Trong những năm gần đây, cháy, nổ tàu cá trong quá trình hành nghề trên biển hoặc khi neo đậu tại bờ gây thiệt hại lớn cho bà con ngư dân. Trước diễn biến thời tiết nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy, nổ càng tăng cao, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tăng cường các biện pháp phòng chống cháy, nổ, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền để ngư dân có những chuyến đi biển bình yên.
Nhờ sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước và sự khuyến khích của chính quyền địa phương, vươn khơi, bám biển dài ngày trên những con tàu lớn được đầu tư không còn là chuyện xa vời đối với bà con ngư dân. Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là tình hình cháy, nổ tại các phương tiện tàu thuyền lại diễn ra phức tạp, đặc biệt là vào những thời điểm nắng nóng kéo dài. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do sự chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC của các chủ tàu.
Còn nhớ ngày 06/4/2019, trên sông Hàn (TP Đà Nẵng) đã xảy ra vụ cháy tàu cá ĐN-TS 90081. Ngay sau khi nhận được tin báo, hàng chục cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cùng hơn 10 xe chữa cháy, cano đã được huy động có mặt tại hiện trường để dập lửa. Đám cháy xuất phát tại khu vực cabin rồi nhanh chóng lan ra toàn bộ con tàu trong khi xung quanh còn có hàng chục tàu thuyền khác đang neo đậu, khiến lực lượng chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chữa cháy đã phải đưa tàu đến khu vực cầu Tình Yêu và triển khai lăng phun đồng loạt mới có thể dập tắt được đám cháy. Tuy nhiên, thiệt hại do vụ cháy lên đến hàng trăm triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định do chập điện tại khu vực cabin. Gần đây nhất, ngày 29/5/2020, tàu cá QNG 97060 do ông Phạm Quốc Thạch (ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ đang được đưa vào xưởng sửa chữa tàu thuyền của Công ty Cổ phần Đóng tàu thuyền Bảo Duy tại Đà Nẵng thì bất ngờ bốc cháy. Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng lập tức điều động 2 ca nô và 6 xe chữa cháy đến hiện trường, nhanh chóng triển khai để dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, do tàu cá nằm sâu trong xưởng nên lực lượng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Trong khi đó, đám cháy xuất phát từ dưới khoang tàu, gặp nhiên liệu dễ cháy nên quá trình chữa cháy càng gặp nhiều trở ngại. Sau khoảng 1 giờ, lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để cháy lan sang các tàu khác. Vụ cháy không gây thiệt hại về người song đã thiêu rụi nhiều ngư cụ, máy móc trên tàu với tổng thiệt hại ước tính 1 tỷ đồng.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng tham gia chữa cháy tàu cá mang số hiệu QNg97060TS tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà, ngày 29/5/2020.
Đây chỉ là hai trong nhiều vụ cháy tàu cá xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng. Theo Đại úy Lê Tuấn Anh – Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng: Nguyên nhân các vụ cháy tàu cá phần lớn do hệ thống điện không đảm bảo hoặc bà con ngư dân bất cẩn trong quá trình sử dụng hệ thống điện, các loại bình gas dùng cho nấu ăn trên tàu. Đặc biệt là vào mùa nắng nóng thì nguy cơ cháy, nổ tàu thuyền rất cao vì nhu cầu sử dụng điện tăng, mà đa số các tàu có hệ thống đấu nối điện chưa đảm bảo. Nhiều tàu cá công suất lớn chứa hàng nghìn lít dầu diesel, các bình gas cỡ lớn và nhiều ngư cụ, lưới đánh cá, trong khi đó, sau mỗi chuyến tàu được cá, ngư dân thường thờ cúng, thắp hương, đốt vàng mã áo giấy trên tàu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên các vụ cháy, nổ tàu cá. Bên cạnh đó, các chủ tàu cũng còn chủ quan, không trang bị các thiết bị PCCC hoặc có trang bị thì kiến thức về PCCC còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa được hướng dẫn, tập huấn về công tác PCCC nên việc chữa cháy ban đầu vẫn còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, do khu vực neo đậu có diện tích nhỏ nên các tàu đánh bắt được bố trí san sát nhau khiến nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn khi có sự cố rất cao. Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng là nơi thường xuyên có hàng trăm tàu cá ngư dân của nhiều tỉnh, thành phố cả nước neo đậu để thực hiện các dịch vụ thương mại hậu cần, hoặc trú tránh sau mỗi chuyến đánh bắt từ biển trở về. Tuy nhiên, nơi đây cũng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải và ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi, số lượng phương tiện tàu thuyền các tỉnh miền Trung về đây buôn bán, neo đậu ngày một gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, nhất là trong mùa nắng nóng. Trung bình mỗi ngày, Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phải tiếp nhận từ 500-600 lượt tàu, thuyền vào buôn bán, neo đậu, vượt tải so với công suất thiết kế 493 phương tiện ban đầu.
Trước thực trạng đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng, đặc biệt là Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Trên sông đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng triển khai nhiều biện pháp PCCC và nâng cao ý thức cho bà con ngư dân. Đơn vị đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp trong công tác quản lý về PCCC&CNCH giữa Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Đồn Biên Phòng Sơn Trà, Hải Đội II thuộc Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng về việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn giao thông và PCCC&CNCH đối với chủ sở hữu phương tiện giao thông vận tải đường thủy nội địa hoạt động, neo đậu trên các tuyến sông thuộc TP Đà Nẵng; phối hợp với Đồn Biên phòng Sơn Trà làm tốt công tác nắm tình hình các cá nhân nhận giữ, trông coi tàu đánh bắt thuỷ sản, yêu cầu phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC trên toàn địa bàn.
Đơn vị đã chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền kiến thức PCCC và hướng dẫn an toàn cháy, nổ cho các chủ phương tiện thủy nội địa neo đậu trên sông Hàn, Âu Thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đặc biệt là tại các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao: các chở dầu, các tàu du lịch, cảng biển và các cơ sở ven sông… Nhiều hình thức tuyên truyền được thực hiện như: lồng ghép giữa tuyên truyền bằng miệng và cấp phát cẩm nang về PCCC&CNCH đến từng người đứng đầu cơ sở để nâng cao nhận thức về PCCC; tuyên truyền lưu động bằng ca-nô chữa cháy, gửi công văn khuyến cáo về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trên các tàu du lịch, tàu chở dầu và các cơ sở ven sông nhân dịp Lễ Tết và các ngày diễn ra các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn… Đại úy Lê Tuấn Anh cho biết: Ngoài thông tin tuyên truyền lưu động, nhắc nhở, chúng tôi còn tổ chức cho bà con ngư dân ký cam kết đảm bảo an ninh, trật tự và PCCC khi đưa tàu về neo đậu tại âu thuyền cảng cá.
Một trong những biện pháp đảm bảo an toàn mà lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng triển khai hiệu quả là xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn PCCC. Trong những năm gần đây, đơn vị đã phối hợp Ban Quản lý Cảng cá, Âu thuyền Thọ Quang duy trì tốt mô hình “Tổ tàu dầu tự quản”, xây dựng điểm “Cửa hàng xăng dầu văn minh, an toàn PCCC, xanh, sạch, đẹp” đem lại nhiều kết quả tích cực. Các tàu kinh doanh mua bán xăng, dầu trên sông đã trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC, nhân viên được tập huấn PCCC&CNCH, chấp hành tốt khâu vệ sinh tàu, có dụng cụ xử lý váng xăng, dầu, không thải trực tiếp xuống nước…
Đi liền với công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng tăng cường kiểm tra các quy định đảm bảo an toàn PCCC đối với tàu thuyền, nhắc nhở ngư dân sắp xếp, quản lý an toàn các vật dụng có nguy cơ gây cháy, nổ; yêu cầu chủ tàu trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ trên các tàu cá. Cùng với đó, ngư dân còn được lực lượng Cảnh sát PCCC trực tiếp tổ chức hướng dẫn, tập huấn sử dụng các trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, cách xử trí khi có cháy, nổ xảy ra.
Để sẵn sàng phương tiện và lực lượng nếu có sự cố xảy ra, lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an TP Đà Nẵng đã tổ chức thực tập phương án PCCC&CNCH tại tàu chở dầu, xử lý tình huống cháy, nổ trong mùa mưa bão tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc giúp ngư dân, chủ tàu nắm bắt các kỹ năng, quy trình phối hợp để triển khai chữa cháy. Đây cũng là dịp để các tàu chở xăng dầu, tàu hàng, tàu đánh bắt thủy sản cao ý thức cảnh giác, trang bị các phương tiện chữa cháy để sẵn sàng đối phó khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Với nỗ lực đảm bảo an toàn cho các tàu cá và khu vực neo đậu, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Đà Nẵng đã không ngừng tự rèn luyện, trao dồi các kỹ năng chữa cháy và CNCH, bố trí cán bộ đi đào tạo lái xuồng, CNCH, trang bị bổ sung phương tiện chiến đấu để sẵn sàng chữa cháy, ứng cứu ngư dân khi có sự cố xảy ra. Trong thời gian tới, TP Đà Nẵng cũng có kế hoạch mở rộng Âu thuyền Thọ Quang cũng như bố trí khu vực neo đậu riêng cho tàu kinh doanh xăng dầu để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt và quyết định vẫn là ý thức và sự chủ động PCCC của ngư dân và các chủ tàu thuyền để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ tàu thuyền, đảm bảo tài sản và tính mạng cho ngư dân, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Bảo Anh