Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP của Chính phủ), Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/01/2020.
Cục Cảnh sát PCCC&CNCH xin giới thiệu khái quát một số điểm mới liên quan đến công tác kiểm định phương tiện PCCC, cụ thể như sau:
- Thời điểm kiểm định và đối tượng đề nghị kiểm định phương tiện PCCC
1.1.Thời điểm kiểm định phương tiện PCCC
Khoản 2, Điều 38 nêu rõ: Phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Có nghĩa là, các phương tiện PCCC khi mới nhập khẩu hoặc mới sản xuất phải được kiểm định trước khi thực hiện lưu thông (là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hoá trong quá trình mua bán hàng hoá, trừ trường hợp vận chuyển hàng hoá của tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hoá từ cửa khẩu về kho lưu giữ).
1.2. Đối tượng đề nghị kiểm định phương tiện PCCC
Theo biểu mẫu PC26, PC27 Phụ lục IX của Nghị định thì đơn vị trực tiếp nhập khẩu hoặc trực tiếp sản xuất phương tiện PCCC phải là đơn vị đề nghị kiểm định hoặc cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC.
Ví dụ: Công ty A là đơn vị trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất 1000 bình chữa cháy, Công ty A phải thực hiện thủ tục kiểm định phương tiện PCCC, nếu kết quả kiểm định đạt yêu cầu, cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm định, dán tem kiểm định lên 1000 bình chữa cháy đó, sau đó Công ty A mới được quyền thực hiện lưu thông các bình chữa cháy đã được kiểm định.
- Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC
Mục b, Khoản 11, Điều 38 quy định: Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định tại các mục 2, 3, 6, 7 và 8 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định, của cơ quan, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý và các loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy do Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ủy quyền.
Nội dung này được hiểu là: Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH của 63 Công an cấp tỉnh đều có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm định cho các cơ quan, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn quản lý. Ví dụ: Công ty A có trụ sở trên địa bàn tỉnh Hải Dương, Công ty trực tiếp nhập lô hàng 1000 bình chữa cháy, Công ty đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận kiểm định (sau khi có biên bản kiểm định của cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định phương tiện PCCC và có đủ thành phần quy định tại mục c, khoản 5, Điều 38) thì Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH – Công an tỉnh Hải Dương có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm định.
- Xã hội hóa hoạt động kiểm định phương tiện PCCC
Mục c, Khoản 11, Điều 38 quy định: Đơn vị thuộc cơ quan Công an có đủ điều kiện, được Bộ Công an cho phép thực hiện công tác kiểm định; cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được phép thực hiện các hoạt động tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm định, lấy mẫu, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC25) đối với loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã được cấp phép kiểm định thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Sau khi có kết quả kiểm định phải thông báo bằng văn bản kèm theo biên bản kiểm định để đơn vị đề nghị kiểm định gửi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 38 Nghị định này đến cơ quan Công an có thẩm quyền xem xét, cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Theo đó, ngoài các cơ quan Công an có đủ điều kiện, được Bộ Công an cho phép thực hiện công tác kiểm định phương tiện PCCC thì Nghị định cũng đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy được phép thực hiện các hoạt động tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm định, lấy mẫu, kiểm tra, kiểm định kỹ thuật và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Như vậy, kể từ ngày 10/01/2020, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nếu đã được xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC thì được phép thực hiện các hoạt động kiểm định phương tiện PCCC, kết quả kiểm định là cơ sở để cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC. Các điều kiện về kinh doanh dịch vụ tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật về PCCC được quy định tại Điều 41 đến Điều 46 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, Nghị định cũng đã quy định cụ thể, đầy đủ nội dung, phương thức, trình tự, thủ tục hành chính về kiểm định phương tiện PCCC.
Trên cơ sở các nội dung trên cho thấy, việc bổ sung các quy định nêu trên vừa góp phần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các phương tiện PCCC trước khi lưu thông, vừa giảm bớt số lượt thủ tục hành chính mà doanh nghiệp phải thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn về mặt thủ tục cho doanh nghiệp khi cần thực hiện kiểm định phương tiện PCCC, đồng thời đã xã hội hóa một phần công tác kiểm định phương tiện PCCC./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH