Trang phục bảo vệ cho chiến sĩ chữa cháy là một trong những yếu tố giữ vai trò quan trọng, đảm bảo an toàn cho chiến sĩ và nâng cao hiệu quả công tác chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã được tăng cường, bổ sung nhiều phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hiện đại. Tuy nhiên, về trang phục (quần áo, mũ, ủng, găng tay) cho lực lượng làm công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa đảm bảo yêu cầu thực tiễn chiến đấu. Năm 2003, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã xây dựng đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng mẫu trang phục chữa cháy”, đề tài đã nghiên cứu, thiết kế mẫu trang phục chữa cháy một lớp bằng vải kaki màu xanh Navy; mũ chữa cháy bằng nhựa ABS đỏ, trọng lượng gần 1,4 kg; ủng cao su có lót tôn ở đế và chưa có mẫu găng tay bảo hộ. Mẫu trang phục trên đã được sản xuất, trang cấp cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH sử dụng từ đó cho đến nay.
Trải qua gần 20 năm áp dụng vào thực tiễn chiến đấu, mẫu trang phục chữa cháy nêu trên đã bộc lộ các khiếm khuyết, chưa phù hợp với thực tiễn công tác chữa cháy như: khả năng bảo vệ chiến sỹ chữa cháy trước tác động nhiệt của đám cháy, khả năng bền cắt trước các vật sắc, nhọn là chưa cao; mũ chữa cháy có kích thước, trọng lượng lớn, thiếu linh hoạt trong chiến đấu; ủng chữa cháy bằng cao su chưa chống chịu được với nhiệt độ cao, khó khăn khi thao tác, di chuyển…
Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng mẫu trang phục mới với những tiêu chí kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết và cũng là góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tiến lên chính quy, từng bước hiện đại. Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã nghiên cứu các tiêu chuẩn và mẫu thiết kế trang phục chữa cháy mới của các nước tiên tiến như Cộng hòa liên bang Đức, Áo, Pháp, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… từ đó thiết kế mẫu trang phục chữa cháy, cứu hộ đáp những yêu cầu bảo vệ cho chỉ huy và chiến sỹ chữa cháy, CNCH; thống nhất về chất lượng, kiểu dáng và phù hợp với nhân trắc học của người Việt Nam. Bộ trang phục chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ model FIRE-PRO-1 ra đời được hứa hẹn sẽ giải quyết được các nhược điểm của bộ quần áo chữa cháy cũ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, dưới đây là một số đánh giá ưu, nhược điểm của bộ trang phục mới dưới góc nhìn của bộ phận thực nghiệm, cụ thể như sau:
Hình ảnh bộ quần áo chữa cháy và cứu nạn cứu hộ PRO-FIRE-01.
Về đặc điểm kỹ thuật
Bộ quần áo chữa cháy và cứu nạn cứu hộ model PRO-RIRE-01 chuyên dùng trong chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bao gồm: 01 bộ áo quần màu xanh navy; 01 đôi găng tay chữa cháy; 01 đôi giày và 01 mũ chữa cháy.
– Bộ quần áo chữa cháy và cứu nạn cứu hộ model PRO-FIRE-01 đáp ứng tiêu chuẩn EN 469:2005 và đã được kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật tại phòng thí nghiệm BTTG – Vương quốc Anh, bộ quần áo bao gồm 01 áo và 01 quần tách rời nhau với chất liệu gồm 3 lớp: lớp vải chống cháy, lớp vải chống thấm và lớp lót có tác dụng cách nhiệt và chống thấm mồ hôi. Kiểu dáng thiết kế cụ thể:
+ Áo được thiết kế: Cổ trụ cao bảo vệ cổ và cằm trước tác động của nhiệt, ngọn lửa; Thêu chữ “ CẢNH SÁT PCCC&CNCH” trên lưng; logo lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH được thêu và may bên phía tay phải; 2 dải phản quang ở thân và 2 tay áo; Túi cài bộ đàm ở ngực trái; Biển tên và móc treo búa ở ngực bên phải; 2 túi đựng đồ gần 2 bên sườn có nắp đậy; trên bó tay có nơi lồng ngón tay;
+ Quần được thiết kế: 2 dải phản quang gần mép dưới ống quần; Đai quần bằng chun chịu nhiệt hình chữ H với khóa bấm ở mỗi đầu có thể thay đổi độ dài để phù hợp với từng người sử dụng; 2 túi đựng đồ 2 bên đùi có nắp đậy; Phía sau ống quần (phần gấu quần) có khóa kéo để dễ dàng thay đổi độ rộng ống quần.
– Mũ chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn EN 443:2008, được kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật tại phòng thí nghiệm CSI – Cộng hòa Italia, mũ chữa cháy được thiết kế để bảo vệ phần đầu, cổ của cán bộ, chiến sỹ; mũ có màu đỏ được trang bị cho lính chữa cháy và mũ có màu vàng được trang bị cho chỉ huy chữa cháy. Mũ được làm bằng vật liệu Composite, kính che mặt của mũ gồm 2 kính (kính che mặt bên ngoài được làm bằng Polycarbonat, có thể gập lên khi không sử dụng và kính nhỏ bên trong được sử dụng trong cứu nạn, cứu hộ để che kín phần mắt), ngoài ra mũ còn có tấm trùm bảo vệ sau gáy làm bằng vật liệu chống cháy. Mũ chịu được nhiệt độ cao (>= 10000C trong 10s), chịu được nhiệt độ trong thời gian dài (>=2500C trong 30 phút), chịu được nhiệt bức xạ 14Kw/m2, nhiệt lạnh =<-300C và có khả năng cách điện.
– Găng tay chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn EN 659:2003 + A1:2008, được kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật tại phòng thí nghiệm ITC – Cộng hòa Séc, găng tay được thiết kế chuyên dụng xỏ kín 5 ngón, mục đích là để bảo vệ khu vực tay của cán bộ chiến sĩ chống lại các tác động xấu của môi trường trong các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Găng tay chữa cháy gồm 4 lớp, trong đó lớp ngoài cùng của găng tay có khả năng chịu mài mòn, kháng cắt, chống đâm xuyên, chống thấm.
– Giày chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn EN 15090:2012, được kiểm tra chỉ tiêu kỹ thuật tại phòng thí nghiệm CTC – Cộng hòa Pháp, giày chữa cháy là loại giày cao cổ với chất liệu làm bằng vật liệu da dày 2,2+-0,2mm; Phần mũi giày an toàn được lót bằng sợi thủy tinh có tác dụng bảo vệ ngón chân, đế giày có khả năng chống nước, cách nhiệt, chống trơn trượt, chống đâm xuyên, chống ăn mòn, ngoài ra giày còn có khả năng chống cháy, chống tĩnh điện và chống lạnh.
Bộ trang phục chữa cháy và CNCH trên đã được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thực nghiệm đánh giá sự phù hợp với nhiều nội dung và mục đích nhằm đánh giá khả năng linh hoạt của chiến sỹ, khả năng chống thấm nước, chống nóng của bộ trang phục sát với thực tế chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Việt Nam.
Hình ảnh thực hành chữa cháy.
Hình ảnh thực hành mặc bộ quần áo.
Thực hành cứu nạn, cứu hộ trong không gian hạn chế có khói khí độc.
Thời gian tới đây, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tổ chức tập huấn và cấp phát bộ trang phục trên cho 05 đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH để thử nghiệm đưa bộ quần áo trên vào thường trực sẵn sàng chiến đấu, gồm các địa phương: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai. Đây là những địa phương trong thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy lớn và phức tạp. Việc thử nghiệm bộ trang phục mới có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết, rút kinh nghiệm để triển khai sử dụng bộ quần áo chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mới trên toàn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH