Có rất nhiều các cơ sở lớn và nhỏ sử dụng hóa chất trong công nghệ sản xuất như nhà máy hóa chất, nhà máy sơn, nhà máy xi măng, hoặc nhà máy sản xuất acquy… Nhìn chung, các cơ sở sản xuất này thường xuyên sử dụng các hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao như các loại dung môi hữu cơ: benzen, toluen, các loại xăng dầu, các loại axit như axit sunfuric đặc, axit clohidric… Các hóa chất này thường được lưu trữ trong các kho chứa hóa chất của các cơ sở với trữ lượng lớn lên đến hàng chục tấn. Nếu phát sinh cháy nổ hóa chất tại các cơ sở trên, hậu quả để lại rất to lớn cả về tài sản, con người và môi trường. Chính vì vậy, việc lưu trữ bảo quản các loại hóa chất này cần được thực hiện có khoa học để giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến cháy nổ.
Phương pháp lưu trữ bảo quản hóa chất dễ cháy nổ như sau:
Kho chứa hóa chất phải chia ra thành nhiều chỗ khác nhau tránh tập trung 1 kho lớn, đặc biệt là những chất dễ gây cháy nổ, hoặc những chất dễ phản ứng với nhau và phát sinh nhiệt hoặc ngọn lửa.
Kho chứa hóa chất phải đảm bảo an toàn về nguồn nhiệt. Nguồn nhiệt có thể phát sinh từ các vật có nhiệt độ cao, hoặc các vật mang dòng điện phát sinh tia lửa điện, hoặc tia lửa điện phát sinh từ hệ thống điện lưới. Và cần chú ý một số điều sau:
Nghiêm cấm mang lửa vào kho, cấm hút thuốc, hoặc những thứ dễ bén lửa vào kho.
Không nên sử dụng những thiết bị bằng kim loại vì khi làm việc gây ma sát dễ bén lửa.
Hệ thống điện trong kho và các thiết bị vận chuyển trong kho phải luôn có CP để đảm bảo an toàn
Kho phải luôn khô ráo và được vệ sinh thường xuyên để luôn có độ ẩm và nhiệt độ ổn định, cần lắp nhiều quạt gió để tạo không khí thông thoáng trong kho và tránh dồn ứ một lượng lớn hơi của một số các chất dễ bay hơi có khả năng cháy nổ lớn.
Tránh để hóa chất dễ cháy nổ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời và bao đựng hóa chất phải chắc chắn và có màu không hấp thụ năng lượng từ ánh sáng mặt trời tốt (tránh đóng bao bì có màu đen).
Các thùng phuy chứa hóa chất dạng lỏng phải kín không cho hóa chất rò rỉ và bay hơi ra ngoài tránh gây cháy nổ, hạn chế để chung với các loại hóa chất dễ cháy nổ khác.
Khi di chuyển các hóa chất phải chú ý cẩn thận, tránh để rò rỉ hoặc sinh ra ma sát trong quá trình vận chuyển.
Các dụng cụ điện như ổ cắm, cầu dao, cầu chì… phải được lắp đặt tránh xa các hóa chất, các thiết bị điện luôn phải có các Aptomat để đảm bảo khi có sự cố nguồn điện phải được ngắt kịp thời. Bóng đèn chiếu sáng trong kho là loại bóng đèn đề phòng cháy nổ, ít sinh nhiệt. Có thể sử dụng các bóng đèn led, huỳnh quang, hạn chế dung bóng đèn sợi đốt.
Kho chứa hóa chất phải được trang bị các hệ thống báo cháy tự động, chữa cháy tự động và các trang thiết bị chữa cháy tại chỗ.
Luôn có cán bộ trông coi kho chứa hóa chất 24/24 giờ để kịp thời phát hiện sự cố và xử lí sự cố. Tùy theo quy mô của kho chứa hóa chất mà phân công bố trí số lượng cán bộ trông coi túc trực.
Việc tuân thủ các phương pháp nêu trên sẽ giúp hạn chế một cách tối đa các nguy cơ cháy nổ hóa chất tại các kho lưu trữ hóa chất, từ đó đảm bảo an toàn sản xuất cho các cơ sở, nhà máy.
Quang Thành (BM2)