web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – Yêu cầu đặt ra cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21, đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu về năng lượng, tài nguyên nước, lương thực, các hệ thống kinh tế xã hội…Biến đổi khí hậu, với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và nước biển dâng, chủ yếu do các hoạt động kinh tế – xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.

Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ làm cho tần suất và đặc biệt là cường độ của các loại thiên tai như bão, lũ, hạn hán, tố, lốc, động đất, sóng thần, sạt lở… ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường, không theo quy luật và có thể trở thành thảm họa gây rủi ro lớn cho nền kinh tế, cho xã hội và xóa đi những thành quả của nhiều năm phát triển.

 

 

Theo Công ty tái bảo hiểm Munich Re của Ðức, thiên tai đã gây thiệt hại 150 tỷ USD trên toàn cầu trong năm 2019, tăng 10 tỷ USD so năm 2018. Năm 2019, khoảng 9.000 người đã thiệt mạng trong 820 thảm họa thiên nhiên trên thế giới. Có thể kể đến một số thiên tai, thảm họa như: bão Hagibis và bão Faxai gây tổng thiệt hại 26 tỷ USD cho Nhật Bản; cháy rừng ở Bang California (Mỹ) gây thiệt hại 25 tỷ USD; cháy rừng ở Australia thiêu rụi hơn 8,6 triệu ha đất, gần bằng diện tích nước Áo, phá hủy hàng nghìn tòa nhà, cắt đứt mạng lưới điện và viễn thông, cháy rừng đã khiến ngành du lịch Australia dự báo thiệt hại ở mức tương đương 3,1% GDP nước này; còn tại Indonesia, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng thiệt hại và tổn thất kinh tế do cháy rừng tại nước này đã lên tới ít nhất 5,2 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP của nước này, ước tính hơn 900 nghìn người ở Indonesia đã mắc các bệnh về đường hô hấp do bị ảnh hưởng của cháy rừng…

Tại Việt Nam, thiên tai năm 2019 không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 loại hình thiên tai (bão, dông, lốc sét; lũ quét, sạt lở đất; rét đậm, rét hại; nắng nóng; mưa lớn, ngập lụt; trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long…). Tại Hội nghị Trực tuyến công tác PCTT và TKCN năm 2020 do Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức báo cáo cũng cho hay, thiệt hại do thiên tai năm 2019 ở Việt Nam đã được giảm thiểu tối đa, đặc biệt là về người (133 người chết và mất tích). Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng, đã giảm nhiều so với thiệt do thiên tai gây ra năm 2018 (ước tính gần 20.000 tỷ đồng). Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai từ đầu năm đến tháng 5/2020 gần 3.183 tỷ đồng, hàng năm thiên tai gây thiệt hại đến nền kinh tế của nước ta từ 1 – 1,5% GDP.

 

 

Trước những con số biết nói về thiệt hại do thiên tai gây ra, các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,50C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 20C đến 30C vào cuối thế kỷ 21. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Tình hình và những con số thống kê sơ bộ nói trên đã đặt ra cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của cả nước nói chung và của lực lượng Công an nói riêng, đặc biệt là công tác cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai, lụt bão là những khó khăn và thách thức vô cùng to lớn.

Vai trò, trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong công tác ứng phó, phòng chống giảm thiểu rủi ro thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Theo Luật Phòng, chống thiên tai đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam khóa XIII, thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2013 và có hiệu lực vào ngày 01/5/2014 tại Khoản 3, Điều 6 có ghi rõ: “Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội…”. Cụ thể là các nhiệm vụ chính sau đây:

– Hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân sơ tán khỏi vùng nguy hiểm, xung yếu;

– Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội khi xảy ra thiên tai; đảm bảo an toàn tài sản cho nhân dân khi đi sơ tán, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân nơi xảy ra thiên tai;

– Đảm bảo an toàn giao thông. Tổ chức phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông an toàn qua các vùng bị thiên tai lụt bão;

– Tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai, lụt bão.

Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng CAND ngày càng được triển khai có tổ chức, xuyên suốt từ Trung ương tới các đơn vị địa phương. Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Chủ động Phòng ngừa – Ứng phó kịp thời – Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng tránh là chính”.

Xác định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của đơn vị cơ sở, hướng về cơ sở, quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho cơ sở thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ” để giúp cho đơn vị cơ sở có đủ khả năng và điều kiện ứng phó kịp thời, tại chỗ khi thiên tai, tai nạn, sự cố xẩy ra, làm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Công an các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế và chức năng nhiệm vụ được giao đã tổ chức, thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các Ban Chỉ huy đã duy trì hoạt động, tổng kết công tác cuối năm, xây dựng kế hoạch ƯPBĐKH, PCTT và TKCN, có sự phân công, chỉ đạo từng thành viên Ban Chỉ huy. Các Ban Chỉ huy phân công, chỉ đạo các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện ứng trực, chủ động chuẩn bị, bố trí các lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó thiên tai, sự cố, xây dựng kế hoạch về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông khi xảy ra thiên tai nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và chủ động kế hoạch di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng sâu, vùng bị chia cắt, cô lập về giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân và công trình kinh tế trọng điểm của địa phương.

Căn cứ vào Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Bộ Công an và tình hình thực tế tại địa phương, nhiều tỉnh đã xây dựng phương án phòng chống thiên tai lụt bão theo các tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra, phù hợp với điều kiện thời tiết, thủy văn tại địa phương. Đặc biệt một số tỉnh đã ra các Quyết định thành lập Đại đội xung kích PCTT và TKCN gồm các đồng chí trẻ tuổi có sức khỏe, có phân công nhiệm vụ cụ thể để chủ động khi có tình huống xảy ra, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư nhanh chóng đưa người, tài sản đến nơi an toàn, tham gia tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai, lụt bão và ứng phó với biến đổi khí hậu của lực lượng Công an nhân dân

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, vai trò và trách nhiệm của ngành Công an trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và đặc biệt là cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai, lụt bão, thảm họa, sự cố lớn, lực lượng Công an nhân dân cần triển khai thực hiện một số giải pháp chiến lược sau:

Một là, nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực của các lực lượng thuộc Bộ Công an để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, sự cố lớn. Hoàn thiện tổ chức bộ máy chỉ đạo, chỉ huy, điều hành công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của ngành Công an từ Bộ tới Công an các đơn vị địa phương.

Hai là, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chỉ huy, điều hành, phối hợp, chế độ chính sách cho các lực lượng thường trực chuyên trách, kiêm nhiệm và dự bị xung kích làm công tác phòng chống thiên tai lụt, bão và TKCN.

Ba là, tổ chức đào tạo, tập huấn, huấn luyện, diễn tập phương án, kỹ năng tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ do thiên tai, thảm họa thiên nhiên cho các lực lượng thường trực, chuyên trách, kiêm nhiệm và dự bị xung kích phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của ngành Công an.

Bốn là, đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng, đặc chủng thiết yếu TKCN trong thiên tai, bão, lũ, thảm họa để trang cấp cho Công an các đơn vị địa phương.

Năm là, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bản đồ xác định nguy cơ xảy ra thiên tai ở từng địa phương. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với ngành Công an và xác định các giải pháp ứng phó.

Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để sản xuất các phương tiện, thiết bị tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của ngành Công an.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ, tận dụng sự hỗ trợ về tài chính, trang thiết bị, công nghệ, năng lực quản lý để triển khai có hiệu quả công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của ngành Công an./.

Đại Nghĩa (Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)