Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội những năm gần đây tình hình cháy, nổ trên cả nước diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đặc biệt tại khu công nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Toàn cảnh vụ cháy Công ty Cổ phần Thành Chí nằm trong Khu Công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày 09/4/2020.
Theo số liệu thống kê toàn quốc đến tháng 4 năm 2020, cả nước có 336 KCN được thành lập với 258 KCN đã đi vào hoạt động, tổng diện tích khoảng 68,1 nghìn ha và 78 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 28,1 nghìn ha; tính đến cuối năm 2019, cả nước có 8.970 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 05 năm (2015-2019), cả nước xảy ra 17.844 vụ cháy, làm chết 431 người, bị thương 981 người; thiệt hại về tài sản ước tính 8.399 tỷ đồng và 8.810 héc-ta rừng; đáng chú ý, trong số 50 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản giai đoạn 2014 – 2018 (theo Báo cáo số 400/BC-CP ngày 12/9/2019 của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 – 2018) có tới 29 vụ cháy xảy ra tại các cơ sở trong KCN gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và an sinh xã hội.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai thực hiện công tác PCCC tại KCN và doanh nghiệp FDI; phối hợp với các sở, ngành triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng và trong quá trình hoạt động, góp phần kiềm chế về số vụ và thiệt hại do cháy gây ra tại các KCN, doanh nghiệp FDI, cụ thể: (1) Đã chủ động thực hiện công tác điều tra cơ bản nắm tình hình hoạt động của các KCN, doanh nghiệp FDI và các cơ sở trong KCN. (2) Từ năm 2018, đã phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan thông tin, truyền thông, các sở, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cụ thể: Tổ chức 8.856 lớp tuyên truyền cho 280.917 lượt người, 2.696 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 111.322 đội viên đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; hướng dẫn cơ sở xây dựng mới 731 phương án chữa cháy và tổ chức 1.192 lượt thực tập phương án chữa cháy. Qua đó nhận thức về công tác PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ quan quản lý đã có chuyển biến và nâng cao rõ rệt. (3) Việc triển khai công tác kiểm tra an toàn về PCCC được thực hiện nghiêm túc theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Từ năm 2018, đã tổ chức 39.929 lượt kiểm tra, phát hiện và kiến nghị khắc phục 56.819 tồn tại, vi phạm, xử phạt 4.586 trường hợp với số tiền 35,176 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 117 lượt cơ sở, đình chỉ hoạt động 56 lượt cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy hầu hết cơ sở được kiểm tra đều có tồn tại, vi phạm, tập trung chủ yếu tại các cơ sở đã hoạt động trong thời gian dài.
Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp quản lý hạ tầng KCN đã cơ bản chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, cụ thể: Thực hiện quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đối với hạ tầng kỹ thuật của KCN; thành lập và duy trì hoạt động của Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; đầu tư xây dựng và duy trì hoạt động của hệ thống cấp nước chữa cháy, giao thông phục vụ chữa cháy; phối hợp với cơ quan chức năng cấp phép đầu tư xây dựng cho các cơ sở hoạt động trong KCN. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa thành lập đội PCCC chuyên ngành và trang bị xe chữa cháy do gặp khó khăn trong bố trí con người và đầu tư kinh phí ban đầu, cũng như trong quá trình hoạt; hoạt động của hệ thống cấp nước chữa cháy còn hạn chế.
Người đứng đầu cơ sở, doanh nghiệp FDI đã chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, thực hiện trách nhiệm PCCC và duy trì các điều kiện an toàn PCCC thuộc phạm vi quản lý, chủ động quan tâm, đầu tư đến công tác PCCC như: Đầu tư kinh phí, trang bị phương tiện, tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC, thực tập phương án chữa cháy; xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động còn có các vi phạm như tự ý lắp đặt mái che giữa các nhà xưởng để cơi nới bố trí kho, nơi sản xuất tại khu vực này, không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC; cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng hoặc thi công xây dựng thêm sàn lửng tại nhà xưởng, nhà kho để tăng diện tích sử dụng, không đáp ứng yêu cầu ngăn cháy, thoát nạn; không trang bị đầy đủ hệ thống chữa cháy tự động hoặc có lắp đặt nhưng không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của hệ thống nên không phát huy hiệu quả hoạt động khi xảy ra cháy, nổ…
Nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót, vi phạm là do: (1) Các cơ sở được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trong nhiều năm, đặc biệt có cơ sở trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực thi hành hoặc cơ sở thuộc diện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng dẫn đến hạng mục, hệ thống, thiết bị PCCC xuống cấp, hư hỏng, không được duy trì hoạt động thường xuyên và chưa đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật hiện hành về công tác PCCC. (2) Việc triển khai thực hiện quy định của pháp luật về PCCC còn một số khó khăn, vướng mắc như chế tài xử lý các hành vi vi phạm về PCCC trong các lĩnh vực này chưa đáp ứng với yêu cầu quản lý; một số quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cũ, không phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. (3) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC, trang bị, lắp đặt hệ thống, thiết bị PCCC không bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật; kinh phí dành cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ hạng mục máy móc thiết bị PCCC và CNCH còn ít dẫn đến hệ thống trang thiết bị PCCC và CNCH xuống cấp, hư hỏng…
Thời gian tới, dự báo tình hình cháy nổ sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do kinh tế xã hội ngày càng phát triển, số lượng cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH ngày càng tăng; nhiều loại hình cơ sở mới, phức tạp nguy cơ cháy nổ cao tiếp tục được hình thành sẽ tác động tiêu cực đến tình hình cháy, nổ đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho công tác PCCC và CNCH. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC tại các KCN và doanh nghiệp FDI, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC, Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 và Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCCC tại địa phương.
Hai là, tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành Nghị quyết quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; lãnh đạo, chỉ đạo việc di chuyển các KCN không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC, các cơ sở sử dụng dây chuyền công nghệ đã cũ, lạc hậu hoặc đã sử dụng nhiều năm, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như sản xuất, chế biến gỗ, sang chiết gas, xăng dầu, hóa chất… ra khỏi khu dân cư.
Ba là, tham mưu Bộ Công an quy định việc huy động lực lượng, phương tiện xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố có quy mô lớn, diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc và phối hợp với UBND cấp tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động lực lượng, phương tiện của các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
Bốn là, tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các cấp đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, cấp phép; xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH, trong đó tập trung kiện toàn lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tại KCN và doanh nghiệp FDI đáp ứng phương châm 4 tại chỗ.
Năm là, đẩy mạnh công tác hướng dẫn trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật như tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp các biện pháp ngăn chặn phù hợp như: Cưỡng chế thực hiện phần xây dựng không đúng thiết kế được duyệt hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; công khai danh sách các cơ sở không bảo đảm an toàn về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sáu là, nghiên cứu, kiện toàn mô hình tổ chức lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH ở địa phương, đặc biệt là các Đội, Tổ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an cấp huyện, chú trọng phát triển mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH tại các địa bàn, khu vực trọng điểm có KCN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Phòng Công tác phòng cháy – Cục Cảnh sát PCCC và CNCH