Hiện nay với sự phát triển của công nghệ xây dựng nhiều nhà cao tầng được xây dựng dẫn đến công tác triển khai lực lượng phương tiện của Cảnh sát PCCC&CNCH để cứu người và tài sản lên tầng cao gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào tính chất phức tạp, đặc điểm nguy hiểm cháy nổ của từng công trình QCVN 06:2020/BXD có quy định “trong mỗi khoang cháy của các nhà có chiều cao >28m( trừ nhà F1.3) ; trong các ga ra ngầm có trên hai tầng hầm, mỗi khoang cháy phải bố trí ít nhất một thang máy làm việc ở chế độ chuyên hở lực lượng phương tiện chữa cháy”. Vì vậy, thang máy chữa cháy có thể được hiểu là một loại thang máy được thiết kế, lắp đặt đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy nhằm phục vụ chuyên chở lực lượng và phương tiện chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong nhà cao tầng.
1.Một số yêu cầu của thang máy chữa cháy
- Thang máy này được bố trí trong giếng thang đảm bảo yêu cầu chống cháy và có sảnh đệm ngăn cháy trước khi vào thang máy ở mỗi tầng. Kết cấu giếng thang máy, sảnh đệm ngăn cháy, cửa đi ngăn cháy phải có giới hạn chịu lửa đảm bảo theo quy định của QCVN06:2020/BXD.
- Vật liệu bên trong của cabin phải là loại vật liệu không cháy, trong cabin thang máy chữa cháy phải có điện thoại chuyên dụng cho chữa cháy.
- Tại tầng 1 (trệt), thang máy chữa cháy phải có cửa ra thông thẳng ra ngoài nhà hoặc qua lối đi với độ dài không quá 30 m để thông thẳng ra ngoài nhà và phải có nút bấm dành riêng cho lực lượng chữa cháy thao tác sử dụng.
- Tốc độ thang máy chữa cháy phải đảm bảo thời gian đi từ tầng phục vụ chữa cháy (thường là tầng 1 hay tầng trệt) đến tầng cao nhất không quá 60 giây.
- Hệ thống điện cấp cho thang máy và chiếu sáng phải có các nguồn điện cấp chính và phụ (khẩn cấp, dự phòng, luân phiên).
- Thang máy chữa cháy phải có buồng đệm phía trước, cabin thang máy phải được làm từ vật liệu chống cháy.
- Thang máy chữa cháy phải có nguồn điện cung cấp chính và phụ (khẩn cấp, dự phòng, luân phiên). Điều kiện tiên quyết là nguồn cung cấp điện phụ phải được bố trí trong khu vực được phòng cháy.
- Trong thang máy chữa cháy cần có sẵn điện thoại, ống dẫn nước và các thiết bị thao tác chuyên dùng của đội chữa cháy.
- Thang máy chữa cháy được bố trí trong giếng thang có một hành lang cháy đối diện với mỗi cửa tầng. Diện tích của mỗi hành lang phòng cháy được quy định theo các yêu cầu về vận chuyển các cáng tải thương và vị trí của các cửa trong mỗi trường hợp.
- Thang máy chữa cháy phải phục vụ được cho mỗi tầng của tòa nhà.
- Kích thước của thang máy chữa cháy phải được ưu tiên lựa chọn từ TCVN 7628-1 (ISO 4190-1). Trong bất cứ trường hợp nào, kích thước chiều rộng không được nhỏ hơn 1100mm, kích thước chiều sâu không được nhỏ hơn 1400mm và tải trọng định mức không được nhỏ hơn 630kg như đã quy định trong TCVN 7628-1 (ISO 4190-1).
- Chiều rộng nhỏ nhất của lối vào cabin phải là 800mm.
- Thiết bị điện trong giếng thang của thang máy chữa cháy và trên cabin, được bố trí trong phạm vi 1,0 m đối với bất cứ thành giếng thang nào có chứa cửa tầng, phải được bảo vệ tránh bị nước nhỏ giọt hoặc tránh tia nước phun hoặc được trang bị các vỏ bao che có cấp bảo vệ ít nhất là IPX3 theo EN 60529:1991.
- Phải có các phương tiện thích hợp trong hố giếng thang để bảo đảm rằng nước sẽ không dâng lên trên mức của giảm chấn đã được nén lại hoàn toàn.
Một số hình ảnh bố trí thang máy chữa cháy trong công trình
Hình 1 . Sơ đồ bố trí cơ bản của một thang máy chữa cháy và hành lang phòng cháy
- Hành lang phòng cháy; 2 – Thang máy chữa cháy
Hình 2. Sơ đồ bố trí cơ bản của một thang máy chữa cháy trong một giếng thang có nhiều thang máy và hành lang phòng cháy
1- hành lang phòng cháy; 2- Thang máy chữa cháy; 3- Thang máy thông thường; 4 – Tường ngăn cháy
Hình 3. Sơ đồ bố trí cơ bản của một thang máy chữa cháy có hai lối vào trong một giếng thang có nhiều thang máy và hành lang phòng cháy.
1 – Hành lang phòng cháy; 2- Thang máy chữa cháy; 3- Thang máy thông thường; 4- Tường ngăn cháy; 5- Hành lang phong cháy của thang máy chính; 6 – Lối thoát hiểm
2.Cách sử dụng và lưu ý khi dùng thang máy chữa cháy
- Thứ nhất, ngay khi phát hiện có đám cháy chúng ta cần nhanh chóng tiến hành kích hoạt chế độ cứu hỏa. Đối với những thiết bị thang máy thông minh hiện nay đều có chế độ kích hoạt chế độ cứu hỏa tự động nên người dùng, quản lý thang máy không cần thực hiện công việc này. Nếu không, chúng ta có thể sử dụng chế độ nay thông qua công tắc lắp đặt ở tầng thấp nhất của mỗi tòa nhà.
Hình 4. Biểu tượng nhận biết thang máy chữa cháy
- Thứ hai, sau khi thang máy được kích hoạt chế độ chữa cháy chúng ta cần kiểm tra lại một lần nữa tình trạng thực tế của thang máy. Trường hợp chế độ chữa cháy được kích hoạt thành công thiết bị sẽ đưa cabin thang máy về tầng thấp nhất của tòa nhà. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể cơ chế hoạt động cũng có thể có những khác biệt nhất định. Theo đó, nếu đám cháy xuất hiện ở các tầng thấp thì thang máy sẽ hoạt động đưa người bên trong thang máy lên tầng cao nhất của tòa nhà rồi mới mở cửa.
- Thứ ba, sử dụng ngay bảng điều khiển có trong cabin thang máy sau khi thiết bị được an toàn, lựa chọn tầng muốn tới rồi mới nhấn vào nút Call-Cancel để thang máy có thể hoạt động và đưa người dùng tới tầng chúng ta muốn tới.
- Thứ tư, một vấn đề khác cần lưu ý là nhấn vào nút đóng cửa cabin thang máy tải khách trước khi thiết bị chính thức hoạt động. Điều này đảm bảo cho thiết bị có thể hoạt động phục vụ con người, nếu không thang máy không thể vận hành, không thể đưa người sử dụng tới được tầng, vị trí an toàn trong thời gian sớm nhất.
- Thứ năm, sau khi điều khiển thang máy, tới được vị trí mà chúng ta mong muốn cần nhấn nút mở cửa để thiết bị hoạt động, giúp người dùng có thể thoát ra bên ngoài nhanh chóng nhất. Ngoài ra, cần chú ý khi ra bên ngoài cần quan sát cẩn trọng trước khi chính thức bước ra trong trường hợp tòa nhà đang có hỏa hoạn nhằm tránh những tác nhân nguy hiểm có thể gây ra những tác động mà chúng ta hoàn toàn không hề mong muốn. Cần chú ý thêm là thiết lập chế độ giữ thông qua việc nhấn nút Hold để mọi yêu cầu khác được đưa ra bị vô hiệu quả. Điều này giúp giảm thiểu những nguy hiểm, những tổn thương tới con người bởi trong tình huống hỏa hoạn thang máy chỉ được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp, thực sự cần thiết.
- Thứ sáu, cần nắm bắt thông tin về vị trí của đám cháy, độ lớn của đám cháy và tình hình thực tế hiện tại từ đó có được phương án điều khiển thang máy tới vị trí an toàn nhất, phù hợp nhất để giảm thiểu thương vong xuống mức thấp nhất, giúp người dùng có thể thoát ra ngoài một cách an toàn, tránh tình trạng bị mắc kẹt trong thang máy./.
Hữu An (Khoa Tự động và phương tiện kỹ thuật PCCC&CNCH)