PCCC chợ, trung tâm thương mại là một chuyên đề lớn trong công tác PCCC vì nếu để xảy ra cháy lớn tại các chợ, trung tâm thương mại (TTTM) thì thiệt hại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Theo thống kê, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ. Đa phần là các chợ hoạt động hiệu quả (97%) và thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Bên cạnh đó, cả nước có 957 siêu thị và 189 trung tâm thương mại tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành phố. Theo tính toán, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 đến 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP trong giai đoạn 2006 – 2016, cho thấy sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực này vào nền kinh tế đất nước. Đồng thời chợ, trung tâm thương mại cũng là một trong những loại hình cơ sở được xếp loại đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ và thực tế đã xảy rất nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm xảy ra 20 vụ cháy chợ, trung tâm thương mại gây thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 70 tỷ đồng, nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng an sinh xã hội, ngừng trệ buôn bán, chi phí khắc phục hậu quả… thì thiệt hại sẽ gấp khoảng 3 lần. Đáng lưu ý có đến 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, 47% vụ cháy chợ, trung tâm thương mại là do sự cố hệ thống điện và việc sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC và 33,3% do sử dụng lửa trần, thắp hương thờ cúng. Thời gian qua, các cấp, các ngành và đặc biệt là lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp tăng cường công tác PCCC nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của các chợ, trung tâm thương mại như tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, phát động phong trào quần chúng PCCC; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn khắc phục những sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đặc biệt là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định PCCC… Tuy nhiên, công tác PCCC chợ, trung tâm thương mại còn rất nhiều bất cập, nguy cơ cháy và các điều kiện dẫn đến cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản luôn luôn tiềm ẩn. Đó là:
– Cơ quan chủ quản, Ban quản lý một số chợ, trung tâm thương mại chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC, thiếu sự quan tâm hoặc coi nhẹ việc đảm bảo điều kiện an toàn PCCC, thậm chí cố tình vi phạm quy định về PCCC. Còn trên 60% chợ còn tạm, chưa kiên cố, có tới 90% số chợ, TTTM đang hoạt động nhưng chưa được cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt về PCCC, đặc biệt là những chợ, TTTM xây dựng trước năm 2000 nên có nhiều vi phạm quy định về PCCC, bố trí số hộ kinh doanh nhiều hơn so với thiết kế ban đầu dẫn đến tình trạng không an toàn về PCCC, biết rõ tình trạng mất an toàn của chợ nhưng vẫn không có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không đảm bảo an toàn về PCCC, còn có thái độ phó mặc, cho rằng đó là nhiệm vụ của Cảnh sát PCCC&CNCH; ý thức và kiến thức PCCC của nhiều hộ kinh doanh và những người tham gia mua bán còn hạn chế, do vậy thực hiện chưa nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC; nhiều hộ kinh doanh còn vi phạm quy định về PCCC như thắp hương trong chợ, kinh doanh trái phép xăng dầu, gas… xếp hàng hóa lấn chiếm lối đi, cửa thoát nạn; cơi nới mái che, mái vảy bằng các vật liệu dễ cháy…
– Hệ thống điện chưa được tách riêng làm 3 nguồn riêng biệt (chiếu sáng, bảo vệ và chữa cháy); hệ thống điện đã cũ nhưng chưa được sửa chữa, thay thế…;
– Nguồn nước tại chỗ thiếu nghiêm trọng, nhiều chợ không trang bị hệ thống chữa cháy cố định hoặc có trang bị nhưng hoạt động kém hiệu quả, máy bơm trang bị ở các chợ còn thiếu nghiêm trọng về số lượng, có trường hợp không đúng chủng loại theo quy định, chất lượng kém. Trong khi đó, nhiều chợ, trung tâm thương mại không có đường giao thông cho xe chữa cháy hoặc có đường nhưng bị lấn chiếm nếu chẳng may xảy ra cháy xe chữa cháy không thể tiếp cận để chữa cháy;
– Nhiều chợ quy mô lớn, trữ lượng hàng hoá trị giá hàng chục tỷ đồng lại nhưng ở cách xa đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH, đặc biệt có nhiều chợ cách xa vài chục thậm chí là hàng trăm kilômét, đường xá đi lại khó khăn. Trong khi đó, việc xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, trang bị phương tiện cho lực lượng này của nhiều chợ, trung tâm thương mại còn mang tính chiếu lệ, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước về PCCC; không có cơ chế hoạt động rõ ràng nên chất lượng hoạt động của lực lượng này rất kém, nhiều vụ cháy xảy ra không phát hiện được và không kịp thời tổ chức chữa cháy;
Những tồn tại trên, khi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra, phát hiện, yêu cầu khắc phục thì cơ sở viện lý do không có hoặc chưa có kinh phí khắc phục, sửa chữa nên chợ vẫn trong tình trạng mất an toàn; việc đình chỉ hoạt động của các chợ lại hết sức khó khăn vì liên quan đến đời sống của hàng ngàn hộ gia đình.
Để thực hiện tốt công tác PCCC, không để cháy xảy ra và nếu có cháy thì chữa cháy có hiệu quả, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp, biện pháp sau:
Thứ nhất, cơ quan chủ quản các chợ, trung tâm thương mại cần rà soát, xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC đối với chợ, trung tâm thương mại như hệ thống điện, hệ thống báo cháy, chữa cháy, nguồn nước…; thực hiện nghiêm việc thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với các chợ, trung tâm thương mại được cải tạo, xây dựng mới và thực hiện các giải pháp, biện pháp an toàn PCCC; bố trí kinh phí để duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, phương tiện PCCC của chợ, trung tâm thương mại; ban hành quy định, nội quy đảm bảo an toàn PCCC và đầu tư trang bị phương tiện PCCC theo đúng quy định; tổ chức các đợt kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện những quy định về PCCC để có các biện pháp khắc phục kịp thời những sơ hở thiếu sót có thể dẫn đến cháy;
Thứ hai, Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn cho các hộ kinh doanh và khách mua hàng, khách tham quan thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ; nhắc nhở công tác bảo đảm an toàn PCCC, phòng nổ trong việc sử dụng điện, gas, lửa trần nhất là vào giờ cao điểm có đông khách hàng và vào thời điểm chợ chuẩn bị đóng cửa; tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC để kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót có thể gây ra cháy; kiên quyết giải toả lấn chiếm, tạo đường cho xe chữa cháy hoạt động; quản lý chặt việc sử dụng điện, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng trong chợ… kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định, nội quy PCCC; duy trì tốt hoạt động, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC, đảm bảo yêu cầu chữa cháy kịp thời và có hiệu quả các vụ cháy phát sinh, nhất là đối với những chợ vùng sâu, vùng xa, cách xa đơn vị chữa cháy chuyên nghiệp;
Thứ ba, các hộ kinh doanh và người tham gia giao thương phải thấy rõ việc thực hiện tốt công tác PCCC là tự bảo vệ mình và tự giác thực hiện nghiêm các quy định, nội quy an toàn PCCC chợ; không hút thuốc lá và sử dụng lửa bừa bãi; không lấn chiếm lối đi để bày bán hàng hoá hay cơi nới, che chắn làm cản trở lối đi, lối thoát nạn và đường cơ động của xe chữa cháy… ; tự trang bị bình chữa cháy xách tay, nước, chăn… để chữa cháy;
Thứ tư, lượng lực Cảnh sát PCCC&CNCH tham mưu, hướng dẫn UBND các cấp chỉ đạo thực hiện các giải pháp, biện pháp PCCC đối với chợ, trung tâm thương mại; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phù hợp điều kiện thực tế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về PCCC, kể cả áp dụng hình thức tạm đình chỉ hoạt động của một bộ phận hoặc toàn bộ chợ để khắc phục, sửa chữa khi không đảm bảo an toàn về PCCC./.
Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH