“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu…” – dễ gần trăm lần thầy nói hoài câu đó. Năm này nối năm khác, khóa trước dạy khóa sau, chưa bao giờ thay đổi. Cái dáng dấp đen xạm màu nắng, tóc húi cua, giọng ngòn ngọt miền Trung, lúc nghỉ tếu táo vui vẻ hài hước. Ấy mà vào tiết là nghiêm túc lắm. Học ra học, chơi ra chơi. Ai bảo nghề nào chểnh mảng còn được, chứ cái nghiệp phòng cháy, chữa cháy mà thế thì hại mình, hại người. Có khi bỏ mạng phải đâu chuyện đùa.
Nhớ ngày xưa, nắng Lương Sơn thiêu đốt hết mùa hè, hừng hực bỏng rát, nóng hấp hơi mặt đất phả chín vườn sấu ủ rũ kém xanh. Lớp chúng tôi bắt đầu học nghiệp vụ. Môn ngoài trời đầu tiên hình như tên kỹ thuật cá nhân và đội hình cứu nạn, cứu hộ yêu cầu thể lực cao. Tính chất lính yêu cầu mạnh khỏe, sức dài vai rộng, dũng cảm can trường. Bởi nghề này bất chấp hiểm nguy, người ta chạy ra riêng mình xông lại. Nào ngần ngừ sợ hãi hay toan tính thiệt hơn. Cứu người như cứu hỏa, không chậm trễ dù vài phút, vài giây.
Hồi đó, thầy nghiêm dễ sợ, khiến tụi tôi kêu khổ ầm ĩ với màn khởi động mệt bở hơi tai. Một rưỡi chiều, trời trong vắt xanh cao, hơn sáu mươi đứa rồng rắn nối nhau chạy tầm chục vòng sân. Chưa kịp nghỉ ngơi vội ép dẻo, dãn khớp. Xong xuôi hết thảy, mồ hôi thấm đầm đìa vạt áo, da ngân ngấn chia hai màu khác biệt mới đến nội dung luyện tập. Khởi nguồn từ buộc dây, các nút thắt cứu người bị nạn cho đến vượt tường, dùng thang. Mười tám, mười chín chập chững bước vào nghề, tay cứ run lẩy bẩy, sợ chẳng dám thả người xuống từ tầng ba, tầng bốn. May bên tai vang giọng thầy động viên, nhích mãi từng chút một, riết rồi cũng quen…
Sang những môn chuyên ngành chữa cháy thì ít nặng nhọc hơn bên khoa cứu nạn, cứu hộ. Nhưng, nó đòi hỏi sự chuẩn xác trong mỗi thao tác như rải vòi thẳng tắp, không chồng chéo gấp khúc. Đấu lăng, vòi, ba chạc phải chặt chẽ không bung, và anh cầm lăng cần kiên trì, bền bỉ vì thực tế luôn biến chuyển bất ngờ. Các loại đội hình từ đơn giản tới phức tạp, loại nào thầy chả bắt tập phương án mòn sân, mỏng bãi.
Kể cả, khi đã tốt nghiệp được phân công về đội nghiệp vụ trực thuộc phòng tỉnh, thỉnh thoảng gọi điện, thầy vẫn căn dặn bảo “Tập luyện nhớ tập cho kỹ, nắm vững kiến thức để áp dụng linh hoạt, chớ việc của mình nhiều nguy hiểm gian nan, làm gì cũng cần đảm bảo an toàn nghe không.” Tính thầy vậy đó. Suốt ngày lo lắng cho những đứa học trò nhỏ nhắn nghịch ngợm. Chỉ là mỗi thời, sự quan tâm yêu thương ấy được thể hiện theo các cách khác nhau mà chúng tôi chẳng hề hay biết…
Đời lính cháy vốn dĩ gắn liền với những mùa nghiệp vụ kéo dài triền miên, thậm chí lễ lạc Tết nhất luôn vắng mặt tại nhà. Trực chiến quanh năm, chiếm trọn ngày tháng. Đêm chập chờn giấc ngủ cũng không yên. Tiếng kẻng leng keng dồn dập giục giã, hối thúc người xe vội vã lên đường. Nhiệm vụ thiêng liêng đứng chờ phía trước, tạm gạt gia đình, bỏ nỗi cá nhân.
Bây giờ cách trở địa lý, thầy lại hiện diện đóng vai trò quân sư, hết lòng giúp sức cho học trò hoàn thành công việc. Vì cháy nổ thời nay xuất phát do vô vàn nguyên nhân, mỗi chất một chiến thuật, áp dụng sao cho phù hợp đâu chắc dễ dàng. Thầy trò trao đổi miệt mài, có hôm tảng sáng mới dừng. Nhiều lúc đọc tin báo nơi này cháy lớn, chỗ kia cứu nạn, thầy cuống quýt gọi điện hỏi han, nghe bình an, giọng nhẹ nhàng thủ thỉ “an toàn là tốt rồi… an toàn là tốt rồi…”
Chiều nọ tập huấn, tôi bất ngờ gặp thầy ở trường cũ, vẫn những quan tâm yêu thương thường nhật, nhưng tóc thầy đã phơn phớt phai sương. Chợt nhớ da diết, thèm quay về những buổi thao trường rực lửa, tắm tuổi trẻ, cháy nhiệt huyết đượm nồng.
Khi thầy còn trẻ, dìu dắt chúng tôi…
Lê Ngọc (Liên thông 10H)