web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Thảm họa ngày 11 tháng 9 và nỗ lực của Sở PCCC New York

Vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại thế giới (tòa tháp đôi 110 tầng) ngày 11/9/2001 tại New York là thảm kịch nhiều thương vong nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ, cướp đi sinh mạng của gần 2.700 người trong đó có 343 chiến sĩ chữa cháy. Gần 20 năm trôi qua kể từ sự kiện kinh hoàng, hãy cùng nhìn lại những nỗ lực của Sở PCCC New York trong công tác ứng phó với thảm họa này.

Hình 1: Đám khói lớn thoát ra từ Tòa tháp số 1 (nguồn: thehindu.com).

 

Hoạt động ứng phó đầu tiên được thực hiện khi Đội trưởng Đội Chữa cháy số 01 thuộc Phòng Chữa cháy số 01 (phụ trách khu vực Trung tâm Thương mại thế giới) chứng kiến chiếc máy bay số hiệu 11 của hãng American Airlines đâm vào Tòa tháp số 1 lúc 08 giờ 46 phút ngày 11/9/2001; ông lập tức phát báo động cấp hai và cấp ba trên đường tiến đến Trung tâm Thương mại thế giới.

 

(Các cấp báo động tương ứng với số lượng và chủng loại phương tiện, lực lượng được huy động đến hiện trường. Báo động cấp hai đối với nhà cao tầng thường huy động 19 phương tiện và 11 sĩ quan chỉ huy. Báo động cấp ba, bốn và năm sẽ yêu cầu nhiều nguồn lực hơn. Thông thường một Tổ Chữa cháy gồm 04 – 05 chiến sĩ chữa cháy và 01 chỉ huy; một Đội Chữa cháy có từ 05 – 08 Tổ Chữa cháy và một Phòng Chữa cháy có từ 04 – 07 Đội Chữa cháy).

 

Đội Chữa cháy số 01 liên hệ với Văn phòng Thông tin liên lạc (Trung tâm điều phối) của Sở PCCC New York thông báo địa điểm tập kết của lực lượng, phương tiện được huy động theo báo động cấp ba (được chỉ định tại góc đường West và Vesey ở phía Bắc của Tòa tháp số 1). Đội trưởng Đội Chữa cháy số 01 có mặt tại Tòa tháp số 1 vào khoảng 08 giờ 50 phút, thiết lập Trạm Chỉ huy sự cố tại tiền sảnh theo quy trình chữa cháy nhà cao tầng của Sở PCCC New York. Vào 08 giờ 57 phút, Giám đốc Sở PCCC New York phát báo động cấp năm và chỉ đạo các lực lượng đến điểm tập kết West và Vesey.

Hình 2: Tập kết trước Tòa tháp số 1 (nguồn: John Schroeder of Engine 10).

 

Đến khoảng 09 giờ 0 phút, do lo ngại về vấn đề an toàn, Trạm Chỉ huy sự cố được chuyển đến cạnh đường quốc lộ West Street (đối diện Tòa tháp số 1) và do Giám đốc Sở PCCC chỉ huy. Thời điểm này, các sĩ quan chỉ huy chỉ tính đến khả năng sụp đổ một phần của công trình chứ không hề nghĩ đến trường hợp tòa tháp sẽ sụp đổ hoàn toàn.

Một Điểm Tác chiến được thiết lập tại tiền sảnh của Tòa tháp số 1, phụ trách toàn bộ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và báo cáo trực tiếp tới Trạm Chỉ huy sự cố. Các sĩ quan chỉ huy thường trực tại tiền sảnh và tiếp cận các hệ thống quan trọng của tòa nhà như hệ thống báo động, thang máy và thông tin liên lạc. Chiến sĩ chữa cháy được điều động lên các tầng cao để tìm kiếm, cứu nạn; tập trung vào những người bị thương và bị mắc kẹt tại tòa tháp với mục tiêu: (1)Đáp ứng các cuộc gọi cầu cứu của nạn nhân tiếp nhận qua số máy 911 hoặc gọi trực tiếp cho Điểm Tác chiến thông qua hệ thống điện thoại nội bộ của tòa nhà; (2)Bảo đảm rằng tất cả nạn nhân ở dưới tầng có cháy đều được sơ tán ra ngoài.

 

Vào 09 giờ 03 phút, chiếc máy bay số hiệu 175 của hãng United Airlines đâm vào Tòa tháp số 2. Các nguồn lực ngay lập tức được huy động đến ứng cứu từ điểm tập kết trên đường West và Vesey và một số từ Tòa tháp số 1. Điểm Tác chiến thứ hai được thiết lập tại tiền sảnh của Tòa tháp số 2, và cùng báo cáo tới Trạm Chỉ huy sự cố. Vào 09 giờ 12 phút, Giám đốc Sở PCCC New York phát báo động cấp năm và góc đường West và Albany (phía Nam của Trung tâm thương mại thế giới) được chỉ định là điểm tập kết cho việc cứu chữa Tòa tháp số 2.


Hình 3: Máy bay đâm vào Tòa tháp số 2 và phát nổ (nguồn: abcnews.go.com).

 

Theo quy trình của Sở PCCC New York, Tổ Thông tin liên lạc hiện trường được thiết lập tại Trạm Chỉ huy sự cố vào khoảng 09 giờ 15 phút, phụ trách theo dõi vị trí và phân công nhiệm vụ của tất cả các nguồn lực có mặt tại hiện trường, phối hợp với Trung tâm Điều phối huy động thêm lực lượng, phương tiện theo yêu cầu của Chỉ huy sự cố.

Với việc các lực lượng, phương tiện đổ về hiện trường và người dân chạy thoát nạn, đã xảy ra tắc nghẽn giao thông, hỗn loạn nghiêm trọng tại khu vực Trung tâm Thương mại thế giới. Một số Tổ Chữa cháy di chuyển từ phía Bắc đã không thể đến được điểm tập kết ở phía Nam của công trình, phải bỏ lại xe và chạy bộ đến sảnh của hai tòa tháp.


Hình 4: Chiến sĩ chữa cháy chạy đến hiện trường (nguồn: history.com).

 

Vào 09 giờ 29 phút, Giám đốc Sở PCCC New York phát lệnh triệu tập tất cả sĩ quan và chiến sĩ chữa cháy đang nghỉ tại nhà thông qua các phương tiện truyền thông công cộng cũng như kênh rađiô của Sở PCCC. Hàng ngàn người đã đến hỗ trợ cho thành phố cũng như Sở PCCC. Tuy nhiên, lệnh triệu tập này dù đã có trong quy trình nhưng chưa hề được sử dụng trong suốt hơn 30 năm và các nhân sự chưa hề được huấn luyện để triển khai trong thực tế. Kết quả là, công tác này thiếu sự tổ chức và không đem lại hiệu quả. Sở PCCC New York cũng gặp khó khăn trong việc trang bị phương tiện, thiết bị cho các nhân viên hưởng ứng lệnh triệu tập khi họ có mặt tại điểm tập kết hoặc hiện trường sự cố.

 

Vào 09 giờ 47 phút, Chỉ huy sự cố phát báo động cấp năm lần thứ 3, yêu cầu lực lượng chi viện báo cáo về điểm tập kết West và Vesey. Tuy nhiên, rất nhiều Tổ Chữa cháy không tìm được điểm tập kết mà tiếp cận thẳng đến hai tòa tháp, dẫn đến: (1)Sĩ quan chỉ huy, Tổ Thông tin liên lạc hiện trường và Trung tâm Điều phối không theo dõi được chính xác vị trí của các lực lượng, phương tiện; (2) Lực lượng không đến điểm tập kết không có được các thông tin và chỉ dẫn cần thiết trước khi đi vào công trình (hậu quả là, rất nhiều Tổ Chữa cháy không thể xác định được họ đang ở Tòa tháp số 1 hay Tòa tháp số 2); (3) Phải huy động cả các lực lượng, phương tiện ở vị trí thường trực bảo vệ các khu vực khác của thành phố dù không cần thiết.

 

Các sĩ quan chỉ huy tại sảnh Tòa tháp gặp khó khăn rất lớn trong việc nắm bắt tình hình của các Tổ Chữa cháy được cử lên các tầng của công trình cũng như tình trạng bên ngoài tòa tháp do tín hiệu rađiô gặp vấn đề (thời điểm này việc sử dụng rađiô trên nhà cao tầng là không hiệu quả nếu thiếu hệ thống khuếch đại và tiếp phát sóng). Một số sĩ quan chỉ huy phải gửi thông điệp thông qua các chiến sĩ chữa cháy được cử di chuyển lên các tầng trên. Việc thiếu thông tin đã làm giảm khả năng của sĩ quan chỉ huy trong việc đánh giá tổng thể tình hình của thảm họa.

 

(Hoạt động tác chiến sử dụng 02 loại kênh sóng: Các kênh chỉ huy dùng cho việc liên lạc giữa các sĩ quan chỉ huy; các kênh chiến thuật dùng để liên lạc giữa sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ chữa cháy hoặc giữa các chiến sĩ chữa cháy với nhau).

 

Hình 5: Tòa tháp sụp đổ (nguồn: newcivilengineer.com).

 

Vào 09 giờ 59 phút, Tòa tháp số 2 sụp đổ làm chết nhiều chiến sĩ chữa cháy, người dân và phá hủy Trạm Chỉ huy sự cố trên đường West Street cũng như Tổ Thông tin liên lạc hiện trường; đồng thời khiến cho sảnh Tòa tháp số 1 tràn ngập bụi mù và gạch vụn. Đội chữa cháy số 01 đề nghị tất cả các lực lượng di tản ra khỏi Tòa tháp số 1 thông qua bộ đàm vào khoảng 10 giờ 0 phút. Rất nhiều chiến sĩ chữa cháy không hề biết về việc Tòa tháp số 2 bị sụp đổ khi nhận được lệnh di tản này. Các chiến sĩ đang ở trên các tầng cao không thể nhận được lệnh.

 

Trước tình thế cấp bách, Sở PCCC New York quyết định kêu gọi chi viện từ các đơn vị chữa cháy lân cận thuộc hạt Westchester (khoảng 10 giờ 07 phút) và hạt Nassau (khoảng 10 giờ 23 phút). Tuy nhiên, việc này chưa từng có tiền lệ khiến Chỉ huy sự cố gặp khó khăn trong đánh giá nhu cầu hỗ trợ cũng như xác định phương thức quản lý, phối hợp (không nắm được thông tin về lực lượng, phương tiện của các địa phương này). Ghi nhận cho thấy một số lực lượng, phương tiện chi viện này được sử dụng để thường trực bảo vệ các khu vực khác của thành phố. Tương tự với đó, công tác hiệp đồng ứng phó giữa Sở PCCC và Sở Cảnh sát New York là rất hạn chế, thể hiện qua việc không có lãnh đạo nào của Sở Cảnh sát trong Ban Chỉ huy sự cố. Việc thiếu trao đổi thông tin giữa hai cơ quan này có thể đã dẫn đến nhiều thông tin quan trọng liên quan đến kết cấu của công trình chưa từng được cung cấp cho Chỉ huy sự cố cũng như các sĩ quan chỉ huy tại tiền sảnh.

 

Hình 6: Peter James Ganci Jr. (1946 – 2001), Cố Giám đốc Sở PCCC New York (nguồn: firehero.org).

 

Sau khi Trạm Chỉ huy sự cố bị phá hủy, Ban Chỉ huy sự cố tiếp cận gần hiện trường để đánh giá tình hình. Vào 10 giờ 29 phút, Tòa tháp số 1 sụp đổ làm toàn bộ Ban Chỉ huy sự cố, các chiến sĩ chữa cháy và người dân trong tòa tháp thiệt mạng. Trong gần 01 giờ đồng hồ sau đó, công tác chỉ huy sự cố gần như tê liệt do Trung tâm Điều phối không thể xác định sĩ quan chỉ huy nào còn sống sót, họ đang ở đâu cũng như các nguồn lực hiện còn tại sự cố là như nào. Một số sĩ quan chỉ huy cấp Phòng cố gắng thiết lập lại các Trạm Chỉ huy sự cố nhưng rất khó khăn trong trao đổi qua rađiô do quá tải truyền tin, dẫn đến việc có các Trạm Chỉ huy sự cố khác nhau cùng hoạt động. Cho đến 11 giờ 28 phút, một Trạm Chỉ huy sự cố duy nhất được Trung tâm Điều phối chỉ định tại góc đường West và Chambers và duy trì tại đây đến khoảng 18 giờ 0 phút trước khi di rời đến điểm tập kết West và Vesey cho đến sáng ngày 15/9/2001. Trạm Chỉ huy sự cố sau đó được chuyển đến đường Liberty Street và vào ngày 17/9/2001 chuyển đến đường Duane Street. Chính quyền New York đã phát động chiến dịch khắc phục thảm họa, cứu được 18 người trong đống đổ nát và hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ dọn dẹp vào tháng 5/2002.

 


Hình 7: Lực lượng CNCH tổ chức tìm kiếm các nạn nhân (nguồn: ehstoday.com).

 

Công tác ứng phó thảm họa ngày 11/9 là chưa từng có trong lịch sử Sở PCCC New York về phạm vi và quy mô, với hơn 200 Tổ Chữa cháy đã được huy động (khoảng 50% số Tổ Chữa cháy của toàn thành phố). Chỉ trong 03 giờ ứng phó đầu tiên, Sở PCCC New York đã huy động 121 xe chữa cháy (chiếm 61% tổng số), 62 xe thang (chiếm 43% tổng số) và 27 sĩ quan chỉ huy (chiếm 47% tổng số) đến hiện trường. Rất nhiều Tổ Chữa cháy khác đã cố gắng liên hệ với Trung tâm điều phối đề nghị được tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác ứng phó dù không được giao nhiệm vụ, và một số trong đó đã được nhân viên điều phối miễn cưỡng chấp thuận. Ngoài ra, có 04 Tổ Chữa cháy tự động đến hiện trường dù không nhận được lệnh huy động của Trung tâm./.

Theo Việt Anh (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH)