Trận đại hồng thủy
Đây là trận lũ đã xảy ra cách đây lâu đến mức người ta không còn nhớ là từ khi nào. Đó có thể là một lời đồn trong lịch sử, hoặc cũng chỉ là một ảo tưởng từ xa xưa, nhưng đó thực sự là một huyền thoại. Người ta truyền nhau rằng cả thế giới đã ngập trong nước bởi cơn giận dữ của Chúa trời trước sự tàn ác tội lỗi của loài người. Đó là đại thảm họa khủng khiếp được nhắc đến trong nhiều tôn giáo khác nhau và truyền thuyết của rất nhiều dân tộc trên thế giới. Nước đã dâng cao hơn cả các ngọn núi cao nhất, nhấn chìm loài người trong gần 160 ngày. Cho đến giờ, trận đại hồng thủy vẫn là một bí ẩn luôn bị tranh cãi về tính thực tế của nó. Có rất nhiều cuộc nghiên cứu, thám hiểm nhằm tìm ra dấu vết chứng minh đã từng xảy ra trận lụt khủng khiếp đó.
Núi lửa phun trào tại Thành phố Pompeii, năm 79 sau Công nguyên
Cho dù đã xảy ra từ rất lâu, nhưng mỗi khi nhắc đến thảm họa của loài người thì cái tên Pompeii (một thành phố của nước Ý) luôn nằm trong tốp đầu của danh sách đó. Vụ phun trào núi lửa kéo dài gần 1 ngày, chôn vùi cả thành phố trong đá bọt, tro và khói mù mịt từ dòng nham thạch hung dữ. Đó là một tin dữ đối với người dân sống tại Pompeii vào năm 79 đó.
Đại hỏa hoạn ở Thành phố London (Anh) năm 1212
Thủ đô nước Anh nổi tiếng vì hứng chịu nhiều trận hỏa hoạn nhất. Từ năm 1130 – 1666, đã có tổng cộng 6 lần xảy ra hỏa hoạn lớn tại thành phố này. Riêng trận hỏa hoạn năm 1212 là gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử nước Anh, với 3.000 người chết và thiêu rụi 1/3 diện tích thành phố. Đến năm 1666, thành London lại bị một trận hỏa hoạn nữa. Lửa cháy suốt 3 ngày từ ngày 02/9 đến ngày 05/9/1666, làm hàng chục người chết, thiêu rụi 13.200 ngôi nhà, làm 70.000 người lâm vào cảnh không nhà cửa.
Trước đó, năm 1665, nơi đây đã xảy ra trận Đại Dịch do bệnh dịch hạch lan tràn làm chết 100.000 người (1/4 dân dân số London thời ấy). Ngọn lửa đã góp phần tiêu diệt nguồn bệnh là các khu nhà ổ chuột, nơi khởi phát dịch bệnh, đồng thời giúp cho các nhà quy hoạch đô thị xây dựng lại thành phố một cách hợp lý và khang trang hơn.
Trận hỏa hoạn ở Nhà thờ Companía de Jesus, Thành phố Santiago (Chile) năm 1863
Đây là trận hỏa hoạn thảm khốc nhất lịch sử thủ đô nước Chile. Chiều tối ngày 08/12/1863, đông đảo giáo dân đã đến Nhà thờ Compania de Jesus để dự ngày lễ lớn Đức Mẹ Vô nhiễm. Bên trong nhà thờ được chiếu sáng bằng nhiều ngọn đèn dầu và nến, các bức tường treo đầy các tấm voan trang trí.
Vụ cháy phát sinh hồi 7 giờ tối, một luồng gió mạnh đã làm đổ một ngọn nến, làm lửa bắt cháy các tấm voan treo tường. Ngọn lửa lan ra khắp nơi trong nhà thờ.
Do các cửa hông đã bị khóa để dành thêm chỗ cho người dự lễ nên lối thoát duy nhất là cửa chính. Trong cơn hoảng loạn, người ta đã chen lấn, xô đẩy để thoát thân nên làm nghẽn lối thoát này. Đến khi lực lượng cứu hỏa phá được các cửa thì đã quá muộn, 2.500 người thiệt mạng trong vụ cháy này.
Cháy rừng tại Peshtigo 08/10/1871
Đây là vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ngọn lửa hung dữ như một cơn lốc, tiến đi như vũ bão, giết chết gần 1.200 người, thiêu trụi hơn một triệu mẫu đất và không thể đếm xuể sự lụi tàn của các loài động thực vật sau cơn giận dữ của “thần lửa”.
Nếu như ngày nay con người có rất nhiều thiết bị, phương tiện hiện đại để dập lửa thì vào cái thời 1871 mọi thứ còn quá thô sơ. Người dân vùng Peshtigo dường như đã bất lực trước sức tàn phá khủng khiếp của đám cháy.
Krakatoa (Krakatau), 26 – 27/8/1883
Ngọn núi lửa Krakatoa đã phát ra 4 tiếng nổ kinh hoàng, tuôn trào gần 5km macma và giải phóng nguồn năng lượng tương đương với một quả bom nguyên tử. Những người ở cách xa hàng nghìn kilomet cũng có thể nghe thấy tiếng “thét” của ngọn núi. Cuộc chuyển mình này đã làm rung chuyển toàn bộ Thái Bình Dương, nhấm chìm cả hòn đảo và tạo ra một cơn sóng thần làm ngập hơn 100 ngôi làng gần đó. Hơn 36 nghìn người đã chết, phần lớn là bởi sự tấn công của sóng thần. Thậm chí, tàn tro của trận phun trào đã bay theo không khí tới tận New York. Người ta cho rằng, đây là trận phun trào núi lửa lớn nhất trong lịch sử.
Đại hỏa hoạn ở Thành phố San Francisco (Mỹ) năm 1906
Trận hỏa hoạn này đã được đưa vào sách kỷ lục thế giới Guiness World Record là gây ra nhiều thiệt hại về tài sản nhất lịch sử. Một trận động đất cường độ 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng sớm ngày 18/4/1906 đã gây nên một trận cháy lớn kéo dài suốt 3 ngày. Lực lượng cứu hỏa đã gặp nhiều khó khăn do thiếu trang bị và hệ thống cấp nước bị hư hỏng do động đất. Người chỉ huy xuất sắc của họ, Giám đốc Sở Cửu hỏa Dennis Sullivan thiệt mạng ngay trước đó do động đất, càng làm họ như rắn mất đầu. Động đất và hỏa hoạn đã phá hủy 80% diện tích thành phố với 25.000 tòa nhà sập đổ và làm thiệt mạng 3.000 người. Việc lực lượng cứu hộ dùng chất nổ đánh sập các tòa nhà để tạo vành đai ngăn lửa lan tỏa càng làm tình hình trầm trọng hơn. Theo ước tính, có khoảng 50% tòa nhà bị sập đổ trong vụ cháy là do bị đánh chất nổ. Trị giá tài sản vật chất thiệt hại lên đến 350 triệu USD theo thời giá năm 1906, tương đương tổng ngân sách quốc gia Hoa Kỳ thời đó (khoảng 6,9 tỉ USD theo trị giá thời điểm hiện nay).
Trận đại hỏa hoạn ở Thành phố Tokyo (Nhật) năm 1923
Nguyên nhân gây hỏa hoạn xuất phát từ trận động đất Kanto với cường độ khoảng 8 độ Richter. Động đất xảy ra vào lúc giữa trưa ngày thứ Bảy, 01/9/1923, đang lúc nhiều gia đình đang nấu nướng bữa trưa, làm hỏa hoạn bùng phát khắp nơi trong thành phố. Những cơn gió mạnh từ một trận bão ngoài khơi thổi vào càng làm cho ngọn lửa bùng phát thành một cơn bão lửa khốc liệt.
Do ở Nhật thường xảy ra động đất, nên nhà cửa thời đó xây dựng phần lớn bằng gỗ. Động đất lại gây ra thêm một cơn sóng thần từ ngoài Vịnh Tokyo quét vào bờ. Những yếu tố này kết hợp lại gây nên sức tàn phá dữ dội, cướp đi sinh mạng của 142.000 người, phá hủy 570.000 ngôi nhà và làm cho 1,9 triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Hỏa hoạn ở thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) năm 1949
Ngày 03/9/1949, tại thành phố nhỏ Trấn Giang (với đặc sản là loại dấm Tiều nổi tiếng thế giới), đã xảy một trận cháy lớn. Do thời đó chưa có khâu lưu trữ báo cáo và thống kê khoa học như sau này, nên người ta không rõ nguyên nhân và con số thiệt hại vật chất cụ thể, chỉ biết rằng đã có khoảng 7.000 cư dân thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn này.
Đại địa chấn tại Chile 22/5/1960
Đây không phải trận động đất có nhiều người tử vong nhất hoặc gây ra thiệt hại lớn nhất nhưng lại là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử. Tại tâm chấn ở Valdivia (Chile), cường độ cơn động đất là 9,5 độ richter. Trận động đất là kết quả của việc hút mảng đại dương Nazca dưới mảng lục địa Nam Mỹ. Trận động đất Valdivia được công bố làm chết 1.600 người (mặc dù có một số nguồn cho rằng con số phải lên tới 5.700 người) và khiến 2 triệu người mất nhà. Cơn sóng thần tiến xa tới tận Hawaii làm chết 61 người, và cả Nhật Bản làm chết 138 người.
Lốc xoáy khủng khiếp (03 – 04/4/1974)
148 cơn lốc xoáy đã tấn công qua 13 tiểu bang của nước Mỹ trong 24 giờ khủng khiếp vào mùa xuân năm 1974 cướp đi 330 người và làm hơn 5.000 người khác bị thương. Người ta tổng kết, các cơn lốc xoáy đã tàn phá 6 triệu kilomet vuông, là trận lốc bùng nổ tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Những nghiên cứu sau đó cho hay, từ 30 cơn bão đã sinh ra gần 150 cơn lốc xoáy tai hại.
Đường Sơn đại địa chấn 28/7/1976
Đường Sơn là một thành phố nhỏ với 1,6 triệu người, nằm cách Bắc Kinh khoảng 110km về phía Đông. Năm 1976, cả thành phố đã phải hứng chịu một trận động đất 7,8 độ richter trong phút chốc phá tan tành tất cả. Động đất diễn ra trong 15 giờ, ước tính có tới 240 nghìn người bị chết và khoảng 500 nghìn người bị thương. Đây là trận động đất làm chết nhiều người nhất trong khoảng 400 năm trở về trước. Thành phố Đường Sơn chỉ còn lại là một đống đổ nát, 95% nhà cửa và 78% tòa thương mại bị phá hủy hoàn toàn.
“Cơn bão của thế kỷ” (12 – 15/3/1993)
Tháng 3 năm 1993, khu vực từ Cuba kéo dài tới Canada đã phải hứng chịu thảm họa thiên nhiên vô cùng khốc liệt. Mười một cơn lốc xoáy, bão và gió ở miền Nam, tuyết rơi dày đặc ở vùng ven biển phía Đông và mưa tầm tã ở một vài nơi khác… là đặc điểm cơ bản của thứ được mệnh danh là “Cơn bão của thế kỷ”. Đó là sự kết hợp của một hệ thống các kiểu thời tiết, dồn đập tấn công loài người. Cơn bão đã khiến hàng triệu người sống trong cảnh thiếu điện và cướp đi khoảng 300 sinh mạng.
Sóng thần Ấn Độ Dương 26/12/2004
Thảm họa bắt nguồn từ một vụ động đất lớn có cường độ 9,1 độ richter ở vùng trung tâm ngoài khơi bờ biển hòn đảo của Indonesia. Trận động đất được ghi nhận là lớn thứ 3 trong lịch sử, và là trận động đất kéo dài nhất. Mặt đất rung chuyển trong hơn 8 phút, thảm kịch Andaman-Sumatra này làm trái đất dịch chuyển tới 1cm. Nhưng đó mới chỉ là màn dạo đầu của cuộc tấn công. Cơn sóng thần xuất hiện và gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Nó càn quét qua 14 quốc gia, giết chết gần 230 nghìn người và làm khoảng 1,7 triệu người phải dời nhà. Mực nước tăng trên các đại dương, sóng hung dữ vươn cao tới hơn 30m.
Bão Katrina và mùa bão Đại Tây Dương 2005
Tháng 8 năm 2005, một cơn bão mang tên Katrina đã đổ bộ qua các bờ biển vùng Vịnh miền Đông Hoa Kỳ. Hơn 1800 người đã chết, các cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng. 80% New Orleans bị ngập trong nước và không có dấu hiệu ngừng bão trong một thời gian dài. Cơn bão Katrina có sức gió lên tới 280km/giờ đã trở thành cơn bão nghiêm trọng thứ 4 tấn công Đại Tây Dương trong lịch sử. Đó hẳn là mùa bão khó quên trên Đại Tây Dương với sự công phá tổng lực của 15 cơn bão. Từ đây, một thông điệp mạnh mẽ cảnh báo cho loài người về sự giận dữ không thể kiềm chế của thiên nhiên đã bắt đầu./.
HỒNG MINH (Tổng hợp)