web nhà cái cá độ bóng đá uy tín blckvc,trò chơi nổi tiếng

Dư vị nhớ thương

Sáng chạy xe giữa lòng Hà Nội, chợt nghe làn khói trầm hương phả từ những ngôi chùa, sực nhớ hôm nay đã là Rằm tháng Chạp. Rằm cuối cùng của một năm, báo hiệu một mùa Tết Nguyên đán nữa sắp về.

 

 

Nhớ lúc còn nhỏ, cứ khoảng thời gian này tôi lại lon ton bám tay mẹ đi chùa. Những ngôi chùa làng quê vào những ngày giáp Tết luôn đông đúc người, người đi phúng viếng, người đi cầu chúc, tạ lễ sau một năm làm ăn khấm khá và cả những cô, những chị đi làm công quả, dọn dẹp, quét dọn chùa để đón năm mới. Tôi lúc ấy độ chừng 7 -8 tuổi, chỉ biết chạy nhảy lon ton khắp nơi, đến mệt nhoài lại ngồi đừ ra một gốc ngồi “đếm” tượng Phật. Đếm chán lại đi lòng vòng… “ngửi” mùi hương của các loại nhang.

Ngày Rằm ở một ngôi chùa làng quê đầy cổ kính trong tiềm thức ban sơ của tôi đầy yên ắng và thanh bình, những ô cửa vừa được lau dọn đã sạch bóng lớp bụi thời gian, phơi ra lớp gỗ mun nhẵn bóng đã trải qua bao năm tháng bom bay đạn lạc cùng ngôi chùa để giờ đây chỉ ngày một hằn lên nét đẹp của thời gian. Những cánh cửa gỗ im lìm mở rộng như đón lấy những cơn gió Xuân đến sớm vừa kịp tràn vào. Tôi cứ thế đứng đó trơ mặt ra để gió thổi vào mặt.

Chợ Tết ngày ấy đơn sơ lắm, không bán lắm thứ như bây giờ, chẳng có những giỏ quà Tết, bánh kẹo hoa quả ngoại, những loại mứt đủ màu sắc chủng loại, vì thời ấy nhà ai cũng tự làm. Chợ Tết khi ấy là một thiên đường của tuổi thơ tôi vì phơi ra biết bao nhiêu bộ đồ đẹp và những loại hoa đủ màu sắc, những loại quả nhìn thôi đã tứa nước bọt. Và dù có mua gì cũng không quên những bó mùi già. Dù nhà thiếu ăn hay dư giả, thì đến chiều 30 Tết chẳng ai còn tất bật nữa. Những người đàn bà dù đoảng nhất cũng đun một nồi nước bỏ cây mùi già vào, rồi hối thúc chồng con đi tắm, gội. Như là cách gột bỏ hết vất vả, xui xẻo của năm cũ. Hương thơm của mớ mùi già đun nước sôi nó lạ lắm, thanh tao, nồng ấm và tinh dầu của nó như đánh thức mọi giác quan. Nó làm cho con người ta như phấn chấn hẳn lên. Dường như tất cả mọi người, dù giàu hay nghèo, khi tắm nước mùi già xong ai cũng tự tin, ai cũng thấy được ấm áp, no đủ, khi toàn cơ thể đang tỏa ra mùi thơm dễ chịu của thứ cây lúc non thì ăn, lúc già thì tắm này.

Đã có một thời rất xa như thế… Mùi khói cay xè xông lên tận mũi. Vài hạt mưa lác đác ngấm vào than hồng và làm cái thức mùi ấy càng nồng nặc hơn. Hình như mưa cũng biết làm nhòe đôi mắt người trông…Cũng là đêm 30, nhưng cảnh ấy thật lạ. Những cột khói xanh mờ ảo dần đã được thay thế bằng những cây nêu sáng lấp lánh chọc trời. Hòa với tiếng nhạc xập xình, anh đi chơi chỗ này, anh lại đi chơi với bên kia, người thì ngủ, người thì chìm vào thế giới ảo với những bài đăng tràn đầy hào hứng đón năm mới…

Đêm Giao thừa của hơn chục năm về trước đã thay đổi hẳn, có lẽ kể từ khi qui hoạch lại thành phố. Không còn những bãi đất trống, những khoảnh sân nhỏ để gia đình vui vầy với biết bao câu chuyện ngày xưa bên nồi bánh chưng nghi ngút khói. Tôi thấy lòng mình thắt lại. Kỷ niệm ngày xưa lại tràn về, ồ ạt như một cơn sóng thần đẩy cho cảnh vật nhòa đi…

Ngày 30. Ngày cuối cùng trong năm của thời xưa ấy chẳng có vẻ hời hợt như bây giờ mà trái lại nó lớn lắm, thiêng liêng lắm mà vui nhất là lũ trẻ con chúng tôi. Người lớn bận bịu là vậy, còn bọn trẻ con chúng tôi thời ấy cứ Tết đến là “kình” nhau đồ đẹp, chả bù cho trẻ nhỏ thời nay, Tết với chúng nó chẳng có gì khác ngày thường, đều là chuỗi ngày ôm smartphone. Hồi ấy, Tết đến nhà đứa nào eo hẹp thì chỉ được mua hai bộ đồ mới, còn khá hơn thì được ba bộ để diện ba ngày Tết. Cứ chiều 30, dù chơi ở đâu, vui cỡ nào cũng sẽ chạy về nhà sớm hơn thường ngày, để mẹ nấu nước tắm gội sạch sẽ và đi ngủ sớm, lòng chỉ mong nhanh đến sáng để diện đồ mới.

Tôi đã thấy hối hận vì đã ậm ừ để mẹ đặt vài ba cặp bánh chưng ở tiệm, mẹ bảo như thế đỡ tốn công sức, gọn lẹ và đặc biệt là giá cả cũng “như nhau”. Vẫn là tôi thích cái cảm giác tất bật, bận rộn chuẩn bị cùng gia đình hơn. Ánh lửa loe lóe hôm nay cho tôi bắt gặp lại màu lửa bếp trong kí ức ngày xưa. Tôi nhớ những buổi chiều cuối năm, vẫn là ánh nắng nhẹ xuyên qua lớp sương lạnh cuối đông đấy, cảnh vật không có gì thay đổi nhưng lòng người lai có một sự biến đổi ghê gớm: bận rộn mà vẫn vui, vẫn háo hức chờ đợi. Nhà tôi có tục gói bánh Tết vào mỗi chiều 30, không chỉ có mỗi gói bánh thôi đâu, mà tất cả những việc quan trọng như dọn bàn thờ, đi chợ sắm Tết… cũng được làm vào hôm ấy, nên đâm bận bịu ra. Nhưng cũng bởi vì thế mà gia đình tôi lại có dịp ở cạnh và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Mẹ tôi đã tất bật ngâm nếp, đậu từ sáng sớm để kịp chiều cho bố con tôi gói bánh. Và “nhiệm vụ” thì được định không biết tự bao giờ: tôi chẻ lạt, buộc lạt, cắt lá đổ gạo, nhân vào khuôn cho bố tôi gói.

Chiếc chiếu nhỏ trải giữa sân ngày xưa cứ reo mãi những tiếng cười rộn của ba cha con tôi, gió đưa mãi vào tận gác bếp nơi mẹ còn “đau đầu” với khoản phân chia thực đơn. Ấm cúng lắm, vui lắm! Khoảnh sân nhỏ thế mà chứa cả vũ trụ tí hon tuổi thơ tôi, hễ cứ thấy những túm lá dong mát mượt dựng nơi chái là báo hiệu Tết sắp về. Năm nào cũng như năm nào, nhưng công việc gói bánh của mỗi năm lại đầy những kỉ niệm riêng biệt, không hòa trộn, không lẫn vào đâu được. Tôi cứ ngỡ như những buổi chiều như thế là mãi mãi.

Đêm đến lại càng hồi hộp. Trẻ con như chúng tôi lại càng vui. Tham gia cùng bố mẹ nhóm lửa nấu bánh chưng, tôi lại được dịp nghe kể về những câu chuyện truyền thống gia đình. Dưới cái se se lạnh của đêm lúc về khuya, huyền ảo, thơ mộng, gia đình tôi quây quần bên bếp lửa. Nói là “bếp” nhưng đó lại là ba cục gạch chụm vào. “Nồi” là xác thùng pháo sáng mà cha mẹ tôi đã cất từ rất lâu lâu ấy. Bánh chưng xếp gọn. Cái chiếu manh chở đầy những câu chuyện kì lạ, đến nỗi mà nếu chẳng có “đêm giao thừa” thì có lẽ chúng tôi sẽ chẳng được nghe bao giờ. Tiếng kể của mẹ, của cha trầm ấm, biết bao yêu thương lắng cùng tiếng sôi lúc búc. Nào là những cái Tết ngày xưa của cha mẹ, Tết những hồi bao cấp, đói khổ biết chừng nào; rồi đến cả cái lịch sử của Tết, truyền thống bánh chưng bánh giầy của chàng Lang Liêu. Hồi đó không hiểu lí do gì, mà tôi cứ nhớ như in câu nói của mẹ: “Bánh chưng sôi không cần đun nữa, rút bớt củi để than riu riu tự chín, cũng như cuộc đời các con; đủ lông đủ cánh chẳng cần ai thúc giục, chẳng cần điều đẹp đẽ thơ mộng cũng tự trưởng thành, tự mình trưởng thành…”.

Tôi đã chép câu nói của mẹ vào một cuốn sổ nhỏ, cứ coi như một câu nói hay dù chẳng hiểu gì. Và tôi đã thích thú lắm, ngồi bó gối mơ màng nhìn ánh lửa đỏ hồng hai gò má, đôi mắt lại sáng lên mỗi khi một tàn lửa cam va đập để rồi bay lên cao, cứ ngỡ bột lân tinh trong những câu chuyện thần thoại. Đêm Giao thừa cũng đẹp như thần thoại. Nơi mà tục lệ nấu bánh chưng để thức đón Giao thừa không bao giờ chết. Tôi nhớ hồi ấy không lắm pháo, không đủ sắc loại như bây giờ, nhưng khoảnh khắc đồng hồ điểm 12 tiếng vẫn là lúc đẹp và náo nhiệt nhất trong năm. Nhà tôi không năm nào mua pháo, chỉ có chị em tôi cạo diêm để làm thành dăm ba quả “pháo đinh”. Cũng có lúc, hòa cùng cái rực rỡ của làng xóm, tôi rút những thanh củi phi lao dài cháy dở trong nồi bánh chưng, thân đỏ thẫm, huơ huơ về phía xa cứ như ngọn đuốc nhỏ. Và thường ngay thời khắc đó. Bố tôi mới nhắc nồi bánh chưng xuống, dở nắp ra là ào ạt hơi trắng xóa thơm mùi đồng cỏ nội. Mùi lá dong, mùi mật ngọt của lạt tre đặc biệt làm con người ta dễ rung động. Lấy bánh ra, vuông vắn, tròn trịa, chúng tôi lại thi nhau tranh giành bánh này của đứa này, bánh kia của đứa kia. Mẹ tôi chỉ nhìn và cười hiền. Cha tôi đặt bánh lên bàn thờ cúng gia tiên ngay vào lúc đất trời chuyển sang một năm mới, lúc bánh hãy còn nóng, mỗi đường khói trắng là mỗi sợi chỉ nhỏ bay lên, rực rỡ trong đôi mắt thèm thuồng của chị em tôi. Những lúc ấy, được cha cất cho một cái để ăn thì hay phải biết!

Hóa ra niềm vui của trẻ thơ những mùa Tết năm cũ thật giản đơn. Tết trong tâm tưởng non nớt thời ấy của tôi còn là mùi nồi thịt kho và vại dưa hành mẹ làm, những món đồ ăn tôi luôn than vãn là “ngán quá” để đến khi rời xa quê tôi lại chẳng bao giờ tìm thấy mùi vị ấy ở đâu được nữa.

Một thoáng nhớ nhung và những hồi ức về cái Tết xưa chợt ùa về trong lòng tôi, nhớ quay quắt. Ở cái thành phố luôn bận rộn này, dường như hình ảnh nồi bánh Tết bập bùng lửa, những mẻ mứt tự sên đã dần không còn nữa. Dường như ai nấy đều quá bận để chuẩn bị một cái “Tết đoàn viên”, cứ Tết đến cầm tiền ra chợ là thứ gì cũng có, lâu dần người ta quên luôn Tết vốn dĩ bắt nguồn từ sự đoàn viên khi cả nhà quây quần cùng nhau chuẩn bị. Thời gian là một cuộc chạy đua. Tôi chẳng còn nhớ từ bao giờ mà gia đình tôi không còn những đêm thức cùng nhau để cùng nấu bánh chưng đón năm mới. Không biết có phải từ lúc những người hàng xóm phàn nàn vì mảnh sân nhỏ quá, vì mùi khói nồng nặc quá; hay là vì những thứ nồi hiện đại chỉ cần một nút bấm và thời gian thì thay con người hoàn thành tất cả, chẳng cần đến sắc đỏ của than hồng nữa? Nhưng Tết, nhưng món bánh chưng truyền thống lại có thể vì những đều đặt của cuộc sống hôm nay mà phai mờ được sao? Chợt tha thiết nhớ cái Tết xưa, những hình ảnh, mùi vị của sự sum họp, của yêu thương, của đoàn viên giờ chỉ còn lại trong một miền nhớ xa xôi của những con người lòng đầy hoài niệm, như bạn, như tôi. Để thảng hoặc vào một ngày giữa một Hà Nội cổ kính, lất phất mưa Xuân lại đánh động một vùng rực sáng kí ức trong tôi, những hoài niệm êm đềm về Tết… Cô đơn ngay chính trong sự tiện lợi và làm rảnh bản thân, những đêm như hôm nay, tôi chỉ biết mơ về những ngày xưa xưa ấy, bóng dáng nụ cười tuổi thơ cứ lấp ló trong dư vị nồi bánh chưng bay. Ngạt ngào…■

Phương Nhung