Trong những ngày qua, các đợt mưa lũ dồn dập đang tiếp tục gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của các tỉnh miền Trung. Thông tin về những đợt lũ lụt, sạt lở lớn cướp đi sinh mạng của hàng chục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; hình ảnh những ngôi nhà nước ngập quá mái trong biển nước mênh mông thực sự khiến tất cả đều nhói lòng xúc động.
Nhà ngập, nhiều tài sản gom góp cả đời, thóc lúa, trâu bò… cũng đều trôi theo dòng nước lũ. Người dân miền Trung cho biết, đợt lũ này đã vượt mốc lịch sử năm 1983. Những mất mát thiệt hại của người dân vùng lũ miền Trung đến thời điểm này là chưa thể nào đo đếm được.
Giữa đêm tối và bịt bùng mưa gió bủa vây, tính mạng, tài sản bị đe dọa, chính là lúc người dân cần đến sự có mặt kịp thời của lực lượng cứu hộ, Công an, Quân đội. Trong những ngày qua, cứu dân đã trở thành mệnh lệnh cao nhất đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an đứng chân trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Công an đã nhiều ngày đêm trực chiến, bám địa bàn, ăn tạm mỳ tôm, bánh mỳ để tập trung làm nhiệm vụ.
Khi nhận được thông tin về các vùng ngập lũ nặng, các anh lập tức lên đường. Có những cán bộ làm nhiệm vụ cứu giúp dân trong mưa lũ, thậm chí ngay cả khi nhà mình cũng đang bị ngập nước cũng không kịp về ứng cứu. Ngày 12/10/2020, khi được lực lượng Công an ứng cứu kịp thời đưa ra khỏi ngôi nhà ngập nước, ông Hoàng Hữu Đông (tại rốn lũ xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) cùng vợ và các con rơi nước mắt nói với phóng viên Báo CAND: “Ở đây là cái rốn lũ, vài năm bị ngập nặng một lần và lần nào bà con chúng tôi cũng được mấy chú Công an băng nước ra cứu.
Chỗ ăn, chỗ ở những ngày chạy lụt cũng được các chú chuẩn bị chu đáo, không ai bị đói, rét cả. Bà con chúng tôi biết ơn rất nhiều!”.
Trong lũ dữ hiểm nguy, đã có những cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương, thậm chí phải hy sinh khi làm nhiệm vụ như trường hợp của Thượng uý Trương Văn Thắng, cán bộ Công an xã Hướng Việt, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị.
Người cán bộ trẻ gương mẫu và xông xáo, tình nguyện xung phong lên nhận công tác tại địa bàn xã miền núi khó khăn của Quảng Trị đã nằm lại mảnh đất này khi thực hiện nhiệm vụ cứu dân gặp nạn do mưa lũ chiều 17/10/2020. Khi nhận xét về Thượng uý Thắng, lãnh đạo Công an huyện Hướng Hoá cũng cho biết thêm về hoàn cảnh gia đình anh hiện còn gặp nhiều khó khăn, hai vợ chồng chưa có nhà riêng phải ở nhờ nhà bố mẹ vợ, vợ anh không có việc làm, con thơ dại. Tình nguyện nhận công tác tại xã miền núi Hướng Việt nên vài tuần anh mới có dịp gặp được vợ, con.
Công an là con em của nhân dân, được nhân dân sinh ra, nuôi nấng, đùm bọc, che chở trong những năm kháng chiến khó khăn, gian khổ cũng như trong thời bình. Ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “…Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc…”. Khắc ghi trong tim mình lời dạy của Bác, lực lượng Công an đã luôn tâm niệm, phải gắn bó, yêu thương và quý trọng nhân dân, “thức cho dân vui chơi, gác cho dân ngủ ngon, lấy niềm vui hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống đời mình”.
Ngày 15/10/2020 khi có mặt trực tiếp tại tâm lũ tỉnh Thừa Thiên – Huế để chỉ đạo lực lượng Công an tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ người dân gặp nạn trong mưa lũ, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an đã chuyển lời thăm hỏi của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đến cán bộ, chiến sĩ và người dân các tỉnh miền Trung. Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương lực lượng Công an các tỉnh miền Trung khi đã nỗ lực giúp dân ứng phó với mưa lũ và thực hiện công tác di dời người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn, đảm bảo tốt ANTT địa bàn, giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
Miền Trung vẫn đang phải oằn mình trong những đợt mưa lũ lớn và dự báo tình hình còn nhiều khó khăn phức tạp phía trước. Những cán bộ, chiến sĩ Công an lại tiếp tục căng mình trong mưa lũ để cứu dân và tài sản trong lúc nguy cấp. Đó là hình ảnh sáng đẹp, có sức hấp dẫn hơn ngàn vạn lời nói, góp phần làm sáng đẹp thêm hình ảnh của lực lượng CAND trong lòng nhân dân.
Theo Báo CAND online