Lao vào khói lửa khiến mặt mũi lem nhem và có khi kiệt sức đến ngất xỉu; lặn xuống sông hồ trong thời tiết giá rét để cứu vớt những người tai nạn đường sông hoặc tự tử; trèo lên mái nhà chênh vênh để khống chế đối tượng ngáo đá; lật từng viên gạch, khối bê tông để đào bới tìm kiếm các nạn nhân trong các vụ sập công trình xây dựng khiến đôi tay toé máu,… đó là những việc làm thầm lặng của các cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an TP Hà Nội.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) TP Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 268 vụ cháy, trong đó có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng, 96 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 11 vụ cháy rừng và 1 vụ nổ; làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỉ đồng. Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động gần 3.000 lượt phương tiện cùng gần 21.000 lượt cán bộ chiến sỹ (CBCS) đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Những con số tưởng chừng khô khan đó lại chính là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp cận hiện trường vụ cháy xưởng gỗ Thạch Thất.
Đại tá Trần Ngọc Dương – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, nhiều người dân chỉ biết đến chức năng chính của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH là chức năng phòng cháy, chữa cháy, mà ít biết đến nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng này. “Những đối tượng ngáo đá trèo lên cột điện cao thế hoặc nóc nhà, nhảy múa; những người bị tai nạn đường bộ, đường sắt, bị mắc kẹt trong các đống đổ nát, bị đuối nước hoặc thậm chí tự tử; những người đi lạc, mất tích,… thì nhiệm vụ giải cứu, tìm kiếm đều thuộc chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH”, Đại tá Trần Ngọc Dương giải thích.
Chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm của các chiến sỹ làm nhiệm vụ PCCC&CNCH, Đại tá Trần Ngọc Dương cũng cho biết, việc lao vào các đám cháy, lặn dưới đáy sông sâu hoặc trèo lên các cột điện cao thế là công việc không hề đơn giản. Công việc này, không chỉ đòi hỏi người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH phải có lòng dũng cảm, mà còn có những kiến thức cơ bản, chuyên sâu về nhiều lĩnh vực. Ví như, việc cứu các nạn nhân trong đống đổ nát do sập các công trình xây dựng, đòi hỏi các cán bộ, chiến sĩ phải có sự phán đoán vị trí có thể có nạn nhân để cứu nạn kịp thời. Việc cứu nạn trong trường hợp này, cũng không thể dùng máy móc để cào xúc các đống đổ nát, mà nhiều khi phải dùng tay bới từng viên gạch, lật từng khối vữa để tránh thương tích nặng hơn cho nạn nhân. Việc khống chế các đối tượng ngáo đá trèo lên những chỗ nguy hiểm như cột điện cao thế hoặc thực hiện các tình huống nguy hiểm như khống chế, đe doạ con tin, cũng đòi hỏi sự thông minh, quả cảm của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH. Kết quả cuối cùng mà những người cán bộ, chiến sĩ PCCC&CNCH mong muốn và nỗ lực đạt được, là hạn chế tối đa sự thiệt hại về người và của, cứu hộ, cứu nạn thành công trong các sự cố, tai nạn.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Nói về công việc của những người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH, Thượng tá Phạm Trung Hiếu – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội còn nhớ như in những vụ cháy lớn đã gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn thành phố. Điển hình là vụ cháy xảy ra tại Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông vào ngày 28/8/2019, hàng trăm chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH đã phải thức trắng đêm, thay nhau khống chế đám cháy và sự bùng phát trở lại. Trong 18 giờ chữa cháy, nhiều chiến sĩ đã kiệt sức, được người dân xung quanh tiếp nước và đồ ăn để tiếp tục công việc. “Không chỉ chữa cháy và chống cháy lan ra khu vực xung quanh, mà điều nguy hiểm ở đây là việc nhà máy có sử dụng các hoá chất, nếu không xử lý tốt, có thể gây ảnh hưởng môi trường rất nghiêm trọng. Vì vậy, việc đầu tiên, chúng tôi phải xác định và kiểm tra kho chứa các hạt thủy ngân phục vụ cho sản xuất, vì nếu cháy nổ kho chứa này sẽ là một thảm hoạ. Rất may, sau vụ cháy, kết quả quan trắc về môi trường tại khu vực xảy cháy, cho thấy ảnh hưởng về môi trường không nghiêm trọng, và không gây nguy hiểm cho sức khoẻ của những người tham gia PCCC” – Thượng tá Phạm Trung Hiếu chia sẻ.
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an TP Hà Nội.
Vụ cháy ở nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông đã gây ra thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế, nhưng thật may mắn đã không có thiệt hại về người. “Vụ cháy khiến tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn thấy đau lòng nhất đó chính là vụ cháy tại quán Karaoke ở 68 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, khiến 13 người tử vong”, Thượng tá Hiếu ngậm ngùi.
Thuỷ, hoả, đạo, tặc và nhiều mối nguy hiểm khác vẫn luôn rình rập quanh cuộc sống của mỗi chúng ta. Để an toàn cho những ngôi nhà, những nhà máy, xí nghiệp, những cơ quan đơn vị, và đặc biệt an toàn cho tính mạng của người dân khi gặp các tai nạn, sự cố, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô đang mỗi ngày nỗ lực cống hiến. Nơi nguy hiểm, nơi sự cố xảy ra có thể đe doạ tính mạng của ngay chính bản thân mình, nhưng những người chiến sỹ quả cảm và mưu trí đó vẫn chưa bao giờ ngần ngại, lao vào, vì sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân./
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH