Cứ mỗi lần cô bé 8 tuổi Haruyo Nihei ngoảnh đầu lại, mọi thứ cô nhìn thấy đều đang cháy. Bom của Mỹ dội xuống đã biến thành một cơn lốc lửa dữ dội đến mức đủ sức hút đồ đạc, thậm chí là con người, từ nhà dân rồi ném xuống đường.
Tokyo bị thiêu cháy theo đúng nghĩa đen sau trận không kích 10/3/1945 của Mỹ.
Cô bé Nihei ngày ấy giờ đã 83 tuổi, nhớ lại: “Ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ, biến chúng thành những quả cầu lửa”. Nihei đang say giấc ngủ khi cơn mưa bom bắt đầu dội xuống Tokyo, lúc đó là thành phố chủ yếu với những căn nhà bằng gỗ, khiến cô phải chạy trốn khỏi ngôi nhà cùng với cha mẹ, anh em.
Khi cô bé chạy xuống đường, những cơn gió nóng đến nỗi chiếc áo chống lửa của cô bé cũng cháy. Cô nhanh chóng buông tay cha để ném chiếc áo đi. Ngay lúc đó, anh cô bị cuốn vào dòng người đang cố gắng trốn thoát. Khi ngọn lửa đến gần, Nihei đang ở giữa một ngã tư của Tokyo, hét lên trong hoảng loạn cố gắng tìm cha. Một người lạ mặt cố gắng ôm lấy cô bé để tránh ngọn lửa. Ngày càng nhiều người dồn đến ngã tư, cô bé đị xô ngã xuống đất.
Cô bé cứ ngất đi rồi tỉnh lại trong dòng người đó, cô nhớ như in những giọng nói như bị bóp nghẹt: “Chúng ta là người Nhật. Chúng ta phải sống”. Cuối cùng, những tiếng nói đó nhỏ dần rồi tan biến.
Khi Nihei được lôi ra khỏi đống người đó, cô thấy cơ thể mình lấm lem. Người lạ che chở cho cô chính là người cha. Sau khi bị ngã xuống đất, họ lại may mắn được những người ở trên che chở khỏi ngọn lửa, những người đã trở thành tro bụi.
Đó là ký ức kinh hoàng của bà Nihei về buổi sáng 10/3/1945, và bà là một trong những người hiếm hoi sống sót trong trận đánh bom kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại.
Khoảng 100.000 người Nhật đã thiệt mạng và một triệu người khác bị thương, hầu hết là dân thường, khi hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã thả 1.500 tấn bom vào Thủ đô Nhật Bản vào tối hôm đó.
Hỏa ngục do cơn mưa bom gây ra biến 40km² Thủ đô Tokyo biến thành tro bụi. Theo ước tính, một triệu người trở thành vô gia cư. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, số người thiệt mạng trong vụ đánh bom này thậm chí còn vượt qua vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki cuối năm 1945, lần lượt là 70.000 và 46.000 người.
Nhưng bất chấp sự tàn phá khủng khiếp của các cuộc không kích ở Tokyo, không giống như ở Hiroshima hay Nagasaki, không có bảo tàng nào được tài trợ công khai ở thủ đô của Nhật Bản ngày hôm nay tưởng niệm sự kiện ngày 10/3. Và trong khi vụ đánh bom của quân Đồng minh ở Đức vào tháng 02/1945 đã gây ra một cuộc tranh luận công khai khốc liệt, tác động và hậu quả của các cuộc không kích tại Nhật Bản vẫn chưa có lời giải, dù năm 2020 đánh dấu lễ kỷ niệm 75 năm sự kiện đẫm máu này.
Màn chào sân của B-29
Nỗi kinh hoàng mà Nihei nhìn thấy đêm hôm đó là kết quả của Chiến dịch Meetinghouse, vụ kinh hoàng nhất trong một loạt các cuộc không kích hỏa lực nhằm vào Tokyo của Không quân Mỹ, giữa tháng 02 và tháng 5/1945. Tướng Curtis LeMay, chỉ huy lực lượng máy bay ném bom Mỹ ở Thái Bình Dương, đóng vai trò đầu tàu trong những vụ tấn công này. LeMay sau đó đã phát động cuộc không kích vào Triều Tiên và Việt Nam và ủng hộ ý tưởng về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962.
Vụ tấn công là màn chào sân của siêu pháo đài bay B-29 của Mỹ, thứ vũ khí được coi là
vượt trội hơn bất kỳ loại máy bay ném bom nào thời bấy giờ.
Chúng được thiết kế phần lớn bởi tướng Curtis LeMay, chỉ huy máy bay ném bom Mỹ ở Thái Bình Dương. LeMay sau đó đã phát động cuộc không kích vào Bắc Triều Tiên và Việt Nam và ủng hộ ý tưởng về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962.
Mặc dù Tổng thống Mỹ đương thời Franklin Roosevelt đã gửi thông điệp tới tất cả các nước tham chiến cảnh báo kêu gọi họ kiềm chế “sự man rợ vô nhân đạo” của việc đánh bom nhằm vào dân chúng khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu vào năm 1939, và đến năm 1945, chính sách này đã thay đổi.
Sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, Mỹ đã quyết tâm trả đũa. Đến năm 1942, đế chế Nhật Bản ở Thái Bình Dương đang ở thời kỳ mạnh nhất. Các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ đã đưa ra một danh sách mục tiêu có lợi cho Tokyo cần xóa sạch, từ căn cứ máy bay đến các nhà máy sản xuất ổ bi.
Nhưng để thực hiện kế hoạch của mình, Mỹ cần các căn cứ không quân trong phạm vi các đảo chính của Nhật Bản. Với cuộc xâm chiếm đảo Guadalcanal ở Nam Thái Bình Dương vào tháng 8/1942, Mỹ bắt đầu giành được đất cho mục đích đó, tiếp tục sứ mệnh đó bằng cách chọn các đảo Saipan, Tinian và đảo Guam vào năm 1944.
Với cú hattrick trong tay, Mỹ có các lãnh thổ cần thiết để xây dựng sân bay cho máy bay ném bom hạng nặng mới, hiện đại nhất của họ, B-29.
Ban đầu được thiết kế để tấn công Đức Quốc xã từ lục địa Mỹ trong trường hợp Anh rơi vào tay lực lượng của Hitler, B-29 với khả năng bay nhanh và cao và với lượng bom lớn, là vũ khí lý tưởng để gây chiến với Nhật Bản.
Máy bay ném bom này là đỉnh cao của 20 năm tiến bộ hàng không dẫn đến Thế chiến II và là chiếc đầu tiên có thân máy bay được điều áp, làm nóng, cho phép chúng hoạt động trên 5,4km mà phi hành đoàn không cần phải trang bị đặc biệt hoặc sử dụng mặt nạ oxy. Điều này khiến B-29 vượt qua khỏi tầm bắn của hầu hết các loại súng phòng không và có đủ thời gian trước khi các máy bay chiến đấu có thể vươn đến chúng, theo Jeremy Kinney, chuyên gia tại bảo tàng Không quân và Vũ trụ Smithsonian, tại Virginia, Mỹ.
“Siêu pháo đài bay B-29 là công nghệ tiên tiến nhất thế giới thời bấy giờ và các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ đã sẵn sàng để tấn công Nhật Bản với máy bay này”, Kinney cho biết.
Tuy vậy, các cuộc tấn công sớm của B-29 nhằm vào Nhật Bản bị coi là thất bại. Các máy bay đã rải bom từ độ cao lớn – khoảng 9,1km – độ cao máy bay có thể hoạt động, nhưng chỉ có 20% trúng mục tiêu. Các phi hành đoàn Mỹ đổ lỗi cho tầm nhìn kém trong thời tiết xấu và cho biết những cơn gió mạnh do máy bay phản lực thường đẩy bom ra khỏi mục tiêu khi chúng rơi xuống.
LeMay được giao nhiệm vụ tìm cách để khắc phục. Câu trả lời của LeMay quyết liệt đến nỗi nó thậm chí còn gây sốc cho các phi hành đoàn sẽ thực hiện các cuộc không kích.
Những chiếc B-29 sẽ bay thấp – ở mức 1,5 đến 2,4km – vào ban đêm. Đáng chú ý nhất, họ sẽ sử dụng bom lửa, được thiết kế để thiêu rụi Thành phố Tokyo với nhiều công trình bằng gỗ. Bom lửa, hoặc bom gây cháy, thả ra các chất dễ cháy khi tấn công, trái ngược với bom nổ mạnh, phá hủy bằng chấn động và mảnh đạn.
Khi được thông báo về nhiệm vụ, nhiều trong số hơn 3.000 phi công của Quân đội đã phản ứng với sự hoài nghi. LeMay thậm chí ra lệnh cho các máy bay ném bom lớn không mang theo gần như tất cả các vũ khí phòng thủ để có thể mang nhiều bom lửa hơn.
“Hầu hết những người rời khỏi phòng họp ngày hôm đó đã bị thuyết phục bởi hai điều: một, LeMay thực sự là một kẻ điên, và hai, nhiều người trong số họ sẽ không thể sống để biết được ngày hôm sau thế nào”, James Bowman, con trai của một binh sĩ tham gia cuộc đột kích B-29, viết trong một tạp chí được tổng hợp từ hồ sơ của các đơn vị liên quan.
Lửa từ bầu trời
Vào tối 09/3/1945, từ các đảo Saipan, Tinian và Guam, những chiếc B-29 bắt đầu rời khỏi căn cứ cho chuyến đi kéo dài 7 giờ, 2.400km đến Nhật Bản.
Lửa và khói giống như hỏa ngục thiêu đốt Tokyo.
Sáng sớm 10/3, khi người dân Nhật Bản vẫn còn say giấc ngủ trong những ngôi nhà gỗ, những chiếc máy bay ném bom đầu tiên ở Tokyo đã bắt đầu dội bom lửa xuống Tokyo, theo Robert Bigelow, một phi công B-29 kể lại về cuộc đột kích trong Dự án Lịch sử Hàng không Virginia.
Trong khoảng thời gian từ 1:30 sáng đến 3:00 sáng, lực lượng chủ lực của B-29 của Mỹ đã thả ra 500.000 quả bom M-69. Xăng đông đặc, hay còn gọi là napalm, bên trong vỏ kim loại sẽ cháy vài giây sau khi va vào vật rắn và bắn các chất dễ cháy lên các bề mặt xung quanh.
Haruyo Nihei đã từng chứng kiến các cuộc tấn công ném bom của Mỹ vào Tokyo trước đó, nhưng khi cha cô đánh thức cô dậy trong bóng tối sáng sớm ngày 10/3, ông hét lên khiến bà cảm thấy đây là một vụ hoàn toàn khác biệt. Họ cần phải ra khỏi nhà và đến một nơi trú ẩn dưới lòng đất, không được chậm một giây nào.
Nihei nhớ lại việc vội vàng mặc quần áo, giày dép và ba lô khẩn cấp, giữ chiếc gối của mình và chạy ra khỏi nhà cùng với mẹ, em gái và anh trai. Gia đình của Nihei sở hữu một cửa hàng gia vị, sống ở quận Kameido trung tâm Thành phố Tokyo. Họ vội vã đi qua cửa hàng bán cá địa phương và các cửa hàng tạp hóa nhỏ nằm dọc các con phố.
Trong những khoảnh khắc đầu tiên, cô nhớ không có nhiều lửa, vì không khí bị hút vào cơn hỏa ngục sau đó bùng phát. Ngọn lửa chưa vươn đến nơi họ đang chạy trốn. Gia đình cô đã đến một nơi trú ẩn dưới lòng đất, nhưng nơi ẩn náu của họ không trụ được lâu.
“Chúng tôi đã chui vào trong – chúng tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân người ta chạy trốn, những giọng nói thất thanh, những đứa trẻ hét lên ‘mẹ, mẹ’. Người lớn hét lên tìm con của mình”, bà Nihei kể lại. Chẳng mấy chốc, cha bà bảo họ ra ngoài.
“Con sẽ bị thiêu sống (ở đây)”, cha bà nói. Ông nghĩ ngọn lửa và khói sẽ dễ dàng áp ập qua cánh cửa hầm. Nhưng khi chạy ra bên ngoài, nỗi kinh hoàng thật không thể tưởng tượng được. Mọi thứ đã bị thiêu cháy. Con đường giờ là một dòng sông lửa. “Các em bé bị bỏng trên lưng của cha mẹ. Họ đang chạy với những em bé bị bỏng trên lưng”, Nihei kể lại.
Những con thú cũng bị cháy. Nihei nhớ lại một con ngựa kéo một chiếc xe gỗ chở đầy hành lý. “Nó đột nhiên dang rộng chan chân và đứng yên – sau đó hành lý cũng cháy – sau đó lửa bắt vào đuôi ngựa và nuốt chửng nó”, bà Nihei nói. Người điều khiển ngựa không chịu bỏ những hành lý của mình. “Anh ta bám lấy con ngựa và bị thiêu cháy cùng với nó”.
Ký ức còn mãi đến ngày nay
Ở một góc yên tĩnh của phường Koto, Tokyo, một tòa nhà hai tầng trông có vẻ như một nhà dân nhưng trên thực tế là Trung tâm về cuộc Không kích Tokyo và thiệt hại chiến tranh.
Bà Nihei, năm nay đã 83 tuổi, từng không dám đến Trung tâm vì sợ
những ký ức ám ảnh lại hiện về.
Kể từ khi một nhóm những người sống sót sau trận không kích cùng nhau tham gia khai trương Trung tâm này vào năm 2002, họ đã lưu giữ ký ức về các cuộc không kích Nhật Bản đã gây thiệt hại nặng nề cho dân thường Trung Quốc tại Trùng Khánh, giết chết 32.000 người trong khoảng thời gian từ tháng 02/1938 đến tháng 8/1943, và cả các cuộc không kích khủng khiếp tiếp tục cho đến ngày nay ở những nơi như Syria và Yemen.
Katsumoto Saotome, người sáng lập Trung tâm, đã dành nhiều tâm huyết để có một bảo tàng cấp nhà nước do chính phủ tài trợ dành riêng cho các cuộc đột kích. Tuy nhiên, năm 2013, nguồn tài trợ công đã không còn nữa. Thay vào đó, chính quyền Tokyo bắt đầu tổng hợp danh sách nạn nhân, thiết lập một đài tưởng niệm nhỏ ở Công viên Yokoamicho với tên của các nạn nhân, bên cạnh một ngôi nhà than với tro cốt của các nạn nhân vụ hỏa hoạn ở Tokyo và những người đã chết trong trận động đất lớn Kanto năm 1923.
Nhưng những cử chỉ tưởng niệm nhỏ này chưa thể bù đắp cho những người sống sót sau các cuộc không kích. Với hơn 80% người Nhật sinh ra sau chiến tranh, một số người lo ngại rằng các thế hệ trẻ đang mất dấu với khía cạnh đó trong quá khứ.
“Tôi sợ lịch sử lặp lại”, bà Nihei cho biết. Bà chỉ tìm thấy sức mạnh để đối mặt với quá khứ của chính mình khi Trung tâm được thành lập. Lúc đầu, Nihei quá sợ hãi khi đi một mình đến trung tâm vào năm 2002, vì vậy bà đã nhờ một người bạn đi cùng. Khi vào trong tham quan, đập vào mắt bà là hai hình ảnh khiến bà bàng hoàng xúc động. Đó là bức tranh về những thi thể cháy đen không lành lặn chồng chất lên nhau.
“Nó khiến những ký ức về ngày hôm đó dội về và tôi thực sự cảm thấy như mình mang nợ với tất cả những người đã chết để kể cho người khác biết chuyện gì đã xảy ra ngày hôm đó”, bà Nihei nói.
Hình ảnh thứ hai miêu tả đường chân trời rực đỏ của Tokyo. Ngay phía trên nó, những đứa trẻ ngồi trên một đám mây. “Hình ảnh làm tôi nhớ đến những người bạn thân nhất của tôi và điều đó khiến tôi nghĩ rằng họ vẫn đang có khoảng thời gian vui vẻ ở một nơi khác”./.
Theo Duy Tiến (Công an nhân dân)