Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 1765/TTg-NN yêu cầu các Bộ, Ngành liên quan và địa phương tập trung khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất, chủ động phòng, chống thiên tai tại miền Trung.
Công văn nêu rõ: các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng của bão, lũ vừa qua tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, phục hồi sản xuất; tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, trong đó tập trung bảo đảm lương thực, hỗ trợ các hộ bị mất nhà cửa xây dựng lại nhà trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, khẩn trương khôi phục sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, đê điều.
Các Bộ, Ngành và địa phương rà soát kịch bản biến đổi khí hậu, đánh giá toàn diện về tình hình thiên tai, rủi ro do thiên tai, tác động đến dân sinh, kinh tế, xã hội; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với từng loại hình, từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng; rà soát, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao năng lực cơ quan phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao tính chuyên nghiệp, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phù hợp để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp trước tác động của biến đổi khí hậu.
Nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai đối với nhà ở của người dân và công trình hạ tầng, nhất là công trình hạ tầng thiết yếu như: Công trình phòng, chống thiên tai, y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền…
Hướng dẫn người dân xây dựng nhà ở an toàn phòng, tránh bão, lũ; rà soát các chính sách xã hội, dân tộc và nhà ở, có chính sách phù hợp hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở an toàn; tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn cao, nhất là khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, nhất là công trình giao thông miền núi, hồ, đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ. Quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên; tiếp tục trồng và tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển; hạn chế tối đa tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối.
Tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu ứng phó kịp thời, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống thiên tai; điều chỉnh, bổ sung các quy định về quy trình thủ tục hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai (nhất là hỗ trợ gạo cứu đói, hỗ trợ giống để khôi phục sản xuất), vận động, tiếp nhận, phân phối các nguồn đóng góp tự nguyện cứu trợ sau thiên tai,…
Tăng cường công tác truyền thông, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống với truyền thông đa phương tiện để truyền tải thông tin chính xác, kịp thời về thiên tai, bão lũ tới người dân; nâng cao nhận thức, năng lực phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng.
Tăng cường nguồn lực cho phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động phòng phòng chống thiên tai, trong đó tập trung xử lý các trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi; xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực xung yếu; chủ động di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất gắn với sinh kế bền vững. Chủ động lồng ghép đầu tư công trình phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội của từng ngành, từng địa phương.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hành động, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xây dựng kế hoạch, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục hướng dẫn, giám sát công tác vận động quyên góp ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật./.
PV (Tổng hợp)