng cho Việt Nam thì bị cháy. Đám cháy bốc lên từ hầm chứa hàng phía đầu tàu, phụt một cột khói màu da cam hình nấm, cao khoảng 50m, sau đó tỏa rộng, bao phủ cả khu vực Cảng và một phần Thành phố Hải Phòng. Phòng Cảnh sát PCCC – Công an TP Hải Phòng đã điều động toàn bộ lực lượng và phương tiện đến cứu chữa đám cháy. Phối hợp chữa cháy còn có tàu cứu hộ của Liên Xô và sử dụng hệ thống chữa cháy sẵn có trên tàu Alexanggrin để cứu chữa. Nhờ tập trung lực lượng, phương tiện, với sự mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC Hải Phòng cùng nhiều biện pháp chữa cháy hiệu quả, sau hơn hai giờ đồng hồ, đám cháy đã được dập tắt. Trong trận chiến đấu này, do thiếu các trang thiết bị phòng độc, đồng chí Nguyễn Đình Thành và Đỗ Quang Thịnh đã hy sinh, 72 đồng chí bị ngộ độc. Phía Liên Xô hy sinh 5 đồng chí, 18 đồng chí bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu. Với việc chữa cháy kịp thời, có hiệu quả, ngăn chặn không để cháy lan, nhất là không để gây nổ phá hủy toàn bộ con tàu là chiến công lớn của lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Phòng. Qua vụ chữa cháy này, lực lượng PCCC đã rút ra được bài học sâu sắc về trang bị mặt nạ phòng độc, cùng với các trang thiết bị cần thiết khác cho cán bộ, chiến sỹ và phương án tác chiến khi vào chữa cháy các đám cháy có khí độc tỏa ra.
Rút kinh nghiệm sau vụ chữa cháy tàu Alexanggrin ở Cảng Hải Phòng, cuối năm 1968, Công an Quảng Ninh có công văn đề nghị Bộ Công an cho sửa 2 con tàu “biệt kích” và “tự lực” thành tàu chữa cháy để bảo vệ Cảng B12. Cục Cảnh sát PCCC cùng với Phòng Cảnh sát PCCC Quảng Ninh và đồng chí thuyền trưởng tàu “biệt kích” phối hợp với Viện Thiết kế tàu thuyền – Bộ Giao thông vận tải thiết kế kỹ thuật và hợp đồng sửa lại 2 con tàu tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng – Hải Phòng, mỗi con tàu được đặt hai máy bơm BJ23 Trung Quốc. Hơn một năm sau, hai con tàu đã được cải tạo và hạ thủy trở về Cảng Quảng Ninh làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu. Đây là những con tàu được thiết kế, hoán cải thành tàu chữa cháy đầu tiên ở Việt Nam góp phần bảo vệ an toàn Cảng xăng dầu B12 ở Quảng Ninh trong thời gian chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.
Để tăng cường hiệu quả chiến đấu, dập tắt đám cháy nhất là những vụ cháy xăng dầu, Cục Cảnh sát PCCC đã nghiên cứu thuốc bọt hòa không khí làm từ quả bồ hòn để chữa cháy xăng dầu. Song song với việc nghiên cứu, sản xuất thuốc bọt hòa không khí từ quả bồ hòn, Cục Cảnh sát PCCC còn nghiên cứu thuốc bọt hòa không khí từ các nguyên liệu xương động vật, tóc…để phục vụ chữa cháy. Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Cảnh sát PCCC còn nghiên cứu các chất cháy từ các loại bom cháy của địch để tạo nên vũ khí phục vụ cho lực lượng đặc công của ta đánh địch đã thu được kết quả tốt.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, bên cạnh công tác chiến đấu, công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC cũng được quan tâm, đặc biệt đội ngũ cán bộ cốt cán. Nhiều đoàn cán bộ Cảnh sát PCCC đã được Bộ Công an đã cử đi học tập ở Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức. Ngày 20/7/1971, Bộ Công an có Quyết định số 1099/QĐ-CA thành lập Phân hiệu Cảnh sát PCCC gọi tắt là Phân hiệu 11 thuộc Trường Cảnh sát nhân dân để đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Phân hiệu Cảnh sát PCCC đã đào tạo được 7 khóa với 315 học viên, 01 lớp cho 75 đồng chí trưởng phòng, đào tạo ngắn hạn cho lớp 250 cán bộ, chiến sỹ đi B. Trong cảnh sơ tán nhiều chỗ, lớp học là các đình, chùa của thôn, xã nơi sơ tán, chỗ ở của học viên là nhà dân, học viên vừa phải học tập đạt kết quả tốt vừa phải sẵn sàng thường trực chiến đấu suốt ngày đêm, nhưng số cán bộ, chiến sỹ Phân hiệu 11 đã đào tạo được đưa về các địa phương công tác, đáp ứng việc củng cố và nâng cao trình độ, năng lực các đơn vị, từng bước tiến lên chính quy và hiện đại.
Thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là chặng đường lịch sử vẻ vang của nhân dân ta, cũng là thời kỳ vẻ vang, đáng tự hào của lực lượng Cảnh sát PCCC. Chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn phương tiện nhưng lực lượng Cảnh sát PCCC luôn sáng kiến cải tiến trang thiết bị kỹ thuật, tìm ra biện pháp, chiến thuật chữa cháy thích hợp; kịp thời rút kinh nghiệm trong từng trận chiến đấu, rút ra các bài học kinh nghiệm phổ biến cho toàn lực lượng Cảnh sát PCCC để áp dụng trong các trận chiến đấu tiếp theo. Những năm tháng ấy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược./.
Thành Long