Nghề thu mua phế liệu đang là ngành nghề góp phần làm trong sạch môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên hiện có để tái chế. Tuy nhiên, việc các cơ sở phế liệu mọc lên ngày càng nhiều và không được quản lý, đăng ký các điều kiện về an ninh trật tự gây nhiều bức xúc, lo lắng trong nhân dân, nhất là những cơ sở phế liệu mọc lên trong khu dân cư.
Hình ảnh chất cháy trong cơ sở thu mua phế liệu.
Cùng với sự phát triển kinh tế là sự phát triển của hàng loạt các ngành nghề dịch vụ, trong đó có ngành nghề kinh doanh thu mua phế liệu, hầu hết các cơ sở kinh doanh này đều không đảm bảo điều kiện kinh doanh, không tuân thủ các quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường như: kho bãi không có mái che, không có đèn, không có người trong coi, hàng hóa đa dạng trong đó nguy hiểm nhất là việc các cơ sở này thu mua các vỏ bom, mìn, phế liệu sau chiến tranh…. do đó chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể sẽ bốc cháy ngay lập tức gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nhận thức được sự nguy hiểm này, thời gian vừa qua các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc tiến hành kiểm tra, thanh tra các điều kiện kinh doanh của loại hình này, từ đó kiến nghị các cơ sở này đưa ra khỏi vực dân cư. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh, tự phát, kết hợp kinh doanh và ở gia đình, do đó khó kiểm soát và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và an toàn xã hội.
Thời gian qua cũng đã xảy ra không ít vụ cháy, nổ từ các cơ sở thu mua phế liệu gây thiệt hại nghiêm trọng đồng thời cũng gây hoang mang cho nhân dân như vụ cháy xảy ra vào ngày 2/4/2020 tại khu vực bãi phế liệu của cửa hàng bán đồ gỗ đường 72 La Dương, phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội khiến nhiều tài sản có giá trị và 1 ôtô tải bị thiêu rụi hay vụ nổ lớn tại cơ sở thu mua phế liệu thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh làm 2 người tử vong, 8 người bị thương, 5 ngôi nhà bị vùi lấp vào ngày 3/1/2019… Tại Kon Tum cũng đã xảy ra 1 vụ nổ vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 23/10/2019 tại nhà ông A Then, thôn 5, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum làm 2 vợ chồng bị chết, 2 con bị thương mà nguyên nhân là do đập tháo đầu đạn để bán phế liệu.
Do đó, để góp phần đảm bảo an toàn trong kinh doanh, hạn chế đến mức thấp nhất các sự việc đáng tiếc và thiệt hại do các vụ việc mang lại, những hộ kinh doanh hàng phế liệu cần phải được trang bị những kiến thức và điều kiện kinh doanh cơ bản, quan trọng như:
Các điểm thu mua phế liệu, kho bãi phải được xây cất tại một khu vực rộng, thoáng khí, tránh ở gần các cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, bệnh viện, các khu dân cư đông đúc, các trại chăn nuôi.
Kho, bãi phải có mái che tránh mưa, nắng bốc mùi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh đảm bảo sức khỏe cho công nhân làm việc.
Khi phế liệu được thu gom phải phân loại, sắp xếp thành từng lô, mỗi lô cách nhau 1,2m và cách tường 0,5 m; cách trần và cách đèn 0,5m; có biện pháp bảo quản tốt đối với các loại phế liệu nguy hiểm như vỏ bình gas cũ, thùng chứa hóa chất, phế liệu chiến tranh…
Kho, bãi và các điểm thu mua phải có người thường trực 24/24 giờ, được trang bị đầy đủ ánh sáng và các trang thiết bị phòng cháy phù hợp.
Đối với những gia đình vừa là nơi ở, vừa là nơi kinh doanh phế liệu cần trang bị đèn chiếu sáng sự cố, bảng chỉ dẫn thoát nạn; các đèn chiếu sáng phải có thiết bị bảo vệ tránh tia lửa điện rơi vào vật liệu gây cháy; dây dẫn điện phải đi trong ống nhựa cách điện; cầu dao, bảng điện phải đặt bên ngoài kho hàng và được ốp bảo vệ bằng vật liệu không cháy. Kiểm tra kỹ nơi đun nấu, nơi thờ cúng, nhất là trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi cơ sở.
Không được hút thuốc khi vào kho phế liệu; không đem vào nơi làm việc các vật dụng bắt cháy.
Không bố trí phế liệu, vật dụng, phương tiện cản trở đường đi, lối thoát nạn, đặc biệt là trước cửa ra vào.
Không hàn cắt kim loại dưới mọi hình thức, đốt dây dẫn điện để lấy lõi đồng.
Bố trí ít nhất 2 cửa thoát nạn , cửa phải mở ra phía ngoài nhà và không chèn khóa, và cửa này không được chặn bất cứ trường hợp nào.
Tổ chức tuyên truyền kiến thức về PCCC đến toàn thể nhân viên, người làm công, tổ chức tập huấn hoặc cử người làm việc tại cơ sở tham gia tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH để biết xử lý tình huống và có kỹ năng thoát nạn khi có sự cố xảy ra.
Hướng dẫn cho công nhân cách sử dụng bình chữa cháy và số điện thoại “114” khi có cháy xảy ra.
PV.