Nằm giữa khúc ruột miền Trung, người Hà Tĩnh đã quen với hoàn cảnh “sống chung với lũ”, thế nhưng, mỗi một lần cơn đại hồng thủy ập đến, những thao thức, những lo lắng vẫn chưa hết suy tư trên mỗi gương mặt, ánh mắt của người dân xứ Nghệ. Nhưng chính trong khó khăn, hoạn nạn ấy, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Tĩnh vượt qua dòng nước xiết di dời nhân dân đến nơi an toàn. Nơi ấy, lúc gian nan nhất có các chiến sĩ Công an…
Trung tuần tháng 10/2020, khi bắt đầu nhận được thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn, Hà Tĩnh chuẩn bị đón nhận những cơn mưa lớn, thời tiết phức tạp, thì cũng là lúc các phương án phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn của Công an tỉnh Hà Tĩnh được lên kế hoạch tổng thể cho toàn lực lượng. Công an các địa phương cũng đã có phương án 4 tại chỗ trong thiên tai bão lũ.
Lãnh đạo Công an tỉnh đã chia thành các mũi công tác đến với các địa bàn có nguy cơ lũ dâng cao, sạt lở đất như huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.
Công an huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) vượt lũ giúp dân.
Vượt cung đường khá xa từ TP Hà Tĩnh lên các địa bàn miền núi Hương Khê, Vũ Quang, trong những đợt mưa xối xả, trắng trời, Đại tá Lê Khắc Thuyết, Giám đốc Công an tỉnh đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn của lực lượng Công an các đơn vị, đồng thời động viên những cán bộ, chiến sỹ Công an làm nhiệm vụ trong thiên tai.
Với phương châm 4 tại chỗ, người đứng đầu lực lượng Công an tỉnh chỉ đạo mệnh lệnh cứu dân là trên hết, làm tốt công tác nắm tình hình về thiên tai, bão lũ để tham mưu chính quyền địa phương và triển khai các phương án phòng chống bão lũ. Hơn bao giờ hết, lực lượng Công an phải đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình, làm tốt công tác phòng chống bão lụt trong nội bộ đơn vị và công tác Công an trong thời tiết phức tạp. Những nhiệm vụ “kép” được thực hiện đồng bộ trong toàn lực lượng. Chính sự chủ động ấy là hướng đi chung của lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh trong những ngày tổng lực giúp dân trong mưa lũ.
Nhiều địa phương nước ngập sâu trong đêm, mặc dù vậy, không bất kể nước lũ dâng cao hay mưa xối xả, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã trắng đêm di dời đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 3.120 cán bộ, chiến sỹ, 75 ca nô, xuồng, 365 xe xuống giúp dân phòng, chống lũ lụt, sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là tại địa bàn bị ngập nặng: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, thị xã Kỳ Anh… giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Vượt lũ, trắng đêm, toàn lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh đã dốc sức tổ chức sơ tán 94 xã/14.492 hộ với 43.283 người. Đặc biệt là đến từng ngôi nhà chìm sâu trong biển nước cứu những người già, trẻ em đến nơi an toàn; kịp thời đưa các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các sản phụ đến ngày “vượt cạn” đến các bệnh viện kịp thời.
Không giấu được niềm vui, niềm hạnh phúc khi sinh con an toàn trong mưa lũ, chị Đặng Thị Thu Hà (trú ở thôn 5, xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) đã nghẹn ngào trong nước mắt khi được lực lượng Công an vượt lũ đến tận nhà làm “phao cứu sinh” để mẹ tròn, con vuông trong những ngày trời giông bão.
Ở huyện Cẩm Xuyên, đặc biệt là vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ, sau khi hồ xả lũ kèm theo mưa lớn đã gây ngập nặng ở các xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ và một số xã phụ cận, địa bàn gần như bị chia cắt hoàn toàn, hàng ngàn nhà dân bị ngập chìm trong biển nước.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng chức năng, Công an huyện Cẩm Xuyên triển khai lực lượng, phương tiện tiến hành công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác cứu nạn gặp không ít khó khăn vì trời mua to, nước lũ lên nhanh, chảy xiết cộng với gió to.
Với quyết tâm bằng mọi giá phải cứu người, di dời người dân bị ngập sâu đến nơi an toàn đã được lực lượng cứu hộ Công an tỉnh và Công an huyện Cẩm Xuyên tiến hành triển khai hết sức khẩn trương, quyết liệt. Tại địa bàn xã Cẩm Duệ, lực lượng Công an đưa hơn 120 người ra khỏi nơi nguy hiểm đến nơi trú ẩn an toàn, trong đó chủ yếu là người già, trẻ nhỏ và phụ nữ.
Ngoài ra, ở các địa bàn khác, Công an tỉnh phối hợp cùng với lực lượng Công an huyện, chính quyền địa phương để triển khai thực hiện các phương án để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đến thời điểm hiện tại, Cẩm Xuyên đã di dời trên 43 ngàn người dân đến nơi trú ẩn an toàn.
Ông Võ Thế Kỷ, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ với phóng viên chúng tôi trong mưa lũ: Khi mực nước dâng cao, chính quyền địa phương không thể tiếp cận với những hộ dân đang “mắc kẹt” trong lũ, thì chính lúc ấy, lực lượng Công an đang băng mình qua dòng nước xiết để cứu nhân dân. Khi di dời đến nơi an toàn, lực lượng Công an đã kịp thời mang lương thực, thực phẩm đến nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, nước sạch để ứng cứu cho bà con nhân dân. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhân dân vùng lũ Cẩm Xuyên sẽ không bao giờ quên những hình ảnh của lực lượng Công an trong mưa lũ.
Lời chia sẻ của người đứng đầu địa phương tâm lũ của xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên cũng là lời tri ân chung của người dân vùng lũ Hà Tĩnh đối với lực lượng Công an. Không tri ân sao được khi chính các anh ngâm mình nhiều giờ trong dòng nước bạc dưới những cơn mưa xối xả, trắng trời; không tri ân sao được khi chính các anh cũng đói, cũng rét; không tri ân sao được khi các anh trắng đêm với quyết tâm cao nhất không để một người dân nào bị đói, bị rét trong mưa lũ. Công an tỉnh Hà Tĩnh là điểm tựa, là phao cứu sinh cho hàng chục người dân vùng lũ. Trong khó khăn hoạn nạn mới tỏa sáng những việc làm bình dị mà cao quý, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ…
Khi những cơn mưa nặng hạt bắt đầu tạnh dần, ánh mắt trời sau lũ bắt đầu len lỏi chiếu sáng những con đường nhuộm màu nước bạc do cơn lũ ngang qua cũng là lúc lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh chia thành nhiều tổ đến với các địa phương, giúp nhân dân sau lũ. Hàng nghìn suất quà đến tận tay người dân trích từ quỹ nghĩa tình đồng đội của lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh và của các nhà hảo tâm của nhiều địa phương trong cả nước từ cầu nối của lực lượng Công an nhân dân đến với người dân vùng lũ.
Công an huyện Thạch Hà giúp dân vượt lũ.
Những chuyến xe tấp nập nối dài, những chiếc xuồng vượt lũ và những bàn chân thoăn thoắt của lực lượng Công an đến với nhân dân vùng lũ xua tan đi cái mệt mỏi khi chống chọi với cơn đại hồng thủy, làm ấm lòng mỗi người dân trong cơn hoạn nạn và làm đẹp hơn tình quân dân thắm thiết. Những chiếc áo phao khắc trên mình dòng chữ Công an nhân dân làm bừng sáng cả không gian của vùng lũ Hà Tĩnh.
Và sâu thẳm trong anh mắt, nụ cười của cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi cảm nhận một niềm hạnh phúc thiêng liêng khi họ làm được một việc tốt đối với nhân dân.
Các huyện, thị xã, thành phố của Hà Tĩnh ở đâu cũng in đậm dấu chân của lực lượng Công an. Đối với các trường học, do bị ngập sâu trong nước lũ, học sinh trên địa bàn Hà Tĩnh phải nghỉ học nhiều ngày trong thời gian qua. Các trường mầm non, THCS, THPT tại các huyện Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang… là một trong những điểm trường bị ngập sâu trong đợt lũ lụt vừa qua. Nhiều cơ sở vật chất, bàn ghế, đồ dùng học tập nhuộm bùn non sau lũ.
Để giúp các em sớm đến trường, lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh đã huy động hàng trăm đoàn viên, thanh niên để cùng với giáo viên, nhân viên nơi đây tập trung thu dọn vệ sinh, lau chùi, thu gom rác thải, sắp xếp lại đồ dùng, trang thiết bị, dụng cụ học tập.
Không giấu được cảm xúc khi Công an về giúp nhà trường, cô giáo Dương Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Chúng tôi vô cùng cảm ơn lực lượng Công an đã đến giúp cô trò khắc phục hậu quả lũ lụt. Các anh đã không quản ngại khó khăn, làm cả ngày, nước rút đến đâu, các anh cùng với nhà trường tranh thủ đẩy bùn non, lau chùi đồ đạc, khuôn viên để giúp cho các em sớm được đến trường…”.
Được biết, hiện nay, Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt đã thành lập nhiều tổ công tác về các địa phương vùng lũ để giúp nhân dân sớm ổn định đời sống sau lũ, nhất là trường học, trạm y tế, các trục đường tránh có nhiều cây lớn gãy đổ… bị ngập sâu trong nước.
Thượng tá Phan Ngọc Tố, Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ. “Chúng tôi đã bố trí cán bộ chiến sỹ về các địa phương để giúp nhân dân ổn định đời sống, nhất là các trường học bị thiệt hại nặng trên địa bàn để cùng với nhà trường dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp các em học sinh kịp tiếp tục những thời gian đầu của năm học mới”.
Đại úy Lê Anh Hùng, Đoàn viên thanh niên Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh chia sẻ: “Không nhớ bao nhiêu lần chúng tôi giúp nhân dân và các nhà trường sau lũ, nhưng mỗi lần mỗi cảm xúc. Lần nào cùng đi thật sớm để giúp nhà trường, người dân nạo vét bùn đất, khơi thông dòng chảy và di chuyển vật dụng của các gia đình, trường học. Chúng tôi mong muốn được góp một phần công sức nhỏ bé của mình để cùng chung tay giúp đỡ bà con vùng lũ sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra”.
Khi góp công, khi góp của trong thiên tai, bão lũ lại đẹp hơn tình quân dân thắm thiết. Sau lũ, ánh mặt trời len lỏi xuyên qua vòm lá, trong cái bắt tay thật chặt, trong nụ cười thắm đượm, ở đó chúng tôi cảm nhận một niềm tin sắt son của nhân dân đối với lực lượng Công an.
Theo CAND online