web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Chặng đường đầu tiên

Trước khi đi học liên thông, tôi đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau trong cái nghiệp phòng cháy chữa cháy vất vả thì lắm, hiểm nguy cận kề. Từ anh  cán bộ tham mưu tổng hợp cho đến chú lính hậu cần, coi sóc phương tiện. Mỗi nơi, mỗi người lại gieo vào lòng những tình cảm, bài học kinh nghiệm đáng quý cho chặng đường binh nghiệp đầu tiên. Dù sau này, đi học rất xa, ít có dịp trở về tri ân nhưng nhắc tới vẫn rưng rức, khắc khoải thương nhớ…

Ấn tượng nhất là chuyện hồi thực tập tốt nghiệp, chắc cũng khoảng dăm bảy năm trước. Dạo đó, tôi chớm độ hai mươi chứ già dặn gì đâu. Quá trẻ dại và non nớt. Khi ở trường bắt đầu rậm rịch đăng ký địa điểm thực tập, đứa chọn quê nhà, đứa xin vào Nam. Nghe anh chị khóa trên cường điệu truyền đạt nơi này khó, chỗ kia dễ mà lo bốc ốm. Cái tính cù lần, chậm chạp, gặp người còn ngại ngùng chẳng dám giao tiếp nên sợ sệt đủ bề.

Thôi thì phó mặc cho số phận run rủi. Ai ngờ, hôm nhận quyết định điều động về Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Phú Thọ. Nhìn nụ cười niềm nở tươi rói của mấy anh, mấy chị đội tham mưu, cảm nhận những quan tâm, hỏi han gần gũi khiến bao bồn chồn bỗng nhiên tĩnh lặng, bất giác tôi thấy lòng mình bình yên lạ lùng.

Bận ấy, tôi cùng bốn người bạn được phân xuống Đội Chữa cháy khu vực Long Châu Sa đóng quân ngay đầu Thành phố Việt Trì. Đứng ở đó trông ra phía xa xa sẽ thấy dòng sông Lô ngoằn nghèo uốn lượn, gánh nặng phù sa tưới tắm cho đôi bờ trù phú. Đơn vị mới xây dựng chưa lâu, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, lính tráng nhiều nhưng cán bộ khá mỏng. Cả đội ngót nghét chừng hơn ba chục người, một Đội trưởng, hai Đội phó, thỉnh thoảng có đồng chí lãnh đạo phòng trực cháy phụ trách ở lại, còn toàn lính nghĩa vụ.

Yêu cầu được giao đối với sinh viên thực tập chúng tôi thật ra không nhiều. Mỗi ngày bắt đầu với màn thể dục buổi sáng giống hệt dưới trường. Sau đó anh trực lái xe sẽ nổ máy khởi động phương tiện, thường trực sẵn sàng chiến đấu mà, nào có việc gì quan trọng hơn kiểm tra xe, lăng vòi, trang thiết bị. A trưởng chỉ huy lính tráng cầm rẻ lau chùi. Tôi nhớ cậu em nọ, người huyện Thanh Ba thường hay tếu táo cười bảo “em tút tát cho con người yêu”. Ừ nó yêu lắm chứ. Gắn bó mấy năm liền, có khi thời gian ở cùng bố mẹ còn chẳng nhiều bằng những chiến hữu đỏ au, to bự vẫn dàn hàng đứng trong gara.

Rồi sau khi làm xong hết tất cả, mọi người rồng rắn nối đuôi nhau đánh răng, rửa mặt và ăn sáng, chờ tới gần bảy rưỡi vội tập trung trong hội trường để đọc báo giao ban. Thông thường, anh trực ban sẽ điểm vài tin báo nổi bật trong ngày rồi chuyển qua cho anh Hưng (đội trưởng thời đấy) phổ biến văn bản, giao nhiệm vụ cần làm do phòng trung tâm gửi xuống. Ấy là thời khắc để khởi động cho những buổi tập nghiệp vụ mướt mát mồ hôi triền miên tháng ngày.

Họ mải miết tập chạy đội hình hai lăng B phun tiêu điểm, đội hình phun hút sử dụng ezecto cùng vô vàn các phương pháp cứu người bị nạn, cách sử các phương tiện được trang cấp. Chao ôi, nhiều thật nhiều những bài tập từ rèn thể lực tới nghiệp vụ chuyên môn. Đứng ngoài xem thôi, tôi còn chẳng nhớ nổi. Thế mới hiểu, phòng cháy chữa cháy đâu chỉ có mỗi cầm lăng, cầm vòi rồi xình xịch phun nước. Nghề chúng tôi đủ thứ phải học, đủ chuyện lo cũng lắm nỗi sầu…

Nhớ anh bạn đi lính kể lại, mỗi lần tiếng kẻng leng keng thúc giục là anh em hối hả lên đường. Chẳng quản ngày đêm gì hết. Chuyện bỏ dở giấc ngủ ngắn ngủi hay vừa chữa cháy về chưa kịp nghỉ ngơi vội vàng sấp ngửa theo xe rất đỗi bình thường. Nhanh thì đêm muộn chút, lâu dễ vài ngày vẫn đang bám hiện trường dập cháy. Giặc lửa vốn dĩ hung hãn và nguy hiểm, bao nhiêu năm qua nó đã nuốt chửng biết bao đồng đội. Những chàng trai mười chín, hai mươi đang ngời ngời hoài bão thanh xuân bị nung nấu biến dạng hình hài, nghĩ mà xót xa.

Bảo sao tụi lính toàn tắt máy. Không đứa nào dám gọi về nhà sợ bố mẹ lo lắng. Cứ lẳng lặng quên mình vì nhiệm vụ rồi nhẹ nhàng gửi tin báo bình an khi đã hoàn thành. Tôi từng hỏi chúng có sợ không? Mấy cậu lính trẻ hồn nhiên bảo sợ thì sợ. Nhưng đến đám cháy nhìn người ta khổ sở, những gương mặt hốt hoảng cùng nét hoang mang hằn sâu đấy mắt thì lại thương vô cùng. Ước muốn duy nhất lúc đó là mau chóng đánh đuổi giặc lửa, giúp dân mình vơi bớt nhọc nhằn cơ cực…

Tôi thực tập tại đơn vị ba tháng, may mắn nên cũng theo anh em chữa cháy đôi ba vụ. Nhưng nhớ nhất vụ cháy xưởng gỗ khu Bạch Hạc bên kia sông Lô với những ngõ ngách hẹp dài, sâu hun hút. Nhận tin báo, anh Hưng chỉ huy mọi người khẩn trương xuất xe, song tới đầu làng lại bị rào chắn ngang, mất hơn chục phút dùng búa tạ phá dỡ mới có thể tiếp tục di chuyển. Đám cháy thuộc khu dân cư, lọt thỏm cuối con đường bề ngang tầm mét rưỡi. Xe chữa cháy không vào được, nguồn nước cố định là cái ao làng cách gần cây số, xung quanh hàng xóm neo đậu chen chúc.

Nắm tình hình trinh sát sơ bộ, chỉ huy chữa cháy ra hiệu lệnh triển khai đội hình hai lăng B chữa cháy, hai lăng B làm mát chống cháy lan, kết hợp một xe truyền nước có dùng máy bơm phun hút. Lính chữa cháy khác thì cầm cuốc xẻng để xới tung cái nền xưởng mà phun nước, phòng sự cháy âm ỉ đang rình rập đánh úp. Hội sinh viên thực tập đám tôi thì hỗ trợ xung quanh. Khói nồng nặc, nghi ngút, hun lấm lem mặt mày. Trời mùa hè hòa hợp với cái áo bỏng rang của bà Hỏa khiến mồ hôi mẹ tắm mồ hôi con chảy tràn nhễ nhại. Mấy chục người cần mẫn lao động, sau bốn giờ cơ bản dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Ai cũng phờ phạc mệt mỏi nhưng nụ cười tươi tắn luôn bung nở trên môi đều đặn báo hiệu niềm vui phơi phới cõi lòng. Dường như họ đã quen với những vất vả đè nặng đôi vai nên trên đoạn đường về vẫn trò chuyện rôm rả. Thậm chí, anh Tuấn đội phó còn vỗ cánh tay tôi chân thành dặn dò, “các chú số đỏ đó, đi theo anh em xông pha thì mai này ra làm bớt bỡ ngỡ. Không gì quý bằng kinh nghiệm thực tế…” Anh quý chúng tôi như em ún trong nhà. Hệt như những lời thân tình thầy tôi hay bảo, phòng cháy nhà mình sống với nhau bằng cái tình, cái nghĩa. Gặp được nhau là quý lắm, cần chi nhiều lời diễn tả, cứ nồng nhiệt tay bắt mặt mừng, giản dị vậy thôi cũng thỏa mãn quá rồi…

Mấy năm ra trường bận bịu công tác xa, mãi không thể ghé thăm đơn vị. Bây giờ mỗi người một ngả, lính cũ đa phần ra quân, các anh dần được điều động đi nhiều nơi, người chuyển phòng, anh xuống xã. Mỗi lần nhớ về đơn vị, về anh em, về bạn bè đồng chí lại khắc khoải hoài niệm. Phải chăng, con người ta có thể dễ dàng tiếp nhận một miền đất mới, vì trót thương yêu từ những điều nhỏ nhặt. Dẫu muôn trùng cách trở vẫn thì thầm gọi tên.

Phòng cháy, chữa cháy mình ơi! Yêu và thương lắm đó…/.

Lê Ngọc (Liên thông 10H)