Từng là một chiến sĩ dày dạn qua nhiều trận mạc, gắn bó nhiều năm với binh nghiệp, chất “thép” ở Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp tục được thể hiện trong cương vị người đứng đầu Đảng, mà cụ thể là về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; phòng, chống tham nhũng.
Với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), ra đời năm 1999 về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó đã “xới lại, củng cố lại” nền móng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã phân tích thực trạng của Đảng một cách thẳng thắn và sâu sắc. “Sau gần ba năm kể từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996 đến nay, chúng ta đã phải thi hành kỷ luật 60.000 đảng viên, trong đó, khai trừ 11.000, có 1.108 người bị xử tù…
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn Không quân 370,
ngày 19/02/1998, tại Cần Thơ.
Nếu Đảng không thấy được những yếu kém ấy, không tập trung, không kiên quyết khắc phục và ngăn ngừa có hiệu quả, thì rất có thể Đảng sẽ ngày càng tự biến chất, xa rời bản chất cách mạng của Đảng. Có phải nếu như chúng ta không khắc phục được, không ngăn ngừa được những yếu kém nói trên, nhất là về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, cũng như về nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, nó sẽ đưa đến nguy cơ tự hủy mình hay không?”, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu vấn đề. Chính từ hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Là một trong những thành viên tham gia nghiên cứu, khảo sát, soạn thảo để xây dựng Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), ông Nguyễn Đức Hà – Nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương nhớ lại: Hội nghị diễn ra sau hơn 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước có nhiều thành tựu nhưng cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8) đã đề cập những vấn đề cấp bách, mấu chốt là làm sao để tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng.
“Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8) ra đời như một làn gió mới, như là một sự “cởi trói”, dám nhìn thẳng vào sự thật và xử lý điểm những vấn đề thực tiễn đặt ra. Sau 10 năm đổi mới, sau những biến cố lớn của thế giới, nhất là những vấn đề liên quan đến phong trào cộng sản quốc tế, tổ chức của Đảng có nhiều vấn đề cần phải “xốc lại”, kiện toàn lại. Cán bộ chúng ta bên cạnh những thành tựu, cố gắng, quyết tâm thì lúc này những biểu hiện suy thoái, biểu hiện tham nhũng đã xuất hiện, rất phức tạp”, ông Nguyễn Đức Hà nói.
12 năm làm thư ký cho Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ông Nguyễn Giáp Dần hiểu rõ những trăn trở của người đứng đầu Đảng lúc bấy giờ. Bởi, phát động một công cuộc chấn chỉnh những yếu kém đó chắc chắn sẽ đụng chạm chỗ này, chỗ kia.
Trong những sinh hoạt chính trị vốn đề cao tính tập thể này, chỉ một chút thiếu cẩn trọng, thiếu nguyên tắc là rất dễ đổ vỡ. Mà đổ vỡ ở tầm cao là nguy cơ, rủi ro rất lớn cho Đảng. Thế nhưng, với tinh thần “thép” của người chiến sĩ từng xông pha trận mạc, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã rất quyết liệt trong công tác chỉnh đốn Đảng.
“Nghị quyết đấy, lúc đầu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu rất trăn trở vì khi đó đã có một số những biểu hiện suy thoái trong Đảng. Bởi vậy, làm cuộc đấy là kịp thời và tạo ra một động lực cho Đảng, cho dân phấn khởi và cũng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Mục đích của Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 và cũng như sau này là Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 (Khóa 12) giúp cho việc củng cố xây dựng Đảng”, ông Nguyễn Giáp Dần nói.
Hơn 90 năm xây dựng và rèn luyện, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc cũng lo lắng nhiều về công tác này. Nối tiếp Hội nghị Trung ương 3 (Khóa 7) năm 1992 về một số nhiệm vụ về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã “xới lại”, củng cố lại nền móng cho công tác này.
Nghị quyết Hội nghị đã tập trung vào vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, quyết liệt đưa những vụ án lớn ra xét xử. Nổi bật là vụ án Năm Cam; vụ án Nguyễn Văn Mười Hai – ông chủ hãng nước Hoa Thanh Hương; vụ án Ban Tài chính quản trị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh…
Ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn nhớ, khi đó, nhiều cán bộ vi phạm đã bị xử lý với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”: “Đại hội 8 đã nêu một bộ phận cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái biến chất. Tôi nhớ Hội nghị Trung ương 6 lần 2 thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Đến Đại hội 9 không còn 1 bộ phận, mà thành 1 bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất”.
Trong thời gian đương nhiệm hay khi đã thôi giữ những trọng trách trong Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn truyền đi những thông điệp cứng rắn, mạnh mẽ; đấu tranh quyết liệt với sự tha hóa, hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Sau Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa 8), tháng 1/2012, Đảng ta tiếp tục ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 11) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” và tháng 10/2016 ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 12) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Hai nghị quyết quan trọng này đã kế thừa và phát triển vấn đề chỉnh đốn Đảng, vấn đề tư tưởng, tổ chức, đấu tranh chống tham nhũng… của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8).
Soi chiếu với những kết quả của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và duy trì suốt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 đến nay, càng cho thấy ý nghĩa của việc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt nền móng từ Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8)./.
Theo Minh Châu – Lại Hoa
(Báo Công an nhân dân)