Trong Thư khen gửi cán bộ chiến sĩ Đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) thuộc Công an Hà Nội ngày 3-8-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao quan điểm “Lấy dân làm gốc”, nhấn mạnh vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ trong công tác PCCC: “Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”. Thấm nhuần lời dạy của Bác và từ thực tiễn công tác, lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm huấn luyện, bồi dưỡng, đầu tư kinh phí và trang bị phương tiện PCCC, đưa lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố trở thành phòng tuyến bước đầu trong việc dập tắt và ngăn chặn các vụ cháy lớn.
Lâu nay, người dân phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 đã quen với hình ảnh của anh Lý Nhơn Thành – Trưởng ban bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình hay đi đến từng hộ gia đình nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn PCCC. Tuy không được đào tạo qua một lớp PCCC chuyên nghiệp nào, nhưng bằng niềm đam mê của mình, anh đã tự mày mò, học hỏi và hiện giờ là một “kho di động” về kiến thức PCCC. Không chỉ am hiểu về kiến thức PCCC mà anh Thành còn chế tạo ra các loại xe chữa cháy hoạt động hiệu quả trong hẻm nhỏ, hẻm sâu – một loại hình giao thông phổ biến trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. “Chứng kiến nhiều vụ cháy gây chết người tôi đã suy nghĩ làm sao để giúp người dân thoát khỏi nguy cơ rình rập từ hỏa hoạn. Vì vậy tôi cùng anh em trong Ban bảo vệ dân phố thường xuyên đến từng hộ dân nhắc nhở, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện, buôn bán, đun nấu…”. Anh Thành chia sẻ.
Theo chân anh Thành đi vào con phố buôn bán tấp nập trên đường Yersin (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), vừa đi anh vừa chỉ vào những ngôi nhà cao tầng kết hợp sản xuất kinh doanh và tâm sự: “Với những nhà dân kinh doanh có trồng cây xanh, treo bảng hiệu, áp phích to chiếm diện tích lớn, tôi đã phát động chương trình “Ngày chủ nhật xanh” làm công tác thu dọn lá khô trên các nóc nhà, mái che, biển quảng cáo… vì biết rằng khi thời tiết nắng nóng, các dây điện móc nối trong các biển quảng cáo có thể kết hợp với lớp lá khô gây cháy, hỏa hoạn ập đến bất ngờ với hậu quả không lường được. Ban đầu người dân không hiểu thì thấy khó chịu, nhưng khi biết được thì ủng hộ. Đợt nào chúng tôi bận công việc không thể đi thu dọn được thì mấy hôm sau gặp lại nhiều người sẽ hỏi: “Hình như mấy nay tui không thấy chú Thành đi kiểm tra phòng cháy chữa cháy!”.
PCCC là lĩnh vực hoạt động mang tính quần chúng nhân dân rộng rãi. Có thể nói từ khi Luật PCCC chính thức ra đời năm 2001 thì nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác PCCC cũng được nâng cao hơn. Thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND Thành phố ban hành 1 Nghị quyết, 11 Chỉ thị, 5 quyết định… chỉ đạo về công tác PCCC&CNCH. Trong đó, có các chỉ thị, nghị quyết về công tác huấn luyện, đầu tư cho lực lượng PCCC tại chỗ, như chỉ thị số 19/2012/CT-UBND ngày 11/7/2012 của UBND Thành phố về xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn Thành phố, trong đó có nội dung tập trung củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác PCCC các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành; Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND ngày 21/4/2016 quy định mức hỗ trợ thường xuyên và trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng dân phòng trên địa bàn TP…nhằm mục đích xây dựng hoạt động lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố trong công tác PCCC một cách có hiệu quả sâu rộng, vững chắc.
Nhận thức được vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ trong công tác đảm bảo an toàn PCCC cũng như an ninh trật tự tại địa phương, người Trưởng ban bảo vệ dân phố Lý Nhơn Thành suy nghĩ làm sao để có thể trợ giúp lực lượng Cảnh sát PCCC trong việc hỗ trợ công tác chữa cháy ban đầu. Vì thế anh đã chế tạo ra các loại xe chữa cháy mini đi trong địa hình hẻm sâu, hẻm nhỏ – nơi xe chữa cháy chuyên nghiệp không thể đi vào được. “Tài sản” để chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của anh Thành sau 21 năm gắn bógồm có: 1 xe mô tô, 1 xe ba gác và 1 xe bán tải. Anh Thành đã tự bỏ tiền ra nghiên cứu sáng tạo với sự trợ giúp tư vấn từ lực lượng Cảnh sát PCCC. “Khi bắt tay vào chế ra những chiếc xe này, tôi gặp không ít khó khăn vì không hiểu nguyên lý hoạt động. Lúc đó tôi gọi cho anh Tâm (Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng PC07 – Công an TP HCM) và anh Thành (Thượng tá Dương Văn Thành – Phó Trưởng Phòng PC07- Công an TP HCM) nhờ tư vấn. Tôi chưa nói ra ý định chế xe chữa cháy mi ni cho hai anh, sau này khi chế tạo thành công rồi tôi mới báo và được hai anh ủng hộ nhiệt tình”.
Chiếc xe ba gác của anh đầy đủ “đồ nghề” để chữa cháy và cứu người.
Chiếc xe chữa cháy “xịn xò” nhất, tâm huyết nhất của anh Thành là xe ba gác được anh mua với giá 37 triệu đồng, sau đó độ lên, trang bị bình bột hóa chất F500 loại 35kg, vòi nước dài 150m, máy bơm 5 mã lực, có cả thang cứu hộ cứu nạn có thể vươn cao lên 8m. Chiếc xe này đã cùng anh tham gia hơn 100 vụ chữa cháy trên địa bàn quận 1 và quận lân cận. Bên cạnh đó là chiếc xe mô tô cơ động được anh sắm năm 2019 có thể đi vào trong các hẻm nhỏ, hẹp. Xe trang bị máy bơm với hai đường vòi dài 50m, đầu vòi gắn vào vòi nước sinh hoạt trong nhà dân. Đó còn là chiếc xe tải chứa nhiều vật dụng dùng để chữa cháy, cứu nạn cứu hộ như: lăng, vòi chữa cháy, bình chữa cháy, phao cứu hộ, dụng cụ phá dỡ công trình…
Tưởng rằng niềm đam mê anh Thành chỉ dừng lại ở việc chữa cháy nhưng chúng tôi còn bất ngờ khi được anh tiết lộ, anh đã yêu cầu các thành viên trong Ban bảo vệ dân phố phải biết bơi giỏi để cứu người đuối nước tại cầu Calmette – nằm trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình. Kết quả là lực lượng bảo vệ dân phố đã cứu được 8 người từ các vụ nhảy cầu, đuối nước.
Nói về mối quan hệ gắn bó của mình với lực lượng Cảnh sát PCCC, mà đặc biệt là với Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng PC07 – Công an TP HCM, anh Thành mỉm cười: “Tâm mỗi lần đi công việc ngang qua trụ sở Ban bảo vệ dân phố thường ghé vào thăm hỏi anh em. Trước đây, sau khi chúng tôi chữa thành công một vụ cháy, giấy khen chưa có đại trà như bây giờ, Tâm hay làm thư gửi khen ngợi, động viên, hoặc biết bảo vệ dân phố có người bị thương là lập tức vào bệnh viện thăm liền”.
Khi đang trực tại trụ sở Ban bảo vệ dân phố vào ngày 29 Tết năm 2019, đứng ở bên đây cầu Calmette nhìn sang phía bên kia cầu là địa bàn quận 4, một tiếng nổ lớn vang lên chát chúa kèm khói đen bốc lên ngùn ngụt, biết rằng vừa có một vụ cháy xảy ra, anh Thành nóng lòng muốn thật nhanh qua bên đó để chữa cháy, nhưng sợ không phải địa bàn mình phụ trách nên e ngại không dám đi. Lúc đó anh liền gọi cho Đại tá Huỳnh Quang Tâm xin ý kiến: “Giờ Tâm ơi, bên quận 4 nó cháy mình chạy qua được không?”. Đại tá Huỳnh Quang Tâm liền trả lời: “Anh ơi cháy với cướp là không phân biệt địa bàn, anh cứ qua đó hỗ trợ trước, lực lượng Cảnh sát PCCC đang tới!”. Kết quả vụ cháy ngày hôm đó, anh Thành đã nhanh chóng cô lập vùng cháy, ngăn không cho đám cháy phát triển lớn tại nhà dân.
Chỉ vào vết bỏng ăn sâu vào gân ở bàn chân phải khi là người đầu tiên đến cứu chữa vụ cháy tại Spa Himalaya health (số 147 Nguyễn Thái Bình, quận 1) vào ngày 13/8/2019, anh Thành kể lại: “Lúc đó Đại tá Tâm xuống hiện trường chỉ huy chữa cháy, đồng chí có hỏi: “Anh em bảo vệ dân phố có ai bị thương không?”. Mọi người báo cáo có tôi nên Tâm đã gặp tôi hỏi thăm, chỉ đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, giới thiệu bác sĩ và dặn dò: “Anh cứ qua bên đó yên tâm khám bệnh, gặp bác sĩ anh cứ coi như người nhà, cố gắng chữa trị để vết thương nhanh lành!”.
Trong những năm qua, mật độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển đô thị ngày càng cao, cùng với sự phát triển với quy mô ngày càng lớn, sự đa dạng về loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ, sản xuất đã tạo cho thành phố Hồ Chí Minh một diện mạo mới, phát triển về mọi mặt. Tuy nhiên Thành phố cũng đang phải đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, ngập nước, kẹt xe, biến đổi khí hậu, tình hình nhập cư, mất cân đối trong vấn đề quy hoạch… Riêng trong lĩnh vực PCCC có thể dễ nhận thấy tình hình cháy, nổ trong những năm gần đây cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH- Công an TP Hồ Chí Minh là đơn vị đảm nhiệm công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Người đứng đầu là Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng đã có nhiều tâm huyết và trăn trở. Nhiệm vụ đặt ra đòi hỏi đơn vị phải có nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả về PCCC trên địa bàn trọng điểm. Không những trong công tác chữa cháy mà còn quan tâm tập trung nhiều hơn nữa đến công tác tuyên truyền, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ thật hiệu quả.
Từ thực tế chiến đấu, vận dụng việc học lấy dân làm gốc và nhất là phương châm 4 tại chỗ: chỉ huy, lực lượng, phương tiện và vật tư hậu cần, Đại tá Huỳnh Quang Tâm đã sáng tạo và thực hiện thành công mô hình 4 lớp. Lớp đầu tiên chính là hộ gia đình, đối tượng phát hiện cháy đầu tiên; kế đến là những người thường xuyên có mặt tại địa phương, từ anh lái xe ôm cho đến chị bán hàng; lớp tiếp theo là lực lượng dân quân, Bảo vệ dân phố và cuối cùng là Cảnh sát PCCC, Công an quận, Quân đội, Hội Chữ thập đỏ, ban, ngành, đoàn thể… ở địa phương. Tất cả đều được tập huấn và có sự phối hợp chặt chẽ khi có sự cố. Đại tá Tâm và cộng sự đã dành nhiều thời gian đi cơ sở để thống kê, tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, trang bị vật tư kỹ thuật. Nhờ vận dụng hiệu quả mô hình 4 lớp, thực tế đã chứng minh, trong số 554 vụ cháy, cứu hộ cứu nạn xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, số vụ lực lượng chữa cháy tại chỗ xử lý là 114 vụ, qua đó đã góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Nói về vai trò của lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố trong công tác PCCC, Đại tá Huỳnh Quang Tâm nhấn mạnh: “Để tổ chức hoạt động PCCC hướng tới mục đích ngăn ngừa tốt nhất các sự cố về cháy, nổ cũng như chủ động trong việc PCCC thì vai trò của lực lượng Dân phòng, Bảo vệ dân phố là quan trọng, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân”.
Thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an TP Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố. Đơn vị đã đào tạo, huấn luyện, đề xuất mua sắm trang thiết bị, trang bị phương tiện để lực lượng này trở thành phòng tuyến bước đầu trong công tác PCCC. Đến nay, trên địa bàn Thành phố có 1991 đội dân phòng, bảo vệ dân phố trên 1991 khu phố, ấp với 21 461 đội viên. Qua thời gian hoạt động, tuy vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhưng lực lượng bảo vệ dân phố đã thể hiện được vai trò trong hoạt động PCCC. Đó là việc biết tham mưu, đề xuất việc ban hành nội quy, quy định về PCCC; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân PCCC; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và tham gia chữa cháy khi có cháy xảy ra, đồng thời, sẵn sàng tham gia hỗ trợ chữa cháy ở địa phương, cơ sở khác khi có yêu cầu.
Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có sẵn lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy nhanh và đơn giản; thế nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời thì đ+ám cháy sẽ phát triển nhanh và lớn. Việc tổ chức chữa cháy trở nên vô cùng khó khăn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy đó là “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ”. Vì vậy, để tổ chức hoạt động PCCC nhằm hướng tới mục đích ngăn ngừa tốt nhất các sự cố về cháy, nổ cũng như chủ động trong việc PCCC thì vai trò của lực lượng Dân phòng, Bảo vệ dân phố là quan trọng trong việc tổ chức phòng ngừa và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân.
Minh Phương (CTV)