Ngày 26/9/2020, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo: “Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phùng Quốc Hiển – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Hoàng Bình Quân – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Hội nghị còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo đại diện Bộ Ngoại giao; Ban Kinh tế Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tư pháp…
Hội thảo nhằm thu hút trí tuệ, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà quản lý đóng góp ý kiến chuyên sâu đối với các vấn đề mới, lớn, khó, phức tạp là điểm nhấn, được nêu trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, từ đó bổ sung, làm sáng rõ thêm những căn cứ khoa học, thực tiễn để kiến nghị hoàn thiện dự thảo. Hội thảo đã thu nhận được hơn 24 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý.
Các đồng chí lãnh đạo chủ trì buổi hội thảo.
Bên cạnh đó, đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới, quan trọng, phức tạp đang đặt ra, đòi hỏi Đại hội XIII phải có những quyết định đúng đắn, kịp thời, mạnh mẽ để giải quyết, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ 5 năm và chiến lược 10 năm.Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2010-2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, ảnh hưởng nhiều mặt đến nước ta.
Đồng thời, Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn, đến giữa thế kỷ 21, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước. PGS.TS Nguyễn Văn Thạo cho rằng, việc xác định mục tiêu này là quan trọng, phải có tầm nhìn, căn cứ lý luận, căn cứ thực tiễn, nhìn trong nước nhưng cũng nhìn thế giới và có trình độ trí tuệ cao.
Về vấn đề quốc phòng, an ninh và đối ngoại, các tham luận cho rằng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng kế thừa quan điểm chỉ đạo của văn kiện Đại hội XII của Đảng.
Trước những bối cảnh mới của thế giới, khu vực, trong nước, cần có những dự báo tình hình và đúc rút những vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới, làm cơ sở để Trung ương có những quyết sách phù hợp củng cố nền quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Góp ý về nội dung hội nhập quốc tế, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là một bước chuyển tư duy mang tính “đột phá chiến lược”. Tư duy, nhận thức, quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế là một quá trình liên tục bổ sung qua các thời kỳ Đại hội.
Đặc biệt, Đại hội XII đánh dấu bước phát triển nhận thức và lý luận về hội nhập quốc tế khi Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”; lần đầu tiên khẳng định “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và hệ thống chính trị”.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội XIII đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn, với việc bổ sung thêm nội dung “toàn diện, sâu rộng”. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Bình Quân, thế giới đã và đang chuyển động rất nhanh, khó lường đoán. Đại dịch COVID-19 dự báo sẽ mang lại một thế giới nhiều thay đổi.
Nhiều yếu tố khách quan và chủ quan vốn là cơ sở thực tiễn và là điều kiện để triển khai hội nhập đang có những vận hội mới, chứa đựng nhiều khó khăn, thách thức hơn chúng ta tưởng, đòi hỏi phải xem xét sâu sắc, thận trọng chủ trương này.
Trả lời báo chí bên lề hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, các điểm mới lần này xuất phát từ bối cảnh, tình hình hiện nay xuất hiện nhiều cái mới mà chúng ta phải vươn lên để tiếp cận.
Ngoài ra, theo ông Phùng Hữu Phú, chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm, bài học sau 35 năm đổi mới; tiếp cận được với xu thế phát triển của thế giới và tư duy hiện đại, kinh nghiệm thành công của các quốc gia.
“Cái mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này không phải mới về câu chữ mà mới từ cách tiếp cận, từ tầm bao quát”, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh và cho biết thêm, trong dự thảo văn kiện có nói đến năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đó là mục tiêu cao nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các đột phá chiến lược và phát huy mạnh mẽ khát vọng của cả dân tộc vì một “Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” và quán triệt được tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy được sức mạnh văn hóa, sức mạnh và giá trị con người Việt Nam, đặc biệt là chúng ta tranh thủ được thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì mục tiêu đó là khả thi.
Theo Báo CAND online